Hồ nước ô nhiễm tại trung tâm thành phố mơ ước của ông Tập Cận Bình

VietTimes -- Ông Tập Cận Bình muốn xây dựng một thành phố mơ ước tại Hùng An (tỉnh Hà Bắc). Hồ Bạch Dương rộng 366 km2 nằm trong trái tim của thành phố này, nhưng hiện nay, nước hồ bị ô nhiễm đến mức ngay cả việc có thể làm sạch được hay không cũng gây nhiều tranh cãi.
Hồ Bạch Dương
Hồ Bạch Dương

Hồ Bạch Dương nằm cách Bắc Kinh 120 km về phía Nam, trước đây từng được coi là “lá gan của bình nguyên phương Bắc” của Trung Quốc, do nó đảm nhiệm vai trò điều hòa lọc nước bẩn cho cả vùng. Hiện nay, nó đã trở thành một trong những hồ bẩn nhất Trung Quốc.

Rác thải chất đầy xung quanh bờ hồ. Các ống dẫn được chôn phía dưới đêm ngày đổ nước thải độc hại từ các nhà máy chung quanh khu vực xuống đáy hồ. Nước trong hồ đầy các loại dư lượng thuốc trừ sâu và phân hóa học từ các cánh đồng ngô và chất kháng sinh từ các trang trại chăn nuôi chung quanh.

Một số nhà khoa học nói rằng, nếu chính quyền thực hiện kế hoạch xây dựng một thành phố hoàn toàn mới tại đây, tình hình ô nhiễm sẽ trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên một số khác cho rằng có thể tìm ra giải pháp.

Chính quyền muốn Khu đô thị Mới Hùng An bao gồm cả ba quận nằm quanh hồ trở thành một siêu thành phố với dân số khoảng 2,5 triệu người, là địa chỉ của các công ty hàng đầu và cũng thịnh vượng như Thâm Quyến hay Thượng Hải, với các trường Đại học, viện nghiên cứu và bệnh viện hàng đầu.

Các nhà khoa học đã hàng chục năm nay nghiên cứu và theo dõi sự ô nhiễm nước trong hồ này.

Mọi người đều nhất trí rằng, nước trong hồ hiện không thích hợp cho con người tiếp xúc. Nhà nước  thì hứa sẽ quyết tâm khắc phục bằng “nỗ lực của hàng ngàn năm”, nhưng tình hình có thể cải thiện được hay không lại là vấn đề còn bỏ ngỏ.

Núi rác thải ven hồ
Núi rác thải ven hồ

“Sẽ tệ hơn” - Tiến sĩ Han Dongmei, Phó Giám đốc Phòng Thí nghiệm quốc gia về tái sử dụng nước và xử lý mặt đất liên quan tại Bắc Kinh, Viện Khoa học Trung Quốc nói.

Hồ này thậm chí không thể chịu đựng được tác động của 200 đến 300.000 người hiện đang sống xung quanh, bà Han nói.

“Có thể dễ dàng dự báo điều gì sẽ xảy ra nếu nhiều người nữa đến sống”. Nhu cầu về nước sẽ tăng nhanh bởi vì người dân cần uống, tắm giặt, rửa xe. Những công trình xây dựng hàng loạt sẽ kéo dài hàng thập kỷ và tất cả các hoạt động của con người sẽ tạo ra nhiều chất thải, phần lớn sẽ lại được đưa xuống hồ.

Tất cả những điều đó có thể biến Bạch Dương thành “thảm họa” môi trường - Han nói. Bạch Dương và các hồ nước khác trải khắp một diện tích 366 km2, tạo ra vùng đất ngập nước lớn nhất tại miền Bắc Trung Quốc. Tuy nhiên, các tính toán nói rằng, khu ngập nước này từng rộng gấp 10 lần vào thời kỳ cuối triều đình nhà Thanh (1911). Phần lớn bề mặt của nó được phủ bởi các loài cây chịu nước như sậy, huệ tây; vào mùa nước, hồ nước đầy hoa màu trắng nhạt. Đó cũng chính là nguồn gốc tên gọi của hồ - Bayang nghĩa là Bạch Dương theo tiếng Hán.

Hồ bị thu hẹp một cách rất kịch tính từ những năm 1980, đã có vài lần khô kiệt hoàn toàn đến mức xe có thể chạy từ đầu này sang đầu kia của hồ. Rất nhiều người dân làm nghề đánh cá phải chuyển qua làm nông nghiệp.

Việc xây dựng các đập trên sông để lấy nước tưới tiêu và làm thủy điện chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự thay đổi số phận của hồ.

Năm 2012, các nhà khoa học về nước đầu ngành đã tiến hành khảo sát quy mô lớn và đã tìm thấy nhiều thành tố có hại chảy xuống hồ từ các đống rác và các chất thải công nghiệp mà phải cần tới “nhiều thập kỷ nỗ lực làm sạch” thì nước hồ mới có thể uống được.

Giáo sư Cui Bao shan, Trưởng khoa Trường Môi trường thuộc Đại học Tổng hợp Normal Bắc Kinh, người chuyên nghiên cứu về môi trường ngập nước và bảo vệ môi trường nói rằng, vẫn có thể cứu hồ này và có một số phương pháp để làm việc này.

“Chính phủ phải cho đóng cửa tất cả các nhà máy phát thải ô nhiễm, giảm bớt việc dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu tại các nông trang kế bên, di chuyển dân cư khỏi vùng lõi và xây dựng nhiều nhà máy xử lý nước thải để giảm thiểu sức ép môi trường do dân số tăng”- giáo sư nói.

Theo giáo sư Cui, “biện pháp hiệu quả nhất là đưa thêm nước sạch vào hồ. Điều đó có thể làm bằng cách chuyển nước từ các nguồn nước tại các vùng lớn hơn. Nghĩa là cần phải thiết lập được hệ thống quản lý toàn diện nguồn nước”.

Tuy nhiên, Hùng An không phải là vùng duy nhất trong tỉnh Hà Bắc đang phải đối mặt với khủng hoảng nước, bởi có rất nhiều sông suối bị cạn kiệt hoặc ô nhiễm trầm trọng trong vài thập kỷ trở lại đây và cuộc chiến giành quyền kiểm soát nước giữa các vùng bị tác động nghiêm trọng nhất đang ngày càng quyết liệt.

Năm 1992, nông dân tỉnh Hà Bắc đã dùng thuốc nổ phá con đập Hồng Kỳ nổi tiếng, chặn không cấp nước cho 400.000 dân của tỉnh Hà Nam. Năm 2009, hơn 160.000 người dân Hà Bắc ký vào đơn gửi chính quyền Trung ương phản đối việc xây dựng một con đập ở tỉnh Sơn Tây, nằm ở phía Tây.

Biến đổi khí hậu gây ra bởi sự gia tăng mạnh các khí gây hiệu ứng nhà kính trên bầu khí quyển làm cho tương lai của hồ thêm bất định.

Hùng An là thành phố trong mơ của Chủ tịch Tập Cận Bình
Hùng An là thành phố trong mơ của Chủ tịch Tập Cận Bình

Quyết định thành lập Khu Đô thị Mới Hùng An được đưa ra ở cấp chính quyền cao nhất. Chưa có kết quả đánh giá tác động môi trường và theo một số nguồn tin gần gũi với Bộ Bảo vệ Môi trường, các nhà chức trách về môi trường lại chính là những người sau cùng nhận thông tin về dự án này.