Trông đợi gì ở Thượng đỉnh Donald Trump - Tập Cận Bình

Chủ tịch Tập Cận Bình và người đồng cấp của Mỹ Donald Trump được trông đợi sẽ có những bước đi đầu tiên để tạo lập mối quan hệ cá nhân tại thượng đỉnh sắp tới; tuy nhiên các nhà quan sát đã tỏ ý nghi ngại rằng sự ngờ vực về những vấn đề quốc tế chủ chốt sẽ khó có thể khắc phục.
Dinh cơ Mar-a -Lago của Trump tại Palm Beach, Florida
Dinh cơ Mar-a -Lago của Trump tại Palm Beach, Florida

Lợi ích của hai quốc gia là khác xa nhau trong một số lĩnh vực hệ trọng, cộng thêm sự bất định của Trump rất có thể sẽ làm cho mọi việc khó dự báo, tuy nhiên, cả hai bên đều hy vọng sẽ có thêm tiến bộ trong các vấn đề kinh tế.

Cuộc gặp cấp cao được dự tính sẽ diễn ra tại dinh cơ Mar -a -Lago của Trump tại Palm Beach, Florida vào tháng sau, các phương tiện truyền thông Mỹ loan tin, một số nguồn còn dự báo chính xác hơn trong khoảng từ ngày 6 đến 7 tháng Tư.

Điều này sẽ gợi nhớ đến cuộc gặp cấp cao giữa ông Tập và người tiền nhiệm của Trump - Barak Obama vào năm 2013, khi hai nguyên thủ cùng sánh bước bên nhau đi dưới ánh nắng California. Cuộc gặp cấp cao đó cho phép ông Tập và ông Obama nói chuyện trong bầu không khí không chính thức, mang chất thư giãn làm cho họ có thể thảo luận một cách cởi mở.

“Cuộc gặp ở Sunnylands hay ở Mar -a- Lago về mặt biểu tượng là rất quan trọng, nó cho thấy hai nhà lãnh đạo ít nhất là cũng muốn thảo luận với nhau và bắt đầu tăng cường quan hệ cá nhân” - ông Robert Wang, cựu chuyên gia về châu Á - Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Mỹ nói, nhấn mạnh đây chỉ là ý kiến cá nhân.

Nếu như trong tương lai có xảy ra cuộc khủng hoảng lớn nào đó, thì cuộc gặp này sẽ làm cho hai nhà lãnh đạo “thêm chút kiềm chế phản ứng và thêm chút mong muốn giải quyết khủng hoảng”, ông Wang nói, sau đó đế thêm rằng, bất kỳ sự tác động nào kiểu đó cũng sẽ là chuyện “bên lề”.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bắt tay Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc hôm 19/3 /2017

Cả hai nước đã  chìa thêm những cành ô liu trước thềm cuộc thượng đỉnh. Trong chuyến thăm mới đây đến Bắc Kinh, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson kêu gọi xây dựng quan hệ Mỹ - Trung “không đối đầu, không xung đột, tôn trọng lẫn nhau và luôn tìm kiếm những giải pháp có lợi cho cả hai bên" - lặp lại những lời lẽ mà Bắc Kinh sử dụng để miêu tả quan hệ với Washington như “kiểu mới trong quan hệ các nước lớn”.

Chính quyền Trump đã không còn lên án Trung Quốc như kẻ thao túng tiền tệ hoặc áp đặt mức thuế 45% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, hai vấn đề mà Trump thề sẽ làm trong chiến dịch bầu cử. Những phát ngôn chính thức từ hai phía đã trở nên kiềm chế hơn trong những tuần gần đây làm tăng thêm triển vọng rằng cấp cao Mar-a-Lago  sẽ đem lại cơ hội giảm căng thẳng  trong quan hệ giữa hai nước.

“Tin tức về cuộc gặp cấp cao phát đi một tín hiệu tích cực”, Diao Daming, nghiên cứu viên thuộc Viện nghiên cứu Hoa Kỳ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc nói.

"Một cuộc gặp sớm giữa hai nhà lãnh đạo sẽ thúc đẩy các mối quan hệ Trung-Mỹ để hoàn tất càng sớm càng tốt giai đoạn loại các sai sót và chạy thử  trước khi bước vào chặng đường phát  triển lành mạnh và tích cực."

Ông nói rằng, trong khi  Trump có những biểu hiện cực đoan và khác thường về  tính cách trong chiến dịch tranh cử, nhưng ông cũng cho thấy một mức độ nhất định về tính thực dụng và sự thận trọng kể từ khi nhậm chức.

Tuy vậy các nhà quan sát cũng cảnh tỉnh không nên lạc quan quá mức về kết quả của cuộc cấp cao, đặc biệt là khi nói về khoảng cách quá lớn giữa hai nước về các vấn đề an ninh.

Tổng thống Obama đón ông Tập Cận Bình tại Sunnylands (California) năm 2013

Mặc dù Obama đã mô tả Thượng đỉnh Sunnyland là "tuyệt vời", Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn tiếp tục bị lôi kéo vào những hành động qua lại căng thẳng vì yêu sách vô lý về lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông, an ninh không gian mạng và chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Mỹ thúc giục Trung Quốc phải có những hành động cứng rắn hơn đối với Bình Nhưỡng buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của nước này, đồng thời đã bắt đầu triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn giai đoạn cuối (THAAD) tại địa điểm cách Seoul 200 km về phía Nam nhằm bảo vệ Hàn Quốc khỏi mối đe dọa của tên lửa Triều Tiên.

Về phía Bắc Kinh thì cho rằng, việc triển khai hệ thống THAAD bao gồm những radar công suất cực lớn sẽ là mối đe dọa cho an ninh của Trung Quốc và đã yêu cầu  Washington cùng Seoul dừng việc đe dọa tấn công quân sự đối với Triều Tiên.

“Chừng nào mà ông Tập không thể bảo đảm với Mỹ rằng Triều Tiên sẽ đóng băng phát triển (vũ khí) hạt nhân, tôi không thấy làm cách gì mà Mỹ sẽ đồng ý với việc dừng triển khai hệ thống THAAD”, ông Wang nói.

Một số nhân sự cao cấp trong chính quyền Trump đã có hồ sơ về những lời lẽ cứng rắn về Trung Quốc. Chiến lược gia trưởng Steve Bannon từng dự báo sẽ có chiến tranh giữa hai nước trên Biển Đông, còn Peter Navarro, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Quốc gia, từng mô tả quan hệ Mỹ - Trung là “trò chơi có kẻ thắng thì có người thua”.

Trump cũng đã đề nghị tăng ngân sách quốc phòng Mỹ 54 tỷ USD, chính quyền của ông cũng được cho là sẽ chuẩn bị bán một lô lớn vũ khí cho Đài Loan, một  động thái càng làm cho Bắc Kinh khó chịu.