Hiệu quả tác chiến Pantsir-1S của Nga khiến Mỹ đặt mục tiêu phải có hệ thống phòng không tầm gần

VietTimes -- Quân đội Mỹ đang đặt nhiệm vụ mua sắm Hệ thống phòng không tầm gần SHORAD (Phòng không tầm ngắn) cơ động là ưu tiên thứ nhất trong quá trình hiện đại hóa. SHORAD phải có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên không, bao gồm cả tên lửa các loại tấn công các đơn vị quân đội Mỹ, đồng minh và đối tác.
Hệ thống phòng không tầm gần SHORAD của Northrop Grumman. Ảnh MilitaryLeak.
Hệ thống phòng không tầm gần SHORAD của Northrop Grumman. Ảnh MilitaryLeak.

Theo một bài báo được công bố vào ngày 22.03.2018 trên trang web chính thức của Quân đội Mỹ, hệ thống cơ động phòng không tầm ngắn (SHORAD) có thể được đưa vào biên chế nhanh hơn 5 năm so với chế độ thông thường khi Quân đội Mỹ tiến hành quá trình thử nghiệm phương tiện chiến đấu mới.

Khẩu đội vũ khí phòng không tầm gần đầu tiên sẽ đưa vào khai thác sử dụng trong năm tài chính 2020 với khoảng 12 tổ hợp vũ khí phòng không. Một tiểu đoàn phòng không tầm gần trang bị đẩy đủ sẽ được đưa vào chiến đấu năm 2021, sau đó là một tiểu đoàn khác. Nhưng theo quy trình kế thừa, viện nghiên cứu McIntire cho rằng khẩu đội đầu tiên thậm chí sẽ không được đưa vào biên chế trước năm 2025.

Đáp ứng nhu cầu của quân đội Mỹ, Northrop Grumman phát triển hệ thống phòng không (SHORAD) nhằm bảo vệ các lực lượng quân sự Mỹ và đồng minh, chống lại các cuộc tập kích của đạn pháo hạng nặng, tên lửa đạn đạo phi điều khiển và các loại máy bay có người lái và không người lái.

Hệ thống SHORAD Northrop Grumman sử dụng tập hợp các cảm biến, các loại vũ khí khác nhau, hệ thống chỉ huy, điều khiển và kiểm soát hỏa lực để phát hiện, theo dõi, xác định, khóa và tiêu diệt các mối đe dọa tiếp cận khu vực cần bảo vệ.

Các thành phần SHORAD Northrop Grumman cho phép thực hiện cơ chế chỉ huy và kiểm soát (C2), xác định cụ thể tình huống chiến trường, đối phó kịp thời với các loại mục tiêu khác nhau cùng với các giải pháp thiết kế phần cứng và mềm, cho phép mở rộng và nâng cấp. Kíp trắc thủ có thể ra quyết định ngăn chặn, thực hiện các đòn tấn công nhanh và hiệu quả hơn tùy theo không gian chiến trường sử dụng.

 Những giải pháp của Northrop Grumman phát triển trên kiến trúc tích hợp phòng không và chống tên lửa (IAMD), phối hợp nhiều loại cảm biến và giải pháp khác nhau để ngăn chặn các loại vũ khí tiến công hiện tại và tương lai, bao gồm cả các loại vũ khí có và không có điều khiển.

Các thành tố của SHORAD Northrop Grumman bao gồm:

- Hệ thống kiểm soát phòng không chiến trường và hệ thống chỉ huy điều khiển, kiểm soát hỏa lực chống tên lửa và đạn đạo phi điều khiển (FAAD / C-RAM C2) được lắp đặt nhiều loại cảm biến quang ảnh nhiệt, radar v.v. cung cấp toàn cảnh không gian chiến trường tích hợp (SIAP) cho tất cả các vũ khí như pháo tự động, tên lửa phòng không tầm gần của SHORAD. Hệ thống các cảm biết cho phép trắc thủ phát hiện và giám sát các mục tiêu, kiểm soát được tình trạng vũ khí để nhận thức đầy đủ tình huống và ra quyết định kịp thời.

- Tổ hợp trạm mô đun phòng không và phòng thủ tên lửa (Air and Missile Defense Workstation - AMDWS) tăng hiệu quả tác chiến bằng phương thức tập hợp, phân tích và thể hiện dưới dạng ký hiệu quy chuẩn dữ liệu thông tin tình báo, kết nối mạng chiến thuật và trao đổi, chia sẻ dữ liệu của các cảm biến để cung cấp góc nhìn tổng quan chiến trường trên các mạng liên lạc chiến thuật và mạng đặc chủng trong thời gian thực.

- Hệ thống cảnh báo sớm tên lửa – đạn cối Rocket Artillery Mortar Warning (RAM WARN) được sử dụng đã hơn 6000 cảnh báo chính xác trên chiến trường và đã cứu hơn trăm sinh mạng binh sĩ.

- Hệ thống Huntsman Mobile Ad Hoc Networking Radio là hệ thống thông tin liên lạc dạng mạng không dây của quân đội Mỹ thế hệ tiếp theo, có tính bảo mật cao, chống được nhiễu, hoạt động tin cậy trong môi trường khắc nghiệt và điều kiện thời tiết chiến trường.

Năng lực tác chiến của hệ thống phòng không tầm gần SHORAD của Northrop Grumman. Video Northrop Grumman