Ông Trump tái định vị triệt để kế hoạch về NATO
Ngày 2/7, trang tin chính trị Mỹ Politico cho biết, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích các nước thành viên NATO không gánh vác chi tiêu quân sự một cách công bằng. Do đó, thế giới bên ngoài đang chú ý đến việc ông có thể từ bỏ liên minh 75 năm tuổi này khi được bầu lại làm Tổng thống.
Tuy nhiên, các cuộc phỏng vấn với các cựu quan chức an ninh quốc gia và chuyên gia quốc phòng có thể phục vụ trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump cho thấy ông khó có thể rút hoàn toàn khỏi NATO mà sẽ tiếp tục yêu cầu các thành viên châu Âu tăng đáng kể chi tiêu quân sự.
Dan Caldwell, một chuyên gia quốc phòng am hiểu suy nghĩ của giới cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, cho biết: “Chúng ta thực sự không có lựa chọn nào khác” khi nêu ví dụ nợ quốc gia của Mỹ tăng mạnh, tuyển quân khó, cơ sở ngành công nghiệp quân sự không thể đáp ứng được những thách thức từ Nga và Trung Quốc.
Các cựu quan chức và chuyên gia được phỏng vấn cho biết, nếu ông Trump thắng cử, trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông, Mỹ sẽ duy trì sức mạnh không quân và các căn cứ ở Đức, Anh và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như sức mạnh hải quân để duy trì chiếc ô hạt nhân trên khắp châu Âu. Đồng thời, phần lớn bộ binh, thiết giáp, hậu cần và pháo binh sẽ được chuyển giao cho các nước châu Âu.
Ông Caldwell nói, sự thay đổi như vậy “sẽ làm giảm sút đáng kể vai trò an ninh của Mỹ, không còn là nhà cung cấp sức chiến đấu chính ở châu Âu, mà chỉ cung cấp hỗ trợ trong thời kỳ khủng hoảng".
Một phần khác trong kế hoạch của nhóm của ông Trump là hệ thống NATO hai cấp (two-tier NATO system). Ý tưởng này lần đầu tiên được Trung tướng quân đội đã nghỉ hưu Keith Kellogg, một cựu quan chức cấp cao của chính quyền Trump trước đây, đưa ra. Hệ thống này chỉ ra rằng thành viên NATO nào chưa đạt được mục tiêu chi 2% GDP cho ngân sách quốc phòng sẽ không nhận được sự đảm bảo quốc phòng và an ninh của Mỹ.
Mặc dù Điều 5 của NATO quy định, một cuộc tấn công nhằm vào bất kỳ quốc gia thành viên NATO nào sẽ bị coi là một cuộc tấn công nhằm vào tất cả các quốc gia thành viên và các quốc gia thành viên khác phải phản ứng ngay lập tức. Về vấn đề này, các thành viên cố vấn chính sách đối ngoại của ông Trump cho rằng cách diễn đạt Điều 5 của NATO rất linh hoạt và không yêu cầu bất kỳ quốc gia thành viên nào phải đáp trả bằng vũ lực.
Cho đến nay, Mỹ là nước đóng góp lớn nhất cho liên minh quân sự NATO, với ngân sách quốc phòng khoảng 860 tỉ USD, chiếm 68% tổng ngân sách quốc phòng của NATO năm 2023.
Kiron Skinner, Giám đốc Văn phòng hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời chính quyền Trump và là nhân vật chủ chốt trong “Dự án 2025” (Project 2025), tuyên bố: “Mỹ không phải là cỗ máy rút tiền (ATM) của thế giới. NATO có thể đóng vai trò quan trọng ở mặt trận Đại Tây Dương và mặt trận Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng chúng ta cần tư duy chiến lược nhiều hơn”.
Vấn đề Ukraine
Kế hoạch chính sách NATO mới của ông Trump cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết nhanh chóng cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đã kéo dài hai năm rưỡi mà ông cho rằng "đó là một cuộc chiến lẽ ra không nên bắt đầu".
Ông Trump đang xem xét thỏa thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin để quyết định nước nào có thể gia nhập NATO, đặc biệt là Ukraine và Georgia. Điều này sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến cam kết mơ hồ của NATO đối với Ukraine về tư cách thành viên trong tương lai, mà chính quyền Biden không đưa ra thời gian biểu rõ ràng.
Theo một chuyên gia an ninh quốc gia am hiểu suy nghĩ của ông Trump phát biểu với điều kiện giấu tên, ông Trump “sẵn sàng chấp nhận những việc như ngừng mở rộng NATO và cũng không quay trở lại biên giới Ukraine năm 1991. Nhưng điều này không có nghĩa là phải nhượng bộ những khả năng khác, trong đó có việc cung cấp số lượng lớn vũ khí cho Ukraine”.
"Phương án B" của NATO
Ngày 1/7, tờ Wall Street Journal dẫn lời các quan chức giấu tên của Mỹ và NATO cho biết, trong hội nghị thượng đỉnh ở Washington, D.C., từ ngày 9 đến 11/7 tới đây, NATO sẽ công bố một số biện pháp mới về chính sách hỗ trợ Ukraine của NATO để đối phó với tác động của việc ông Trump trở lại Nhà Trắng.
Theo báo này, NATO đang lên kế hoạch thực hiện các biện pháp mới để duy trì sự hỗ trợ cho Ukraine. Các biện pháp được NATO thực hiện bao gồm NATO bố trí một quan chức dân sự cấp cao mới ở thủ đô Kiev của Ukraine và thành lập một bộ chỉ huy quân sự mới ở thành phố Wiesbaden phía tây nước Đức để điều phối việc viện trợ quân sự và huấn luyện cho các lực lượng Ukraine của các thành viên NATO.
Bộ chỉ huy quân sự mới ở Wiesbaden, Đức, dự kiến sẽ được gọi là “NATO Security Assistance and Training for Ukraine” (Hỗ trợ an ninh và huấn luyện của NATO cho Ukraine), với khoảng 700 nhân viên Mỹ và các quốc gia thành viên NATO.
Ông Trump hầu như không che giấu sự thất vọng của mình với các đồng minh NATO, luôn chỉ trích họ lợi dụng sự hỗ trợ an ninh của Mỹ ở châu Âu và không thực hiện cam kết chi 2% GDP cho ngân sách quốc phòng. Năm 2014, các thành viên NATO đã thống nhất chi 2% GDP cho ngân sách quốc phòng nhưng nhiều nước đã không thực hiện mục tiêu này.
Ngày 17/6, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng và cho biết, 5 năm trước, số đồng minh NATO đạt mục tiêu chi ngân sách quốc phòng ít nhất 2% GDP chỉ không đến 10. Ông nhấn mạnh các đồng minh NATO đã tăng chi tiêu quân sự liên tục kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.
NATO đàm phán về triển khai vũ khí hạt nhân
Tờ Daily Telegraph của Anh hồi tháng 6 đưa tin ông Stoltenberg cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn giới truyền thông rằng trước những mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng từ Nga và Trung Quốc, NATO đang đàm phán về vấn đề triển khai nhiều vũ khí hạt nhân hơn và giữ những vũ khí hạt nhân này ở chế độ chờ.
“Chúng tôi (NATO) là một liên minh có vũ khí hạt nhân. Mục tiêu của NATO tất nhiên là một thế giới không có vũ khí hạt nhân, nhưng chừng nào vũ khí hạt nhân còn tồn tại, chúng tôi sẽ tiếp tục là một liên minh có vũ khí hạt nhân vì Nga, Trung Quốc và Triều Tiên có vũ khí hạt nhân”, ông Stoltenberg nói. "Nếu NATO không có vũ khí hạt nhân, thế giới sẽ là một thế giới nguy hiểm hơn."
Trước đó, ông Stoltenberg cho rằng vũ khí hạt nhân là "sự đảm bảo an ninh cuối cùng" của NATO và là cách để duy trì hòa bình, đồng thời là một biện pháp răn đe.
NATO đóng vai trò lớn hơn trong việc điều phối viện trợ vũ khí cho Ukraine nhưng hiếm khi nói chuyện công khai về vũ khí hạt nhân, mặc dù Mỹ đã triển khai chúng tại nhiều địa điểm ở châu Âu.
Theo Bulletin of the Atomic Scientists (Bản tin của các nhà khoa học nguyên tử), Mỹ đã triển khai khoảng 100 vũ khí hạt nhân phi chiến lược B61 ở 5 quốc gia châu Âu: Italy, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ, Hà Lan và có thêm 100 vũ khí hạt nhân như vậy ở Mỹ.
Nga sở hữu khoảng 1.558 đầu đạn hạt nhân phi chiến lược. Tuy nhiên, các chuyên gia kiểm soát vũ khí cho rằng vì là bí mật quân sự nên rất khó ước tính rốt cuộc Nga có tổng cộng bao nhiêu đầu đạn hạt nhân.
Ukraine bị cảnh báo là "quá tham nhũng" để có thể gia nhập NATO
Politico: Ông Donald Trump có thể chấm dứt việc mở rộng NATO về phía Đông
Ngôi làng nằm sát Ukraine sắp trở thành căn cứ không quân lớn nhất châu Âu của NATO
Theo LTN, Secretchina