Hậu quả của việc “đi đường tắt” tới sự nổi tiếng “ảo” trên Facebook

VietTimes – Thời đại mà mạng xã hội được coi như cơ sở định danh cá nhân, mức độ nổi tiếng và uy tín được đong đếm bởi số like, share “ảo” đã làm nảy sinh các vấn đề liên quan đến bảo mật cá nhân, đồng thời thúc đẩy các dịch vụ liên quan đến quản lý tài khoản hay tăng tương tác ảo nở rộ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chỉ vì muốn “đi đường tắt” tới sự nổi tiếng “ảo” trên MXH hay hoảng loạn khi tài khoản bị khóa mà không tìm hiểu rõ nguyên nhân, nhiều người dùng vô tư trả tiền mà không nhận thức được rằng mình đã “tiếp tay” cho việc vi phạm tiêu chuẩn và điều khoản sử dụng, tự "rước" về những rủi ro cho chính mình.

Hiểm họa cho cả người thân

Quan sát mạng xã hội Facebook hiện nay, có rất nhiều bên thứ ba tự xưng là “đối tác” của Facebook để tăng like nhằm “hỗ trợ bán hàng” hay “tăng tương tác”. Thực chất, việc này đem lại nhiều nguy hại về bảo mật tài khoản, xảy ra do thiếu hiểu biết và cẩn trọng”

Trao đổi với VietTimes, đại diện Facebook cho rằng, người dùng nên chủ động tìm hiểu để trang bị kiến thức an toàn cho chính mình. Cung cấp thông tin đăng nhập (cookies/tokens) cho bên thứ ba để đổi lấy tương tác ảo đồng nghĩa với việc người dùng đã tiết lộ mật khẩu đăng nhập vào tài khoản của mình, dẫn tới những hậu quả khôn lường:

Trước hết là nguy cơ tài khoản bị lấy cắp. Một khi mật khẩu bị tiết lộ (dù vô tình hay cố ý), người dùng phải đối mặt với nguy cơ cao bị hack hoặc bị đánh cắp tài khoản.

"Cùng với đó là mất quyền kiểm soát tài khoản. Khi được cấp quyền sử dụng, kẻ xấu có thể kiểm soát tài khoản để phát tán tin giả, tin rác, đặc biệt là các nội dung độc hại như đường link giả, vi phạm pháp luật và thông tin khủng bố… Người dùng nên chú ý những dấu hiệu cho thấy tài khoản đã bị mất quyền kiểm soát như: gửi tin nhắn spam hoặc nội dung không mong muốn, có vị trí lạ trong lịch sử đăng nhập, tin nhắn hoặc bài đăng lạ trong Nhật ký hoạt động", đại diện Facebook cho biết.

Hơn thế nữa, mất tài khoản có thể gây nguy hiểm cho bạn bè và người thân. Một khi tài khoản bị chiếm đoạt, người thân và bạn bè cũng sẽ dễ dàng rơi vào nguy hiểm nếu vô tư nhấp vào các đường link giả mạo và vô tình trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo và các nội dung độc hại từ những kẻ xấu này.

Doanh nghiệp cũng rơi vào thế “tiền mất tật mang”

Nhiều doanh nghiệp tìm đến các dịch vụ mua bán tương tác vì nghĩ rằng số like, share lớn sẽ đem lại danh tiếng cho công ty của mình. Tuy nhiên, danh tiếng đều được xây dựng dựa vào niềm tin, dù là cuộc sống thật hay trong không gian ảo. Đại diện Facebook nhấn mạnh việc "dùng tiền để mua danh tiếng “ảo” bằng like, share trên Facebook có nghĩa là phá vỡ niềm tin “thật” từ những người dùng MXH chân chính. Một khi niềm tin không còn thì những con số like và share kia cũng chẳng còn ý nghĩa".

Ông Simon Harari, Giám đốc phụ trách mảng Chính sách nội dung Facebook khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong lần đến Việt Nam gần đây đã khẳng định: “Những dịch vụ mua bán tương tác hay hỗ trợ mở khóa tài khoản đều là hành vi phạm với Tiêu chuẩn cộng đồng và bị cấm trên Facebook (kể cả Instagram). Chúng tôi sẽ thực hiện những động thái quyết liệt trong việc bài trừ các loại hình lừa đảo trên nền tảng của mình để bảo vệ người dùng, vì một môi trường mạng xã hội lành mạnh hơn".

Chính vì vậy, các quảng cáo dịch vụ liên quan đến Facebook, hay “đối tác của Facebook”, thực chất chỉ là các chiêu trò lừa đảo để lợi dụng lòng tin của người dùng. Hoạt động lọc, xóa các các tài khoản/trang như vậy được thực hiện thường xuyên và liên tục nên những tài khoản vi phạm rất khó để “lọt lưới”.

Đó là chưa kể việc sử dụng các dịch vụ của bên thứ ba còn gây thiệt hại về mặt kinh tế cho doanh nghiệp, dẫn đến “tiền mất tật mang” khi lượng tương tác ảo tốn một khoản tiền không nhỏ lại bị xóa đi. Mặt khác, điều này còn ảnh hưởng đến danh tiếng của doanh nghiệp, bởi khách hàng sẽ mất đi niềm tin khi nhận thấy tương tác và số lượng theo dõi của trang bị giảm đi đột ngột, khiến việc gây dựng lại hình ảnh sẽ càng khó khăn hơn.

4 điều cần nhớ khi gặp các vấn đề về tài khoản theo khuyến cáo của Facebook

Facebook hoạt động trên nguyên tắc miễn phí cho tất cả mọi người, và luôn đóng vai trò chủ động trong việc hỗ trợ người sử dụng giảm thiểu tối đa các trải nghiệm không mong muốn trên nền tảng của mình. Chính vì thế, người dùng cần nắm rõ 4 điều dưới đây để quản lý tài khoản của chính mình một cách tốt hơn, tránh rủi ro khi “nhờ cậy” một bên thứ ba:

1. Tuyệt đối không cung cấp giấy tờ tùy thân cho bất kỳ bên thứ ba nào khi họ yêu cầu. Thay vào đó, hãy tham khảo những hướng dẫn về việc đăng tải giấy tờ tùy thân của Facebook để giúp bạn bảo vệ thông tin cá nhân của chính mình.

2. Khi gặp rắc rối, người dùng hãy liên lạc Trung tâm trợ giúp trước tiên thay vì các nhà cung cấp dịch vụ nói trên để tự xây dựng cho mình một không gian MXH lành mạnh. Facebook hoạt động trên nguyên tắc miễn phí cho tất cả mọi người, và luôn đóng vai trò chủ động trong việc hỗ trợ người sử dụng giảm thiểu tối đa các trải nghiệm không mong muốn trên nền tảng của mình.

3. Tham khảo các nguồn tài liệu sẵn có hướng dẫn chi tiết về việc báo cáo/cài đặt các vấn đề về tài khoản bên cạnh trung tâm trợ giúp. Trong trường hợp nghi ngờ tài khoản của mình bị hack, người dùng có thể đọc về hướng dẫn giải quyết tại Trung tâm trợ giúp.

4. Ngoài ra, nếu gặp vấn đề như spam hay liên quan đến bảo mật tài khoản, Facebook đều có các trợ giúp có hướng dẫn cụ thể và chi tiết giúp xử lý vấn đề một cách phù hợp, tránh vi phạm Tiêu chuẩn cộng đồng dẫn đến các rủi ro không đáng có.