Trên thế giới có hàng tỷ người nhưng mỗi người chúng ta đều có điểm khác biệt về giới tính, dân tộc, tình trạng sức khỏe, ngôn ngữ, tính cách, ngoại hình,… Có một điểm duy nhất mà tất cả mọi người đều giống nhau, đó là thời gian. Chúng ta, dù giàu hay nghèo đều chỉ có 24 giờ trong một ngày, đó là mẫu số chung, là giới hạn chung dành cho tất cả mọi người. Mấu chốt nằm ở cách mọi người sử dụng 24 giờ trong ngày đó như thế nào.
Bill Gates và Warren Buffett không chỉ là những tỷ phú, những doanh nhân thành đạt, họ còn là những người bạn lâu năm của nhau. Trong một vài cuộc nói chuyện, cả hai nhà tỷ phú đều dành những lời khen ngợi có cánh cho nhau và đánh giá cao những kinh nghiệm mà họ đã học được từ nhau.
Bill Gates từng chia sẻ rằng chính Warren Buffett là người có tầm ảnh hưởng lớn đến các quan niệm sống của ông. “Cuộc sống luôn có những cơ hội, những điều cần làm, những việc khiến bạn quan tâm. Trong kinh doanh cũng vậy, luôn có những dự án, những lời mời hợp tác khác nhau. Quan trọng là bạn cần phải tập trung vào những mục tiêu quan trọng”, Buffett nói với Bill Gates.
Cả Warren Buffett và Bill Gates đều cho rằng việc xác định được trọng tâm, tập trung vào điều mình cần làm và khai thác một cách tối đa vốn thời gian giới hạn là những kinh nghiệm quý báu mà họ đã rút ra được.
Thật trùng hợp, Steve Jobs cũng truyền tải những thông điệp giống như vậy.
Ông Jobs nổi tiếng là người đã hồi sinh Apple từ “cõi chết trở về” với việc cắt giảm các dòng sản phẩm của mình, chỉ tập trung vào những sản phẩm tiềm năng và làm cho chúng trở nên tốt hơn. Chính tư duy đó đã tạo ra một cuộc cách mạng lớn trong việc cải tiến các dòng iPod, iPhone, iPad và iMac và Macbook.
“Steve Jobs là người có khả năng xác định được trọng tâm công việc đáng chú ý nhất mà tôi từng gặp”, Jony Ive, Cựu giám đốc thiết kế của Apple nói trong một cuộc phỏng vấn. Ông Ive nói rằng Jobs thường xuyên hỏi ông rằng: “Bạn đã nói không bao nhiêu lần trong ngày hôm nay?”.
“Một buổi sáng thức dậy, có một ý tưởng mới nảy ra trong đầu bạn. Nhưng bạn phải nói không với nó vì còn có thứ khác quan trọng hơn cần bạn tập trung vào nó”, ông Ive giải thích.
Mỗi ngày, chúng ta đều phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn và chúng ta cần học cách nói không.
Bạn có nên tham gia cuộc họp đó không? Bạn có thực sự muốn nhận khách hàng hoặc dự án này không? Bạn có nên tập trung vào nhiệm vụ này hay không? Trước khi quyết định, bạn phải cân nhắc việc nào nên được ưu tiên trước.
Nghệ thuật từ chối
Khó khăn lớn nhất mà chúng ta gặp phải khi nói không là chúng ta thường cảm thấy có lỗi. Mọi người hay cảm thấy áp lực khi từ chối điều gì đó như sợ mất lòng người khác hay làm tổn hại đến một mối quan hệ. Vì thế, hãy quyết đoán nhưng phải khéo léo và lịch thiệp. Bạn hãy nhẹ nhàng giải thích với họ rằng bạn đang tập trung vào thứ khác.
Tuy nhiên, các nhà tý phủ cũng cảnh báo rằng, nếu quá làm dụng việc từ chối, “bạn sẽ sống một cuộc đời đầy nuối tiếc”. Thay vì cố gắng làm tất cả, hãy tập trung vào làm những gì quan trọng nhất và nỗ lực hết mình để không phải hối tiếc bất cữ điều gì.
Theo Inc