Hậu khủng hoảng nước sạch tại Hà Nội: Cha chung không ai khóc?

Nguyễn Linh Thuỷ
Nguyễn Linh Thuỷ

Đại học Oregon, Hoa Kỳ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes -- Vụ nước sinh hoạt bị nhiễm dầu thải ở Hà Nội lần này có thể sẽ kết thúc bằng việc một số thủ phạm bị kết tội xả thải trái phép. Với kịch bản này, công ty nước sẽ được xem như là một nạn nhân. 

Trong khi đó, rất có thể người ta lại tiếp tục phớt lờ câu chuyện căn cơ hơn cả là an toàn nguồn nước, một vấn đề đòi hỏi cơ chế phối hợp liên tỉnh, khả năng đầu tư cho phúc lợi xã hội và chất lượng quản trị nhà nước.

Chuyện cũ nói mãi

Cuộc sống của hàng trăm ngàn người ở Hà Nội vừa bị đảo lộn hoàn toàn suốt năm ngày qua khi nguồn nước máy bị ô nhiễm nghiêm trọng, không thể dùng cho sinh hoạt. Để đáp ứng các nhu cầu cơ bản bức thiết, cư dân ở nhiều khu chung cư phải xếp hàng nhiều giờ trong đêm để hứng nước từ bồn nước di động.

Cảnh tượng này gợi nhớ về một Hà Nội 40 năm trước, dưới thời bao cấp, khi các hộ gia đình trong các khu tập thể phải dùng chung nhà vệ sinh và bể nước. Sự cố lần này là do xả dầu thải bất hợp pháp gần hồ trữ nước Đầm Bài (tỉnh Hòa Bình), theo giải thích của công ty cấp nước Viwasupco.

Sự gián đoạn trong việc cung cấp nước sạch hoặc thiếu nước không phải là chuyện mới, mặc dù Việt Nam khá dồi dào về nguồn nước ngọt, với mạng lưới dày đặc sông suối và hồ chứa nước ngọt.

Hàng ngàn hộ gia đình ở khu vực Tây Nam bộ, trải dài từ Long An đến Sóc Trăng, Bến Tre và Kiên Giang, phải đối mặt với tình trạng thiếu nước suốt mấy năm qua vào mùa khô. Tình huống tương tự cũng thường xảy ra ở Đà Nẵng, một thành phố phát triển nhanh ở miền Trung. Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố lớn nhất với dân số 10 triệu người, cũng đối mặt với nguy cơ thiếu nước cao trong mùa khô.

Hiện tại, không một công ty nước nào ở Việt Nam có bể trữ nước sạch với dung lượng đủ lớn để cung cấp cho khách hàng quá vài ngày. Nếu một sự cố tương tự xảy ra với bất kỳ công ty cấp nước nào khác thì người dân vùng đó cũng sẽ phải chịu cảnh thiếu nước tương tự.

Khu vực lấy nước đầu nguồn của Nhà máy nước Sông Đà.
Khu vực lấy nước đầu nguồn của Nhà máy nước Sông Đà.

Việc bảo đảm an toàn nước sạch cho người dân đòi hỏi tầm nhìn, trách nhiệm và đầu tư lớn từ phía nhà nước và đơn vị cung cấp. Công ty cấp nước sinh hoạt phải chứng minh hiệu quả hoạt động của mình qua khả năng xử lý các sự cố ô nhiễm nguồn nước đầu vào, ví dụ như đổ dầu thải hay nhiễm hóa chất độc hại.

Câu hỏi đơn giản là: Họ có thể tiếp tục cung cấp nước sạch cho khách hàng trong bao lâu trong khi đang chờ xử lý sự cố? Trong trường hợp xấu nhất, họ có thể cung cấp nước sạch cho bao nhiêu hộ gia đình, trong bao nhiêu ngày, thông qua hệ thống xe bồn nước di động và các biện pháp khẩn cấp khác?

Tất cả các biện pháp kể trên giúp tăng an ninh nước sạch, nhưng rõ ràng chúng không tạo ra lợi nhuận trực tiếp.

Vấn đề đặt ra là: Động lực nào sẽ làm cho các công ty cấp nước quan tâm nhiều hơn đến an toàn của cộng đồng, nếu họ không phải chịu trách nhiệm với khách hàng của họ? Trong khi các công ty nước có thể từ chối cung cấp dịch vụ nếu người dùng chậm thanh toán trong vài tháng, người sử dụng nước lại chẳng có cách nào để buộc các nhà cung cấp nước phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn.

Ngoài ra, do các công ty cấp nước được đặt dưới quyền quản lý của các ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, được thừa hưởng các đặc tính cố hữu của bộ máy quản lý hành chính kiểu Việt Nam: quản lý tập thể mà không có trách nhiệm cá nhân.

Đây là lý do vì sao mà suốt những năm qua, có không biết bao nhiêu sự cố liên quan đến an toàn nước công cộng nhưng chẳng mấy ai bị xử lý trách nhiệm.

Khi quyền lực phi tập trung hóa và bi kịch “cha chung không ai khóc”

Ở Việt Nam, hầu hết các con sông được khai thác phục vụ cấp nước sinh hoạt đều chảy qua nhiều tỉnh. Do đó, đảm bảo nguồn nước sông an toàn để cung cấp vào các nhà máy nước không bao giờ là nhiệm vụ của một tỉnh duy nhất. Thông thường, các tỉnh ở hạ lưu đông dân hơn, được hưởng điều kiện kinh tế tốt hơn và tiêu thụ nhiều nước hơn, còn các tỉnh phía thượng nguồn thường nghèo hơn, ít dân hơn.

Người dân Hà Nội xếp hàng lấy nước.
Người dân Hà Nội xếp hàng lấy nước.

Tài nguyên nước mặt là một tài sản chung của cộng đồng, đòi hỏi một sự quản lý mang tính phối hợp, chứ không phải là một thứ hàng hóa để đem bán.

Tuy nhiên, các tỉnh phía thượng nguồn thường không thấy có lợi ích kinh tế nào trong việc họ phải phân bổ nguồn lực ít ỏi vào việc bảo vệ nguồn nước trong khi bên hưởng lợi chính lại là các tỉnh ở hạ lưu. Ngược lại, các tỉnh phía thượng nguồn hoàn toàn có thể vừa xả thải vào sông, vừa hưởng nguồn nước sạch hơn, nếu họ đặt ống lấy nước cho các nhà máy nước phía trên các điểm xả thải.

Trong một hệ thống tập trung quyền lực như Việt Nam, người ta thường trông đợi rằng tấn bi kịch “cha chung không ai khóc” có thể được giải quyết nhanh chóng nhờ sự phối hợp giữa các địa phương. Tuy nhiên, tập trung hóa quyền lực chỉ cho thấy hiệu quả cao trong vấn đề ổn định chính trị. Còn ở các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế và quản lý tài nguyên, quyền ra quyết định lại khá phi tập trung.

Theo đó, các tỉnh cạnh tranh với nhau để thu hút nhiều dự án đầu tư, đôi khi bằng cách “lách” tiêu chuẩn môi trường. Nói tóm lại, không có tỉnh nào bận tâm lắm về việc bảo vệ các nguồn tài nguyên chung.

Những hình ảnh như thời bao cấp ở Hà Nội vào tháng 10/2019.
Những hình ảnh như thời bao cấp ở Hà Nội vào tháng 10/2019.

Hiện tại, cũng không có một cơ chế phối hợp nào đủ hiệu quả để buộc các tỉnh phải quan tâm bảo vệ tài nguyên nước. Các tỉnh ở hạ nguồn không muốn trả tiền cho các tỉnh thượng nguồn để bảo vệ nguồn nước, và các tỉnh phía thượng nguồn lại càng không thấy có lý do gì để họ phải đầu tư vào việc này. 

Ai bán cái gì, cho ai, và tại sao?

Việt Nam đang chịu áp lực cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp nhà nước (SOEs), đáp ứng các điều kiện của “nền kinh tế thị trường” để có thể tiếp cận tốt hơn với thị trường Mỹ và EU. Ngành cấp nước, cùng với những ngành khác, cũng đang đi theo xu hướng này. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, tư nhân hóa trong lĩnh vực này đã gây ra sự hỗn loạn lớn trên cả nước từ Bắc vào Nam.

Có ba công đoạn chính trong cấp nước công cộng: (1) lấy nước từ nguồn đến nhà máy xử lý, (2) xử lý nước tại nhà máy và (3) phân phối nước đã xử lý vào mạng lưới đường ống tới người tiêu dùng.

Trong số ba công đoạn đó, khu vực tư nhân quan tâm nhất đến việc xây dựng các nhà máy để xử lý nước, kế đến là phân phối nước đã qua xử lý. Công đoạn đưa nước thô vào các nhà máy xử lý tại các thành phố như Hà Nội, Hồ Chí Minh và các tỉnh ven biển phía Nam không hấp dẫn về mặt kinh doanh.

Động lực nào sẽ làm cho các công ty cấp nước quan tâm nhiều hơn đến an toàn của cộng đồng?
Động lực nào sẽ làm cho các công ty cấp nước quan tâm nhiều hơn đến an toàn của cộng đồng?

Mô hình kinh doanh chủ yếu ở hầu hết các nơi là: các công ty tư nhân mua nước thô từ các công ty quốc doanh, xử lý nước tại các nhà máy nước của họ, nơi thường được quản lý hiệu quả hơn, sau đó bán nước đã xử lý cho công ty nhà nước. Nước được xử lý sau đó được phân phối qua các mạng lưới đường ống hiện có, có thể thuộc về một công ty nhà nước hoặc tư nhân.

Việc cung cấp nước đến người tiêu dùng cũng trở nên ngày càng phức tạp vì quyền sở hữu không minh bạch. Câu hỏi “ai bán cái gì? cho ai?, và tại sao?” lại liên quan đến câu hỏi về việc có bao nhiêu lợi nhuận chảy vào các công ty tư nhân, mà các cổ đông có thể lại chính là người thuộc Hội đồng quản trị của các công ty nhà nước thua lỗ.

Bài toán còn rối rắm hơn nhiều đối với các biện pháp đảm bảo an toàn cho nước công cộng, bao gồm nhiều khâu như xây dựng hành lang bảo vệ các kênh truyền nước thô từ nguồn đến nhà máy; chuỗi các hồ chứa nước để sơ lắng nước trước khi đưa vào nhà máy xử lý; bể chứa nước sạch đã qua xử lý, và nhiều vấn đề khác nữa.

Tất cả các khâu trong chuỗi này đều cần đến đất, vốn và ý chí chính trị. Các khu đất lớn, nhất là ở các thành phố thì quá đắt đỏ. Kêu gọi đầu tư vào các công trình nâng cao an ninh nước sạch thì khó khăn, không “có lời” như việc xử lý nước và bán nước cho khách hàng. Còn ý chí chính trị thì chỉ đơn giản là không có.

Vụ nước sinh hoạt bị nhiễm dầu thải ở Hà Nội lần này có thể sẽ kết thúc bằng việc một số thủ phạm bị kết tội xả thải trái phép, còn công ty nước trở thành một nạn nhân. Nhưng chuyện căn cơ hơn cả là cấp nước an toàn về dài hạn rất có thể lại tiếp tục bị phớt lờ (?!).

Do đó, ngay cả khi Hà Nội xoay xở qua được cơn khủng hoảng nước sạch lần này, thì vấn đề an toàn cấp nước cũng chưa hề được giải quyết. Khủng hoảng cấp nước công cộng có thể xảy ra trong tương lai gần ở Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh phía Tây Nam, hay bất kỳ nơi nào khác./.