Hai mối bất hòa ‘khóa trái’ cửa tăng trưởng của Coteccons

Khó-khăn-chung-của-ngành có phải là lý giải duy nhất cho thành tích kinh doanh đi xuống của nhà thầu hùng mạnh nhất Việt Nam?

Coteccons (HOSE: CTD) đang trải qua giai đoạn thử thách nhất trong nhiều năm trở lại. Doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp đều suy giảm, các dự án vướng mắc trong công tác triển khai và nguồn việc ít khiến cạnh tranh đấu thầu ngày càng gay gắt.

Thị trường xây dựng gặp khó khăn là suy nghĩ đầu tiên khi nói về kết quả kinh doanh xuống dốc của Coteccons. Nhưng nhìn sang người bám đuổi là Hòa Bình (HOSE: HBC), dù lợi nhuận đi lùi nhưng doanh thu vẫn tăng trưởng, khó ai hài lòng với lời giải thích đơn giản đó.

Khoảng cách về doanh thu giữa Coteccons và Hòa Bình thu hẹp trong năm 2019

Đvt: Tỷ đồng

Nguồn:VietstockFinance

Sức mạnh lớn nhất trở thành “gót Achilles”

Trùng thời điểm việc làm ăn của Coteccons chững lại, một cái tên bỗng nổi lên như là thế lực mới trong ngành xây dựng, Centralcons. Ra đời tháng 6/2017, Centralcons có ngay dự án đầu tay là Vinhomes Riverside The Harmony, và liên tiếp sau đó trúng thầu loạt công trình khủng của các chủ đầu tư Phát Đạt, SSG Group hay BIM Group,nhưng đáng chú ý vẫn là những cái bắt tay cùng Vingroup, một khách hàng truyền thống của Coteccons.

Lý giải cho sự bùng nổ của một Centralcons non trẻ với vốn điều lệ chỉ 100 tỷ đồng nằm gọn trong một cái tên - Trần Quang Tuấn - người sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty. Ông Tuấn, 45 tuổi, là cựu Phó Tổng Giám đốc phụ trách lĩnh vực xây lắp đã đồng hành cùng Coteccons từ những ngày đầu tiên và thuộc số ít nhân sự điều hành cốt cán từng có chân trong HĐQT doanh nghiệp.

Unicons, thành lập năm 2006, hiện nằm trong top 3 tổng thầu xây dựng tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Coteccons nâng sở hữu taịUniconslên 51% vào năm 2013 và sáp nhập hoàn toàn vào năm 2015.

Nguyên do cho sự rời đi của cựu Phó Tổng chưa từng được nói đến rõ ràng, nhưng thời điểm đó cũng là khi mà Chủ tịch Nguyễn Bá Dương lùi về hậu trường để nhường lại chức Tổng Giám đốc Coteccons cho người kế vị là ông Nguyễn Sỹ Công, Tổng Giám đốc Unicons.

Nói về cái chia tay với người cũ, ông Dương, một người có cá tính mạnh, quả quyết rằng sẽ không thể làm suy yếu việc làm ăn của nhà thầu hùng mạnh nhất Việt Nam. Tuy nhiên, bản thân ông đã luôn thừa nhận rằng “sức mạnh lớn nhất đưa Coteccons đi xa là con người và uy tín”. Một cái khó nhất khi chọn người kế vị mình, theo ông Dương cũng chính là “có đủ uy tín để đi lấy việc về làm”.

Con đường đi của Coteccons có sự góp sức của hàng ngàn con người nhưng thành công của nó vẫn mang đậm màu sắc cá nhân. Uy tín những người đứng đầu có ý nghĩa rất lớn tới thành bại của một nhà thầu, đó là đặc thù trong ngành xây dựng. Khi nói về buổi đầu lập nghiệp, ông Dương cũng từng có lời rằng “người ta giao việc cho tôi chứ không phải bất kỳ công ty nào”.

Năm 2002, khi rời khỏi công ty cũ (Descon) và không có gì trong tay, 2/3 nhân sự đi theo và đối tác vẫn giao việc vì uy tín của ông Dương. Hay như chính công trình đã tạo dấu ấn cho Coteccons, Landmark 81 vốn cũng thành hình sau cuộc điện thoại bất ngờ đến ông Dương từ tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Từ trái sang phải, người đứng thứ ba là ông Nguyễn Bá Dương, đứng thứ năm là ông Trần Quang Tuấn.

Một rủi ro tiềm tàng trong kinh doanh là việc khách hàng gắn bó với nhân sự hơn là công ty. Mọi thứ sẽ êm đẹp khi tất cả cùng đồng lòng. Nhưng trong trường hợp những cá nhân năng lực có mối quan hệ tốt và được khách hàng tin tưởng rời đi, đó sẽ là vấn đề lớn với bất kỳ tổ chức nào.

Trước đây, Tân Hoàng Minh từng giao công việc cho một Coteccons chập chững chỉ với lòng tin đặt vào ông Dương. Câu chuyện này đến nay lặp lại, nhưng với những cái tên khác là Vingroup, Centralcons và ông Trần Quang Tuấn.

Chỉ sau 4 tháng thành lập, Centralcons có đội ngũ 250 kỹ sư, kiến trúc sư và lượng hợp đồng dự án trị giá 2,700 tỷ đồng. Đến cuối năm 2018, 10,000 tỷ đồng là giá trị dự án đã ký của nhà thầu này. Lời nói cứng của ông Nguyễn Bá Dương không ngăn nổi thực tế Coteccons phải đau đầu vì sự rời đi của một công thần.

“Vị thế của Centralcons sau một năm thôi đã lên rất nhiều, đối với các chủ đầu tư và ngay cả với con mắt của các nhân sự đang muốn tìm nơi làm tốt”, một nguồn tin trong ngành xây dựng cho biết.

Grand World Phú Quốc là một trong 3 dự án lớn của Vingroup, cùng với Vincity Grand Park (TP HCM) và Vinhomes Smart City (Hà Nội) mà Centralcons đang triển khai xây dựng.

Chạy theo tăng trưởng

Xung đột về đường hướng hoạt động của doanh nghiệp giữa Chủ tịch Nguyễn Bá Dương và nhóm cổ đông lớn nhất Kustocem là rào cản tiếp theo trên con đường phát triển của Coteccons.

Nếu sáp nhập Ricons, Tập đoàn Coteccons sẽ sở hữu 3 trong 5 nhà thầu xây dựng lớn nhất nước là Coteccons,Unicons và Ricons.

Thương vụ sáp nhậpRiconscũng có ý nghĩa về mặt quản trị tại Coteccons. Điều này liên quan đến vấn đề mâu thuẫn lợi ích khi nhà thầu số một Việt Nam chỉ sở hữu 15% cổ phầnRicons, phần còn lại là vốn góp của các cổ đông khác trong đó có Ban lãnh đạo Coteccons.

Bất đồng xoay quanh định hướng “một Coteccons” - hợp nhất tất cả các công ty trong cùng hệ thống - mà chính yếu là thương vụ muốn sáp nhập Ricons vào Coteccons. Chiến lược này được kỳ vọng là bước ngoặt tiếp theo (sau sáp nhập Unicons) giúp Coteccons tăng quy mô để thực hiện các công trình lớn hơn, mở rộng phân khúc xây dựng và tiến gần hơn với tham vọng vươn mình ra quốc tế.

Bất ngờ xảy đến trước thềm đại hội thường niên 2019 của Coteccons, khi Kustocem bác bỏ phương án sáp nhập Ricons vì cho rằng không mang lại lợi ích và muốn Coteccons tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi. Đó là một kỳ đại hội nóng hơn bao giờ hết. Nhiều cổ đông khó hiểu khi Kustocem mâu thuẫn với phát biểu tin tưởng vào tài năng của Chủ tịch Nguyễn Bá Dương nhưng lại phản đối chính quyết định của ông.

Tỷ lệ sở hữu của nhóm Kustocem (chỉ tính 2 pháp nhân là Kustocem và Đầu tư Thành Công) đã giảm từ mức trên 40% xuống còn xấp xỉ 32% sau đợt phát hành riêng lẻ của Coteccons trong năm 2016.

Căn nguyên sự việc có lẽ bắt nguồn từ mối lo ngại bị pha loãng tỷ lệ sở hữu của Kustocem, khi mà Coteccons cũng đã có đợt tăng vốn lớn trong năm 2016. Một lý do khả dĩ nữa là vì giá cổ phiếu CTD lúc đó không xứng đáng với giá trị, theo lời Kustocem, mà nếu thực hiện sáp nhập bằng phương án hoán đổi cổ phần sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông.


Những lo ngại của phía Kustocem không hề thiếu cơ sở. Ban lãnh đạo Coteccons dường như quá sốt sắng giữ đà tăng trưởng khi đối diện với áp lực từ phía cổ đông, cùng với hơi nóng từ những đối thủ trong ngành. Điều này thôi thúc họ lập nên nhiều kế hoạch cùng lúc để thỏa mãn kỳ vọng ngày càng lớn.

Thực tế, gần 1,750 tỷ đồng mà Coteccons thu được sau đợt phát hành riêng lẻ năm 2016 vẫn chưa cho thấy đóng góp rõ nét vào kết quả kinh doanh. Thậm chí, những khoản đầu tư từ nguồn vốn mới đến nay vẫn chưa thành hình.

Tìm kiếm sự tăng trưởng thông qua các phương án liên quan đến việc phát hành thêm cổ phần (như trường hợp Coteccons là phát hành riêng lẻ và phát hành hoán đổi sáp nhập) luôn mang một rủi ro cố hữu. Quy mô công ty tăng lên và thậm chí phát triển tốt, nhưng lợi ích cổ đông trên từng cổ phần vẫn có thể suy giảm vì sự cộng hưởng kinh tế không đủ bù đắp lại tỷ lệ pha loãng.

Về thương vụ Ricons, chuyện đi đến hồi kết “không bàn đến việc sáp nhập lần nào nữa”, Chủ tịch Dương nói, như lời báo trước về một tương lai không êm ả của Coteccons.

Hai mối bất hòa đang "khóa trái" cửa tăng trưởng của Coteccons

Đvt: Tỷ đồng

Thiết kế: Tuấn Trần

Gần 16,300 tỷ đồng doanh thu trong 9 tháng đầu năm 2019 khó làm vui lòng những người điều hành lẫn cổ đông của Coteccons, không chỉ vì đây là một kết quả suy giảm mà còn bởi bức tranh tương lai của nhà thầu xây dựng này đến nay vẫn chưa rõ ràng.

Theo Fili

Link gốc: http://fili.vn/2019/12/hai-moi-bat-hoa-8216khoa-trai8217-cua-tang-truong-cua-coteccons-737-717373.htm

Theo http://fili.vn/2019/12/hai-moi-bat-hoa-8216khoa-trai8217-cua-tang-truong-cua-coteccons-737-717373.htm