Toàn cảnh buổi gặp gỡ báo chí do Bamboo Airways tổ chức
|
Bamboo Airways sẽ có lãi vào đầu năm 2020?
Tại buổi gặp mặt báo chí công bố sự kiện đón máy bay Boeing 787-9 Dreamliner, ông Trương Phương Thành - Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways - cho biết, trong giai đoạn từ tháng 12/2019 đến cuối Quý 1/2020, hãng hàng không này dự kiến sẽ đón 4 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner.
Trong đó, có 2 máy bay được hãng Boeing chuyển giao và 2 tàu bay được Bamboo Airways thuê thêm nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng đường bay.
Thế hệ tàu bay Boeing 787-9 Dreamliner được Boeing chuyển giao cho Bamboo Airways sẽ có tải trọng tối đa 252 tấn, tổng số lượng ghế 294 ghế, tầm bay tối đa 14.140 km và đảm bảo khả năng giúp hãng mở đường bay tới Mỹ.
Dự kiến trong thời gian đầu, Bamboo Airways sẽ điều phối khai thác Boeing 787-9 Dreamliner trên các đường bay nội địa như Hà Nội - Tp. HCM và Hà Nội/Tp.HCM - Đà Nẵng.
Trong thời gian tiếp theo, đây sẽ là dòng máy bay chủ lực khai thác các đường bay tầm trung và dài của Bamboo Airways tới Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ, kết nối với các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Séc, Úc, Mỹ…
Được biết, Bamboo Airways đã ký thỏa thuận mua 30 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner với tổng giá trị niêm yết lên tới 5,6 tỷ USD.
Việc tiếp nhận chiếc máy bay Boeing 787-9 Dreamliner đầu tiên cũng góp phần giúp Bamboo Airways hiện thực hóa kế hoạch mở đường bay tới Mỹ vào “cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021” như chia sẻ của ông Đặng Tất Thắng - Phó Chủ tịch thường trực của Bamboo Airways.
Ông Thắng cho biết hãng sẽ ký kết hợp tác chiến lược với một hãng hàng không của Mỹ, từ đó kết nối đường bay đến các sân bay khác của quốc gia này.
“Sau khi tiếp nhận tàu bay, Bamboo Airways phải được cấp giấy phép AOC (chứng chỉ nhà khai thác máy bay), rồi sau đó mới có thể gửi hồ sơ cho nhà chức trách Mỹ” - ông Đặng Tất Thắng chia sẻ.
Chính thức bay thương mại vào tháng 1/2019, Bamboo Airways hiện đang khai thác trên 30 đường bay nội địa và quốc tế với quy mô đội bay là 20 tàu bay.
Theo ông Đặng Tất Thắng, để hãng hàng không bắt đầu vận hành và khai thác ổn định, thông thường cần đội bay có quy mô từ 20 đến 30 tàu bay.
“Chúng tôi hy vọng với việc mở rộng quy mô đội bay lên 30 tàu bay vào Quý 1/2020, Bamboo Airways sẽ bắt đầu có lãi. Đây là mục tiêu phát triển của hãng” - ông Thắng cho biết.
Thông số tàu bay Boeing 787-9 Dreamliner của Bamboo Airways
|
Bamboo Airways sẽ IPO với giá khởi điểm 50.000 - 60.000 đồng/cp
Tháng 11/2019, Bamboo Airways đã chính thức công bố mã cổ phiếu giao dịch là BAV. Không lâu sau đó, CTCP Thẩm định giá và Giám định chất lượng Việt Nam (VIVC) đã công bố mức định giá lên tới 82.280 đồng cho mỗi cổ phiếu BAV.
Liên quan tới việc chào bán cổ phiếu BAV lần đầu ra công chúng (IPO), ông Đặng Tất Thắng cho hay, ngày 22/12/2019, Bamboo Airways sẽ tổ chức hội thảo với chủ đề “Tiềm năng và Cơ hội đầu tư Bamboo Airways” tại FLC Hạ Long (Quảng Ninh) nhằm cung cấp thêm thông tin cho các nhà đầu tư quan tâm.
Việc niêm yết cổ phiếu lên sàn vào đầu năm 2020 nằm trong chiến lược của ban lãnh đạo để thu hút thêm nguồn lực đầu tư cho sự phát triển của hãng trong thời gian tới. Ban lãnh đạo của hãng kỳ vọng mức giá khởi điểm của cổ phiếu BAV khi IPO sẽ trong khoảng từ 50.000 - 60.000 đồng/cổ phiếu.
“Tuy nhiên, trong đợt IPO này, Bamboo Airways sẽ không bán nhiều cổ phiếu ra ngoài mà tập trung, lựa chọn kỹ các nhà đầu tư đến từ Mỹ và Châu Âu” - ông Đặng Tất Thắng cho biết.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc chào mời nhân viên Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Thanh Xuân mua cổ phiếu BAV với giá 40.000 đồng/cp và cam kết mua lại với giá gấp đôi sau 6 tháng, ông Đặng Tất Thắng cho biết cam kết nhằm thể hiện sự tự tin của ban lãnh đạo với thành công của Bamboo Airways sau khi niêm yết và giá cổ phiếu sẽ không dưới mức “ba chữ số”./.