Sự việc bắt nguồn từ một số bài viết trên mạng xã hội Faceook, đăng tải thông tin về nguồn nguyên liệu nhập khẩu của Vinamilk, trong đó bao gồm các loại bột sữa gầy, bột sữa béo … Phỏng đoán được một số Facebooker đặt ra là Vinamilk đang bán sản phẩm sữa tươi không nguyên chất 100% như doanh nghiệp này vẫn quảng cáo.
Phản ứng nhanh chóng, Vinamilk đã ra thông cáo. Hãng cho biết việc nhập khẩu các nguyên liệu bột sữa là dùng cho mục đích sản xuất các loại sản phẩm khác ngoài sữa tươi. “Để sản xuất các sản phẩm sữa bột (trẻ em và người lớn) và bột dinh dưỡng: Ngoài việc sử dụng các nguồn nguyên liệu trong nước, Vinamilk đồng thời nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất và đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.” Công ty này nhấn mạnh các nguồn nguyên liệu nhập khẩu đều có xuất xứ từ Mỹ, Úc, New Zealand, EU và Nhật Bản.
Đồng thời Vinamilk cũng khẳng định tất cả các sản phẩm sữa tươi của hãng đều được sản xuất từ 100% sữa tươi nguyên liệu.
Tuy nhiên, những công bố của Vinamilk có vẻ vẫn chưa thể làm làm hài lòng tất cả. Một số ý kiến trái chiều vẫn được đưa ra. Điều này - cộng hưởng với xu thế xấu của toàn thị trường - đã ít nhiều tác động tới diễn biến giá của cổ phiếu VNM.
Trên sàn chứng khoán cổ phiếu của Vinamilk cũng ghi nhận mức sụt giảm mạnh. Cụ thể kết thúc phiên giao dịch chứng khoán 2/12, cổ phiếu của Vinamilk (Mã: VNM) giảm 2,63%, “bốc hơi” 5.573 tỉ. Qua đến phiên giao dịch ngày 3/12, mã này tiếp tục giảm thêm 1,61% giá trị so với giá mở cửa.
Tại một số trang mạng xã hội, nhiều cá nhân cũng tỏ thái độ ngờ vực với nguồn gốc sữa tươi của Vinamilk, vì cho rằng Vinamilk không đủ nguồn cung sữa tươi nguyên liệu. Lý giải cho câu hỏi này, Vinamilk cũng cho hay hiện đang quản lý gần 130.000 con bò với sản lượng sữa tươi nguyên liệu bình quân từ 950 tấn - 1.000 tấn/ngày.
Thách thức tăng trưởng đồng hành cùng thách thức vùng nguyên liệu
Hiện tại, Vinamilk đang được cung ứng sữa tươi nguyên liệu từ chính các trang trại bò sữa của mình và từ các hộ nông dân nuôi bò sữa.
Theo số liệu từ Báo cáo thường niên của Vinamilk, trong năm 2015, doanh nghiệp này tổng thu 215.485 tấn sữa tươi nguyên liệu, tương đương với 593 tấn/ngày. Trong năm 2015, công ty này cũng cho biết đã hợp đồng thu mua sữa tươi nguyên liệu từ 110.000 con bò của hộ nông dân, và 6.500 con bò đang vắt sữa từ trang trại của hãng.
Như vậy, so sánh với số liệu do Vinamilk cung cấp từ thông cáo báo chí mới đây, từ năm 2015 đến năm 2019, sản lượng sữa tươi nguyên liệu trung bình thu hoạch theo ngày của doanh nghiệp tăng trưởng 60%. Trong khi đó số lượng bò sữa mà công ty này quản lý ghi nhận mức tăng 11%.
Sự chênh lệch về tốc độ tăng trưởng cũng có thể lý giải rằng năng suất sữa bò trên mỗi con đang tăng cao. Kỳ thực, phía Vinamilk cũng đã có những kế hoạch trong việc nhập khẩu bò giống tốt, cũng như nâng cao kỹ thuật chăn nuôi và thu hoạch.
Số liệu của Vinamilk cũng cho thấy, hiện tại, năng suất của 1 con bò sữa mà hãng quản lý và thu hoạch là 7,3-7,6 kg/ngày. Vẫn thấp hơn mức trung bình so với số liệu thống kê toàn ngành. Cụ thể, theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Sữa Việt Nam, năm 2018, cả nước có 294,4 ngàn con bò sữa, với sản lượng sữa năm 2018 đạt 936 ngàn tấn, tương đương với 8,7 kg/con/ngày.
Biểu đồ tăng trưởng số lượng bò sữa và sản lượng thu hoạch sữa tươi nguyên liệu theo ngày của Vinamilk. (Nguồn: VietTimes tổng hợp)
|
Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của Vinamilk luôn là vấn đề nhiều nhà đầu tư quan tâm. Theo công ty nghiên cứu thị trường AC Nielsen, về sản lượng tiêu thụ, thị phần của Vinamilk đã tăng lên mức 61,3% vào cuối quý 3/2019 (từ 61% vào cuối năm 2018 và 59,1% vào cuối quý 3/2018). Cũng trong quý 3/2109, doanh thu thuần của Vinamilk ghi nhận mức tăng hơn 4% so với cùng kỳ (tuy nhiên tăng trưởng đến phần lớn là do hãng này tăng giá bán sữa).
Trong bối cảnh toàn ngành sữa ghi nhận mức tăng một con số, Vinamilk vốn đã đứng đầu thị phần lại càng khó để tìm được đà tăng đột biến. Tuy nhiên trong thời gian tới hãng này vẫn có những con đường để gia tăng doanh thu, lợi nhuận.
Tại thị trường nội địa theo dự đoán, sản lượng sữa tiêu thụ bình quân đầu người sẽ gia tăng. Đối với thị trường xuất khẩu, Vinamilk đã thành công ký kết hợp đồng xuất khẩu sữa sang Trung Quốc, hứa hẹn việc có thể khai thác lợi nhuận từ thị trường đông dân nhất thế giới.
Hai yếu tố trên có thể sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp này trong câu chuyện phát triển doanh thu và lợi nhuận. Nhưng một mặt cũng là thách thức của Vinamilk trong câu chuyện tăng trưởng nguồn cung sữa tươi nguyên liệu.
Phía Vinamilk cho biết cũng đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu. Hiện tại công ty này đang có nguồn thu sữa tươi nguyên liệu từ 12 trang trại bò sữa và liên kết hợp tác với 6000 hộ nông dân.
Công ty cũng đang trong quá trình xây dựng trang trại bò sữa tại Lào dự kiến hoạt động vào năm 2020. Trang trại này được kỳ vọng sẽ có thể mở rộng lên 100 nghìn con bò trong giai đoạn phát triển tiếp theo./.