Số liệu trên được phân tích từ cơ sở dữ liệu của 315.993 thí sinh ban đầu dự kiến đăng ký xét tuyển vào đại học năm 2022 nhưng sau đó không nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển lên hệ thống - theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong cả nước, miền Bắc có tỷ lệ thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học năm nay cao hơn, với 38%. Tỷ lệ thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học của miền Trung và miền Nam lần lượt là 32% và 30%.
Còn xét theo các vùng trên cả nước, đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học lần lượt là 22% và 19%; tiếp đó là các vùng miền núi phía Bắc (16%), Bắc Trung Bộ (15%), Đông Nam Bộ (11%), Nam Trung Bộ (10%) và Tây Nguyên (7%).
Số liệu cho thấy, năm 2021, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển đại học trên hệ thống tuyển sinh là 794.739, của năm 2020 là 642.270.
Lượng thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2022 giảm so với năm 2021 khoảng 20% và chỉ giảm 3,4% so với năm 2020. Trong đó, cần lưu ý số lượng đăng ký xét tuyển tăng mạnh ở năm 2021 có lý do quan trọng là tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều thí sinh không thể du học và nhiều em học phổ thông, đại học ở nước ngoài cũng trở về Việt Nam.
Trao đổi với VietTimes, một chuyên gia trong ngành giáo dục cho rằng sau khi sau dịch COVID-19, nhiều quốc gia tăng tốc thu hút du học sinh, bằng việc đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ về học bổng, việc làm, định cư,... nhằm thu hút sinh viên quốc tế, trong đó có Việt Nam.
Đây là một phần lý do vì sao lượng thí sinh tại các thành phố lớn, vốn có truyền thống hiếu học và đầu tư cho học hành như Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An, Thanh Hóa có số lượng thí sinh không đăng ký xét tuyển tăng vọt. Cùng với đó, có cả nỗ lực định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT bắt đầu phát huy hiệu quả.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, điểm khác biệt căn bản trong việc đăng ký xét tuyển đại học năm 2022 là thí sinh đăng ký nguyện vọng lên Hệ thống sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT. Số liệu năm 2022 thể hiện con số thực chất của thí sinh có khả năng cạnh tranh xét tuyển vào đại học, mong muốn vào học đại học sau khi có đầy đủ thông tin về kết quả thi tốt nghiệp THPT, kể cả điểm sau phúc khảo.
“Đây là tín hiệu tích cực thể hiện các định hướng và quyết định chủ động của thí sinh khi có đủ thông tin” - Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định./.