|
GS. Nguyễn Minh Thuyết trò chuyện cùng VietTimes |
+ Nguyên nhân gì khiến Bộ GD&ĐT không thể xây dựng bộ SGK thưa giáo sư?
- Tôi cùng 56 thành viên các ban phát triển chương trình đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Chương trình GDPT và rời Dự án từ cuối năm 2018, cho nên không có đầy đủ thông tin. Nhưng theo những gì tôi biết thì khoảng tháng 3/2019, Bộ GD&ĐT có thông báo trên mạng mời các nhà khoa học, nhà giáo tham gia xây dựng bộ SGK do Bộ chỉ đạo biên soạn.
Tuy nhiên, số lượng đăng ký chỉ trên dưới 20 người, phần lớn là những người chưa có kinh nghiệm viết SGK; còn những người có kinh nghiệm thì đã ký hợp đồng viết SGK cho các đơn vị khác nhau từ lâu rồi. Giả sử lúc ấy có viết thì cũng không kịp vì thời gian phải trình sách ra Hội đồng thẩm định chỉ còn 4 tháng.
Thực tế, đã có 5 bộ SGK lớp 1 được thẩm định và phê duyệt để sử dụng từ năm học 2020 - 2021, theo đúng Nghị quyết số 51 của Quốc hội. Việc này cũng là nhờ có sự chỉ đạo và khuyến khích của Bộ GD&ĐT.
Theo tôi, Bộ GD&ĐT không thực hiện được kế hoạch làm một bộ SGK hóa ra lại hay hơn, vì nếu vẫn có một bộ sách “của Bộ” như cũ thì xem chừng rất khó thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK.
|
GS. Nguyễn Minh Thuyết
|
+ Từ trước tới nay, việc một cơ quan cấp Bộ sử dụng nguồn vốn vay để thực hiện một công trình lớn nhưng không thực hiện được đã có tiền lệ chưa, thưa giáo sư? Cần có biện pháp xử lý như thế nào khi 16 triệu USD là số tiền lớn và hiện vẫn còn nhiều trường học thiếu thốn?
- Theo tôi biết thì việc này không thường xảy ra nhưng không hiếm. Bộ GD&ĐT chắc đã phải báo cáo với Chính phủ, Quốc hội về trách nhiệm của mình.
Về khoản tiền dư ra do Bộ GD&ĐT không tổ chức làm một bộ SGK “của Bộ”, theo đại diện của Bộ GD&ĐT thì Bộ sẽ đàm phán lại với ngân hàng thế giới (World Bank - WB) để chi khoản tiền này cho những việc cần thiết khác.
Tôi chia sẻ với lo lắng của nhiều người về khả năng thất thoát hoặc lãng phí khoản tiền lớn này. Nhưng đã từng làm việc ở Dự án, tôi biết WB quản lý và giám sát rất chặt chẽ việc chi tiêu. Việc phân bổ và chi tiền dự án cũng có sự giám sát của Bộ Tài chính. Cho nên khả năng thất thoát là rất thấp. Vấn đề chỉ là chi vào việc gì cho thiết thực, có hiệu quả thôi.
Theo tôi, Bộ GD&ĐT nên có thông báo chính thức trong buổi họp báo thường kỳ với báo chí về vấn đề chi tiêu và tái cơ cấu dự án để người dân yên tâm.
+ Cảm ơn giáo sư về cuộc trò chuyện!
Bộ GD&ĐT nói gì? Sáng 3/12, trao đổi với PV VietTimes, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Giám đốc Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (Bộ GD&ĐT) - cho biết: “Số tiền 16 triệu USD nằm trong thiết kế của dự án hỗ trợ đổi mới chương trình GDPT. Thực tế, số tiền này chưa được giải ngân, vẫn nằm trong ngân hàng thế giới chưa chuyển về ngân sách của Việt Nam."
"Nếu muốn chuyển khoản tiền 16 triệu USD về ngân sách của Việt Nam thì phải được giải ngân từng phần, có đơn rút vốn, được Bộ Kế hoạch – Tài chính duyệt, thông qua theo đúng thiết kế trong sổ tay của dự án, ngân hàng thế giới không phản đối thì mới có thể sử dụng được.” - ông Thành nói Thông tin về lý do Bộ GD&ĐT không biên soạn SGK như trong dự án, ông Thành cho hay: Khi các nhà xuất bản có sách được hội đồng thẩm định thông qua thì Bộ GD&ĐT đã báo cáo không biên soạn thêm một bộ SGK nữa. |