+ Thưa giáo sư, việc NXB Giáo dục Việt Nam giới thiệu 4 bộ SGK trước khi Bộ GD&ĐT công bố các bộ SGK lớp 1 được sử dụng trong chương trình GDPT có phải là động thái nhằm duy trì sự độc quyền trong thị trường SGK?
- Tôi xin miễn bình luận về sự việc này. Đến thời điểm hiện tại (21/11/2019), Bộ GD&ĐT chưa có bất kỳ quyết định nào về việc phê duyệt SGK lớp 1 được sử dụng trong chương trình GDPT mới.
Nếu Bộ GD&ĐT thấy NXB trực thuộc Bộ “việt vị” thì Bộ đã “thổi còi”. Còn sau khi Bộ có quyết định phê duyệt, thì các NXB có quyền tổ chức giới thiệu SGK của mình. Nhưng tuyệt đối không được gièm pha các NXB khác hoặc có hành vi lôi kéo “khách hàng”, vì điều đó vừa thiếu đạo đức, vừa vi phạm Luật Cạnh tranh.
GS. Nguyễn Minh Thuyết trao đổi với PV VietTimes
|
+ Làm thế nào để việc lựa chọn SGK sắp tới được công khai, minh bạch, dân chủ, tránh độc quyền, thưa giáo sư?
- Câu hỏi của chị đã hàm chứa các nguyên tắc lựa chọn SGK. Luật Giáo dục (sửa đổi) giao việc lựa chọn SGK cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Sắp tới, chắc chắn Bộ GD&ĐT sẽ có Thông tư hướng dẫn thực hiện quy định này.
Tôi chưa rõ Thông tư sẽ hướng dẫn cụ thể thế nào. Nhưng để các địa phương lựa chọn được những quyển SGK phù hợp nhất cho từng môn học, thì việc lựa chọn sách cần bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và dân chủ.
Tôi được biết Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến chỉ đạo công khai các ý kiến thẩm định SGK và công bố chế bản điện tử của SGK trên mạng Internet. Làm theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng thì người dân (những người bỏ tiền mua sách) mới có điều kiện đánh giá và tham gia vào việc lựa chọn sách cho con em họ học.
Như vậy thì việc lựa chọn sách sẽ không phụ thuộc vào quyết định của một số ít người và có thể hạn chế được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, ví dụ tình trạng “đi tắt”, “chạy cửa sau”.
Một vấn đề nữa cũng cần được Bộ GD&ĐT và các cơ quan liên quan phối hợp giải quyết. Đó là định giá SGK. Các bộ SGK mới là do các NXB làm bằng vốn của mình. Vì vậy, giá sách phải bảo đảm cho họ thu hồi vốn. Nhưng cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có quy định hoặc hướng dẫn về hạch toán và lộ trình thu hồi vốn, một mặt không để giá sách tăng bất hợp lý, mặt khác không để một số đơn vị trường vốn, có “của ăn của để” sẵn sàng chịu lỗ nhất thời để dùng giá thấp, làm phương tiện chèn ép các đơn vị khác.
+ Xin giáo sư cho biết, Bộ GD&ĐT đã có quy định gì để hạn chế độc quyền SGK?
- Về chống độc quyền nói chung, Nhà nước đã có Luật Cạnh tranh. Quy định của Nghị quyết 88 của Quốc hội và của Luật Giáo dục (sửa đổi) về xã hội hóa việc biên soạn SGK là những quy định có tính nguyên tắc để chống độc quyền trong lĩnh vực biên soạn, xuất bản, phát hành SGK.
Tôi hy vọng Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ GD&ĐT hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ có quy định cụ thể.
Sách giáo khoa
|
+ Thưa giáo sư, SGK đóng vai trò gì trong quá trình dạy học?
- Trước năm 1957 ở miền Bắc và trước năm 1975 ở miền Nam, mỗi môn học đều có nhiều SGK. Sau này, cả nước chỉ còn 1 bộ SGK của Bộ GD&ĐT. Chính vì vậy, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và người dân nói chung, thậm chí cả cơ quan quản lý về giáo dục ở địa phương và trung ương chỉ biết đến SGK, chứ không quan tâm đến chương trình.
Với quy định “một chương trình, nhiều SGK” của Nghị quyết 88 và Luật Giáo dục (sửa đổi) thì chương trình là văn bản quy phạm pháp luật cần tuân thủ, còn những quyển SGK hay bộ SGK cụ thể chỉ là những phương án cụ thể hóa chương trình, và nói cho đúng, chỉ đóng vai trò tài liệu để giáo viên tham khảo. Ở nhiều nước, người ta chỉ dựa vào những quyển SGK đó để biên soạn tài liệu dạy học cho phù hợp với học sinh của mình, chứ không phải dạy từng chữ theo sách, thi cử theo sách.
+ Giáo sư có thể chia sẻ thêm về chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK hiện nay? Mục đích của việc xã hội hóa biên soạn SGK là gì ạ?
- Xã hội hóa việc biên soạn SGK là để phát huy các nguồn lực (trí lực, tài lực) của xã hội, tạo ra cuộc cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao chất lượng SGK, đáp ứng tốt nhất quyền lợi của người sử dụng sách.
+ Theo giáo sư, cần làm gì để người sử dụng SGK được hưởng nhiều lợi ích nhất từ chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK?
- Theo tôi, nếu ở mỗi tỉnh hoặc mỗi trường, giáo viên một môn học chỉ dạy theo một quyển SGK thì đó vẫn là “một chương trình, một bộ SGK” thôi. Nhà nước cần có biện pháp kết hợp kinh phí ngân sách và động viên nguồn lực xã hội (ví dụ, vay có thời hạn từ phụ huynh học sinh) để thư viện trường có đủ các bộ SGK cho mỗi giáo viên, mỗi học sinh mượn, sử dụng tại lớp. Khi đó, giáo viên sẽ lựa chọn những bài phù hợp nhất ở những quyển SGK khác nhau để dạy cho học sinh của mình. Như vậy mới phát huy được lợi thế của chủ trương “một chương trình, nhiều SGK”.
+ Cảm ơn giáo sư!
Bộ Thông tin và Truyền thông đã xem xét, bổ sung chức năng xuất bản SGK cho 6 nhà xuất bản, gồm: Nhà xuất bản Đại học Huế, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm (Hà Nội), Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Đại học Vinh. Trước đó, chỉ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có chức năng này. |