Có gì mới trong bộ sách giáo khoa xã hội hóa đầu tiên?

VietTimes – Năm 2014, trước làn sóng dư luận phản ứng về việc kéo dài tình trạng độc quyền sách giáo khoa (SGK),  Nghị quyết số 88 của Quốc hội đã chủ trương thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK. Sau hơn 2 năm tích cực thực hiện, bộ sách xã hội hóa đầu tiên mang tên “Cánh Diều” đã ra đời. GS. Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, một trong các tác giả của bộ SGK này đã "bật mí" về bộ sách với VietTimes.  
GS. Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ với VietTimes về SGK mới.
GS. Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ với VietTimes về SGK mới.

Bộ sách có nhiều cái mới

Năm 2018, đã có thêm  6 nhà xuất bản (NXB) được cấp phép xuất bản SGK để thực hiện chủ trương xã hội hóa, xóa bỏ độc quyền về SGK. Đến nay, đã có 2 trong  6 NXB đó tổ chức biên soạn, xuất bản SGK.

Bộ sách mang tên “Cánh Diều” do  NXB Đại học Sư phạm (thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội), NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh (thuộc Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh)  phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) biên soạn, xuất bản, đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đưa vào sử dụng ở các trường phổ thông trên toàn quốc từ năm học 2020 - 2021.

Bộ sách giáo khoa "Cánh Diều"
Bộ sách giáo khoa "Cánh Diều" 

“Đây là lần đầu tiên xuất hiện những đơn vị làm SGK bên cạnh đơn vị vốn độc quyền trong lĩnh vực này là NXB Giáo dục Việt Nam. Hai nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Công ty VEPIC đã chuẩn bị rất chu đáo, mời được 41/56 thành viên Ban Phát triển Chương trình GDPT 2018, trong đó có Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018, Chủ biên Chương trình các môn Ngữ văn, Toán, Vật lí, Địa lí, Hóa học, Khoa học tự nhiên, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục thể chất, tham gia biên soạn SGK."

"Theo phân công, mỗi nhà xuất bản Đại học Sư phạm xuất bản 4 cuốn sách nhưng đều thống nhất quan điểm biên soạn và lấy tên chung là “Cánh Diều”. Trong 5 bộ SGK lớp 1 vừa được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt thì đây là bộ sách duy nhất có đầy đủ SGK của tất cả các môn học và hoạt động giáo dục.” – GS. Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.

GS. Nguyễn Minh Thuyết cùng cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt 1
GS. Nguyễn Minh Thuyết cùng cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt 1

Bộ sách “Cánh Diều” thể hiện đầy đủ tinh thần đổi mới giáo dục của Nghị quyết 29, Nghị quyết 88 và các quy định của Chương trình GDPT 2018, đặc biệt nhấn mạnh  triết lý giáo dục “Thực học, thực nghiệp” của Nghị quyết 29 thông qua slogan (khẩu hiệu) “Mang cuộc sống vào bài học –  Đưa bài học vào cuộc sống”.  

Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, triết lý này vừa bảo đảm tính thiết thực của nội dung giáo dục, vừa bảo đảm gắn lý thuyết với thực hành, đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT mới là phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh (HS).

Sách “Tiếng Việt”  dễ dạy, dễ học và hiệu quả

Bộ SGK “Cánh Diều” có khổ  sách lớn hơn, hình thức trình bày bắt mắt, nhiều màu sắc hơn so với SGK cũ vốn chỉ có 3 màu xanh, đen, trắng.

Về nội dung, theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, bộ SGK “Cánh Diều” vừa kế thừa, vừa đổi mới so với SGK hiện hành. Lấy ví dụ về  SGK “Tiếng Việt 1” mà ông là chủ biên, giáo sư cho biết SGK mới cũng xác định mục tiêu dạy học sinh (HS) biết đọc, biết viết và phát triển các kĩ năng nghe, nói, như SGK hiện hành, nhưng có giải pháp dạy nghe và nói phù hợp hơn.

PV VietTimes trong cuộc trò chuyện cùng GS. Nguyễn Minh Thuyết
PV VietTimes trong cuộc trò chuyện cùng GS. Nguyễn Minh Thuyết

SGK mới cũng gồm 3 phần: Học chữ cái, Học vần và Luyện tập tổng hợp; mỗi bài chỉ học 2 chữ cái hoặc 2 vần cho vừa sức HS; việc học mỗi chữ, mỗi vần đều bắt đầu từ một từ khóa chỉ những sự vật quen thuộc đối với HS. Tính kế thừa sẽ giúp giáo viên dễ thực hiện bài dạy hơn.

Tuy nhiên, khác với SGK “Tiếng Việt 1” hiện hành, ngay từ những bài học đầu tiên SGK mới đã vận dụng những chữ và vần mà HS đã học để tạo ra các bài đọc, bài viết hấp dẫn, giúp HS phát triển các kĩ năng đọc, viết và không quên chữ, quên vần. 

Để tạo điều kiện thuận lợi cho HS học viết, SGK mới sắp xếp thứ tự chữ cái được học theo nhóm nét chữ, các dấu thanh được rải ra học ở 3 bài, mỗi bài chỉ học 1 hoặc 2 dấu. Sang phần Luyện tập tổng hợp, SGK có thêm các giờ tự đọc sách ở lớp, ở thư viện và các hoạt động trải nghiệm dưới tên gọi “Góc sáng tạo”, trong đó HS được hướng dẫn làm và trưng bày, đánh giá các sản phẩm như thiếp chúc mừng người thân, bài viết kèm tranh ảnh về thầy cô, bạn bè, thiên nhiên v.v…

Chú trọng bồi dưỡng các phẩm chất và năng lực chung cho học sinh

Thể hiện yêu cầu của Chương trình GDPT 2018, SGK “Tiếng Việt 1” mới rất chú trọng bồi dường các phẩm chất và năng lực chung cho HS.

Bài “Nam Yết của em”
Bài “Nam Yết của em”

Nội dung các bài đọc đều nhấn mạnh vào  các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Ví dụ, ngay ở tuần thứ 12, khi học vần “yêt”, HS đã được đọc bài “Nam Yết của em” – một bài viết về chủ quyền biển đảo Việt Nam dưới dạng văn bản đa phương thức (kết hợp kênh chữ với kênh hình).

Qua các giờ tự đọc sách, thảo luận, trải nghiệm sáng tạo, HS cũng được bồi dưỡng năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Đây cũng là sự thể hiện tư tưởng xuyên suốt của bộ sách là “Mang cuộc sống vào bài học – Đưa bài học vào cuộc sống”.

Chi Lê – Minh Thúy