|
GS. Hồ Ngọc Đại |
+ Một số ý kiến cho rằng từ được sử dụng trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục không phù hợp đối với học sinh lớp 1. Xin giáo sư cho biết ý kiến trước quan điểm này?
- Từ được tôi sử dụng trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục đã được chọn lọc rất kỹ trong rất nhiều năm. Tôi cho rằng điều quan trọng nhất đối với mỗi học sinh là ngữ âm, chứ không phải là nghĩa. Khi học, trẻ chỉ cần phân biệt ngữ âm và biết được ngữ âm có cấu trúc như thế nào.
Không chỉ vậy, những từ nào có ích cho ngữ âm tôi sẽ chọn để lấy ngữ âm làm chuẩn, chứ không lấy nghĩa làm chuẩn. Tôi cho rằng từ được sử dụng càng dân dã bao nhiêu thì càng gần gũi với học sinh và các em dễ dàng học tập bấy nhiêu.
|
GS. Hồ Ngọc Đại với cuốn "Sách giáo khoa cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục". Ảnh: Minh Thúy
|
+ Được biết, sách giáo khoa công nghệ giáo dục từng giúp Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) “xóa mù” cho học sinh rất hiệu quả. Giáo sư có thể cho biết về việc này?
- Trong năm 2017, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã thành lập Hội đồng thẩm định quốc gia gồm 13 thành viên thẩm định sách Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục.
Vào năm tiếp theo (2018), Bộ trưởng đã yêu cầu Hội đồng thẩm định lại lần thứ hai.
Đến năm học 2018-2019 đã có hơn 800.000 học sinh học theo quyển Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục.
Quyển Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục đã ít nhất hai lần “chữa cháy” cho Bộ GD&ĐT. Lần đầu tiên là vào năm 1985, triển khai cải cách giáo dục, có hơn 650.000 học sinh lớp 1 lưu ban. Lần thứ hai, là khi học sinh đọc được thì sau hè lại quên.
Chính vì vậy, sách giáo khoa công nghệ giáo dục đảm bảo trẻ dù có sinh ra ở bất kỳ nơi nào trên Tổ quốc Việt Nam, dù thuộc dân tộc nào, có đi mẫu giáo hay không,… miễn là 6 tuổi đi học, học Tiếng Việt công nghệ giáo dục thì đến hết năm sẽ đọc thông viết thạo, viết đúng chính tả và không thể tái mù.
|
Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục
|
+ Giáo sư có thể cho biết, sách giáo khoa Tiếng Việt công nghệ giáo dục có ý nghĩa như thế nào đối với học sinh lớp 1 ạ?
- Khi học sách giáo khoa Tiếng Việt công nghệ giáo dục, trẻ học lớp 1 sẽ nắm chắc được ngữ âm. Khi nói ra, trẻ có thể phân tích ngữ âm và viết lại theo đúng chính tả, không mắc lỗi sai.
Chất liệu của môn Tiếng Việt sách giáo khoa công nghệ giáo dục là hệ thống khái niệm ngữ âm tiếng Việt, thiết kế theo nguyên tắc phát triển.
Nguyên tắc phát triển là nguyên tắc cơ bản thể hiện mối liên hệ hữu cơ giữa trình độ triết học hiện đại của nhận thức khoa học, lẫn hiện thực lịch sử của trẻ em hiện đại.
Tôi đã dùng thành tựu nghiên cứu 300 năm khoa học về ngữ âm Tiếng Việt làm căn cứ cho sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục.
+ Xin giáo sư lý giải rõ hơn về “công nghệ giáo dục”?
- Công nghệ giáo dục là một công nghệ như công nghệ sản xuất, làm ra sản phẩm tất yếu. Sự sống, sức sống, lẽ sống,…của nghiệp vụ sư phạm công nghệ giáo dục là tổ chức quá trình thực tiễn cho mỗi học sinh tự mình chiếm lĩnh đối tượng, biến nó thành sản phẩm riêng của bản thân mình.
Công nghệ giáo dục xác định đối tượng môn Tiếng Việt lớp 1 theo chất liệu và vật liệu của nó. Chất liệu tiếng có các cấu trúc tường minh và vật liệu cấp cho chất liệu tiếng là các âm (âm vị), cấp cho các mẫu.
+ Có ý kiến cho rằng bộ sách của giáo sư bị loại ngay từ vòng đầu thẩm định, là do chỉ áp dụng được với các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa. Vậy giáo sư có suy nghĩ gì về ý kiến này?
- 100% học sinh các tỉnh đồng bằng (Hải Phòng, Thái Bình) đều đã theo học sách của tôi. Đến năm học 2019-2020 đã có 931.000 học sinh theo học sách giáo khoa công nghệ giáo dục. Con số này là câu trả lời chính xác nhất cho ý kiến trên!
+ Cảm ơn giáo sư về cuộc trò chuyện!
Minh Thúy (thực hiện)