Giờ đây, đi khám, chữa bệnh không cần mang theo thẻ bảo hiểm y tế giấy

VietTimes – Với tiến trình chuyển đổi số, đặc biệt là triển khai Đề án 06 của Chính phủ đồng thời ở ngành y tế và bảo hiểm xã hội, người dân đã được hưởng nhiều tiện ích khi đi khám, chữa bệnh.
Các thủ tục khám, chữa bệnh càng nhanh, thì việc cấp cứu người bệnh càng hiệu quả

Số liệu thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho thấy cả nước đã có gần 13 nghìn cơ sở y tế triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) bằng căn cước công dân gắn chip, chiếm gần 97% tổng số cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc.

Một trong những cải tiến được người dân quan tâm là không cần dùng thẻ bảo hiểm y tế giấy, mà dùng thẻ BHYT số. Thẻ BHYT giấy có thể bị mất hoặc hỏng do thời gian, việc cấp đổi lại rất phiền phức; quên không mang khi đến bệnh viện, sẽ gây phiền hà cho người bệnh.

Nhưng nay, người dân đi khám, chữa bệnh không cần dùng thẻ BHYT giấy nữa, mà có thể lựa chọn một trong 3 cách thay thế sau: Sử dụng ứng dụng VssID; sử dụng CCCD gắn chíp; sử dụng tài khoản VNeID mức 2.

Nếu sử dụng CCCD gắn chíp, người bệnh chỉ cần xuất trình thẻ CCCD tại cơ sở khám, chữa bệnh.

Nếu dùng tài khoản VNeID mức 2, người bệnh đăng nhập VneID, rồi chọn mục thẻ BHYT

Nếu dùng ứng dụng VssID, người dân đăng nhập VSSID rồi chọn mục "Thẻ BHYT".

VssID là ứng dụng của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trên nền tảng thiết bị di động”. Tuy nhiên, sẽ chỉ sử dụng được với điện thoại, máy tính bảng sử dụng hệ điều hành Android 4.1 hoặc IOS 9.0 trở lên.

3 cách thay thế thẻ BHYT giấy

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, đã có hơn 25,7 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân thành công, phục vụ làm thủ tục khám, chữa bệnh BHYT.

Hệ thống của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng đã xác thực 83.477.695 thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu do đơn vị này quản lý với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng thời, cung cấp 107.157.011 bản ghi thông tin về BHYT với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đây là tiền đề cho việc chuẩn hóa dữ liệu phục vụ quản lý, cải cách, liên thông các thủ tục hành chính, cắt giảm giấy tờ công dân.

Với sự hỗ trợ của Bộ Công an, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã hoàn thành tích hợp dịch vụ gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và đã tiếp nhận gia hạn cho 1.301 thẻ BHYT qua dịch vụ công này.

Bên cạnh đó, để phục vụ yêu cầu cấp thẻ BHYT cho trẻ em, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành để điều chỉnh, nâng cấp phần mềm, chia sẻ, kết nối với phần mềm dịch vụ công liên thông.

Đặc biệt, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng đã triển khai liên thông nhóm dịch vụ công "đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú-cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi". Đã có 30.119 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi được giải quyết ở Hà Nội và Hà Nam.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết đang tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc trên thẻ CCCD gắn chip, ứng dụng định danh và xác thực điện tử quốc gia và khai thác Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư để tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia BHXH, BHYT, đồng thời, còn ngăn chặn trục lợi khi đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT.

Chuyển đổi số giúp người dân được hưởng nhiều tiện ích khi đi khám, chữa bệnh

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã hoàn thành việc nâng cấp phần mềm và bổ sung chức năng để hỗ trợ Bộ Y tế trong việc liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh và giấy báo tử thông qua hạ tầng của mình. Điều này nhằm phục vụ triển khai dịch vụ công cấp đổi và cấp lại giấy phép lái xe trực tuyến, cũng như triển khai các dịch vụ công liên thông theo Đề án 06.

Tính đến thời điểm này, trên toàn quốc có 1.273 cơ sở y tế được phê duyệt gửi dữ liệu khám sức khỏe lái xe, trong đó có 972 cơ sở đã gửi dữ liệu với 294.438 dữ liệu được gửi; có 851 cơ sở y tế gửi dữ liệu giấy chứng sinh với 60.953 dữ liệu được gửi và 250 cơ sở y tế gửi dữ liệu giấy báo tử với 916 dữ liệu được gửi.