Giải mã ý định “tái xuất giang hồ” của “tập đoàn gia đình trị Yeltsin”

VietTimes -- Valentin Yumashev - nguyên Chánh văn phòng của cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin và là con rể của ông, bất ngờ tổ chức trả lời phỏng vấn nhà báo Nga Vladimir Pozner tại Trung tâm Yeltsin. Nội dung trả lời phỏng vấn của Valentin Yumashev được giới phân tích nhìn nhận như là ý định “tái xuất giang hồ” của tập đoàn chính trị - tài phiệt ở Nga, thường được gọi là “tập đoàn gia đình trị Yeltsin”.
Valentin Yumashev - nguyên Chánh văn phòng của cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin trả lời phỏng vấn nhà báo Nga Vladimir Pozner
Valentin Yumashev - nguyên Chánh văn phòng của cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin trả lời phỏng vấn nhà báo Nga Vladimir Pozner

“Tập đoàn gia đình trị Yeltsin” là ai?

“Tập đoàn gia đình trị” do Boris Yeltsin đứng đầu (vị Tổng thống đầu tiên của nước Nga sau khi Liên Xô tan rã) còn có con gái ông là bà Tatyana, quan chức từng giữ chức Cố vấn của tổng thống; con rể của Boris Yeltsin (chồng bà Tatyana) - ông Valentin Yumashev, là cố vấn kiêm Chánh văn phòng của Tổng thống Nga Boris Yeltsin. Ngoài ra, còn có nhiều “tỷ phú sau một đêm” như Gusinski, Berezovsky, Khodorkovsky, Abramovic và nhiều trùm tài phiệt khác nổi lên trong quá trình tư nhân hóa 10 năm đầu sau khi Liên Xô tan rã.

Bà Tatyana và chồng là Valentin Yumashev tuy không được xếp vào danh mục “các tỷ phú sau một đêm” nhưng hiện đang sở hữu một công ty xây dựng lớn và nhiều bất động sản sang trọng ở Nga, trong đó có tòa nhà chọc trời mang tên “Tòa tháp Đế chế” (“Imperia Tower”) tại Trung tâm thương mại và dịch vụ quốc tế “Moskva-City” ở giữa thủ đô Mátxcơva. Hai vợ chồng bà còn nắm giữ 49,58% cổ phiếu của Công ty xây dựng “SITY”.

Chính các “tỷ phú sau một đêm”, đứng đầu là Berezovsky và Gusinsky, đã kiểm soát bộ máy truyền thông đã được tư nhân hóa của Nga và tài trợ chiến dịch bầu cử trong năm 1996 để bảo đảm cho ông Boris Yeltsin tái đắc cử nhiệm kỳ 2 trong bối cảnh trên toàn lãnh thổ Nga bùng phát làn sóng biểu tình rộng khắp của người dân phản đối và cáo buộc vị Tổng thống đầu tiên của nước Nga là “kẻ phản bội và tàn phá đất nước”. 

Những tiết lộ đáng chú ý của Valentin Yumashev

Nội dung trả lời phỏng vấn của Valentin Yumashev có những chi tiết đáng chú ý về ông V.Putin, về quyết định của ông Boris Yeltsin chọn ông V.Putin làm người kế vị và về tương lai chính trị của V.Putin sau năm 2024.

Về ông V.Putin, Valentin Yumashev tiết lộ về mối quan hệ giữa đương kim Tổng thống Nga với Yevgeny Primakov - người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nga (9/1/1996-11/9/1998) và Thủ tướng Nga (11/9/1998-12/5/1999). Theo Valentin Yumashev, Yevgeny Primakov đã từng hai lần mưu toan đẩy ông V.Putin ra khỏi chiếc ghế Giám đốc Cục An ninh Liên bang Nga. Chức vụ này có tầm quan trọng đặc biệt, tương tự như Chủ tịch Ủy ban an ninh quốc gia Liên Xô - cơ quan có quyền lực và ảnh hưởng nhất trong hệ thống chính trị - an ninh của Liên bang Xô Viết trước đây. Cũng theo Valentin Yumashev, chính ông Boris Yeltsin đã làm thất bại mưu toan này của Yevgeny Primakov. 

Về chuyện tìm người kế nhiệm, Valentin Yumashev tiết lộ rằng tiêu chí quan trọng hàng đầu để ông Boris Yeltsin lựa chọn người kế nhiệm tổng thống là có người thể tin tưởng để giao phó nhiệm vụ tiếp tục sự nghiệp cải tổ mà vị tổng thống đầu tiên của nước Nga đã lựa chọn.

Theo tiêu chí đó, từ năm 1998 Tổng thống Boris Yeltsin bổ nhiệm ông V.Putin khi đó đang giữ chức Giám đốc Cục an ninh Liên bang Nga đảm nhiệm cương vị Phó Chánh Văn phòng Tổng thống. Valentin Yumashev cho biết, ông Boris Yeltsin từng đưa ra nhận xét rằng trên cương vị đó V.Putin thể hiện mình là “một người mạnh mẽ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và có quan điểm trùng hợp với tổng thống”.

Cũng theo Valentin Yumashev, khi tìm người kế nhiệm, Boris Yeltsin từng cân nhắc ứng cử viên Yevgeny Primakov. Thậm chí, Yevgeny Primakov còn được cân nhắc sẽ là ứng cử viên đối lập sáng giá nhất đối với ông V.Putin trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga vào đầu năm 2000.

Valentin Yumashev cho biết thêm, trước khi quyết định chọn V.Putin làm người kế nhiệm, ông Boris Yeltsin đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Bill Clinton về ý định này và cam kết với nhà lãnh đạo Mỹ rằng ông V.Putin sẽ tiếp tục con đường phát triển nước Nga mà ông đã lựa chọn sau khi Liên Xô tan rã. Vì thế, Valentin Yumashev tin chắc rằng, sự nghiệp chính trị của  đương kim Tổng thống V.Putin có thể đã đi theo hướng khác nếu không nhận được sự ủng hộ và bảo đảm của Boris Yeltsin.

cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin (ảnh Yahoo News)
cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin (ảnh Yahoo News)

Theo Valentin Yumashev, Tổng thống Boris Yeltsin cảm thấy “rất hạnh phúc” khi ông đọc lời Chúc mừng năm mới vào thời khắc cuối cùng của thế kỷ XX trong phút giao thừa đêm ngày 31/12/1999 và chính thức tuyên bố quyết định từ chức để trao quyền tổng thống Nga cho ông V.Putin. Ông Valentin Yumashev nhận định rằng, đối với Tổng thống Boris Yeltsin, quyết định đó có ý nghĩa tương tự như thông báo về “sự ra đời của con trai ông”!

Về tương lai chính trị của ông V.Putin sau năm 2024, Valentin Yumashev nhận định: chắc chắn tới 99% là Tổng thống V.Putin sẽ không tham gia tranh cử nhiệm kỳ Tổng thống thứ ba sau khi kết thúc nhiệm kỳ 2 vào năm 2024 (theo quy định của Hiến pháp Nga, bất kỳ một nhà lãnh đạo nào cũng không được đảm nhiệm 3 nhiệm kỳ tổng thống liên tiếp).

Giải mã tiết lộ của ông Valentin Yumashev

Trong bài trả lời phỏng vấn nói trên, Valentin Yumashev cam kết rằng những điều ông nói là “hoàn toàn sự thật”. Trước hết, nói về những gì liên quan tới phẩm chất của V.Putin như một nhà lãnh đạo đất nước thì hoàn toàn không có gì mới và lạ để được coi là “thâm cung bí sử” trong Điện Kremlin. Rõ ràng, không cần chờ đến “tiết lộ” của Valentin Yumashev về “con mắt tinh tường” của ông Boris Yeltsin mà chính các nhà viết sử ở Nga đã nhận thấy ở Tổng thống V.Putin có những phẩm chất tài năng kiệt xuất như một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất trong lịch sử nước Nga và thực tế 20 năm cầm quyền ở cương vị tổng thống của V.Putin đã cho thấy rất rõ điều đó.

Điều đáng chú ý nhất ở đây là nội dung trả lời phỏng vấn của Valentin Yumashev đã phát đi những thông điệp then chốt và chứa đựng những “từ khóa” quan trọng nhất. Đó là: (1) ông Boris Yeltsin đóng vai trò quyết định thành công trong sự nghiệp chính trị của ông V.Putin; (2) Tổng thống V.Putin là người thuộc “phe Yeltsin”; (3) có mâu thuẫn “không đội trời chung” giữa ông V.Putin và người đứng đầu giới tinh hoa chính trị thời Xô Viết và Nga là Yevgeny Primakov; (4) Tổng thống V.Putin là người đã và sẽ tiếp tục công cuộc cải cách ở Nga theo con đường mà Yeltsin đã lựa chọn; (5) Ông V.Putin sẽ rời chính trường vào năm 2024 và người kế tục sự nghiệp của ông sẽ không phải là ai khác mà sẽ là một người nào đó thuộc “phe Yeltsin”. 

Những thông điệp này của Valentin Yumashev là tín hiệu về sự “tái xuất giang hồ” của “tập đoàn gia đình trị Yeltsin” trong một chiến dịch chuẩn bị người kế nhiệm V.Putin sau năm 2024, được giới phân tích chính trị ở Nga gọi là “công cuộc cải tổ 2.0” (“Perestroika-2.0”), tiếp tục đưa Nga trở lại công cuộc cải cách những năm 1990 do ông Boris Yeltsin khởi xướng. Tuy nhiên, kế hoạch về một “công cuộc cải tổ 2.0” là sự ảo tưởng hoàn toàn. Trên thực tế, Tổng thống V.Putin là người đã nhận thấy những sai lầm vô cùng tai hại của cựu Tổng thống Boris Yeltsin trong 10 năm cầm quyền (1991-1999) đã đưa nước Nga lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện về kinh tế - xã hội, chính trị và quốc phòng.

Về kinh tế: trong những năm 1990 “cải cách” dưới thời cựu Tổng thống Boris Yeltsin, nước Nga đã gánh chịu thiệt hại lớn gấp 2,5 lần thiệt hại của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2! Trong đó, 250 xí nghiệp và nhà máy lớn của Nga bị xóa sổ, ngành nông nghiệp Nga bị hủy hoại. Xét theo nhiều chỉ số kinh tế, vào cuối những năm 90, nước Nga chỉ xếp ngang hàng với các nước kém phát triển như Zimbabwe hay Honduras. Trong đó, vào năm 1999, khoảng một nửa dân số Nga sống ở dưới mức nghèo khổ!

Về chính trị: hệ thống luật pháp của Nga gần như do giới tài phiệt kiểm soát, hàng trăm tổ chức phi chính phủ xuất hiện ở Nga để thực hiện các hoạt động mua chuộc, lôi kéo, dụ dỗ, tuyên truyền và tổ chức các hoạt động phá hoại; các tổ chức khủng bố nổi lên đe dọa cuộc sống bình yên của từng người dân Nga và gây ra cuộc chiến tranh tàn khốc ở Cộng hòa tự trị Tresnia; làn sóng xung đột sắc tộc và ly khai trỗi dậy đặt nước Nga trước nguy cơ tan rã từ bên trong, đe dọa sự tồn tại của nước Nga như một quốc gia có chủ quyền.

Về quốc phòng: tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga đã từng đứng đầu thế giới trong lĩnh vực chế tạo các loại vũ khí hiện đại nhất thế giới đã bị hủy hoại, Quân đội và Hải quân Nga gần như tê liệt.

Ngày 21/8/1999, Duma Quốc gia Nga (tức Hạ viện Nga) với đa số phiếu áp đảo (248 phiếu trên 450) tán thành lời kêu gọi ông Boris Yeltsin từ chức do phạm 5 tội danh “phá hoại đất nước”. Trước cuộc bỏ phiếu này, Boris Yeltsin cách chức Yevgeny Primakov khỏi ghế Thủ tướng Nga và bổ nhiệm ông S.Stepashin thay thế. Trong bối cảnh đó, ông Boris Yeltsin nhận thấy không chỉ nước Nga đang đứng trước nguy cơ tan rã mà ngay cả tính mạng cũng như tài sản của ông và gia đình cũng khó được bảo toàn.

Trong năm 1998, người dân Nga xuống đường biểu tình phản đối cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin với khẩu hiệu “Cực lực phản đối cải cách theo kiểu phá hoại kinh tế”, “Boris Yeltsin phải từ chức ngay!”, “Phải đưa ngay Boris Yeltsin và bè lũ ra xét xử!” (Ảnh của “Báo Nước Nga”)
Trong năm 1998, người dân Nga xuống đường biểu tình phản đối cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin với khẩu hiệu “Cực lực phản đối cải cách theo kiểu phá hoại kinh tế”, “Boris Yeltsin phải từ chức ngay!”, “Phải đưa ngay Boris Yeltsin và cộng sự ra xét xử!” (Ảnh của “Báo Nước Nga”)

Trong hoàn cảnh “nước sôi lửa bỏng” đó, ông Boris Yeltsin cần phải chọn một người kế vị để vừa có thể bảo toàn tính mạng cho ông và các thành viên trong gia đình, vừa có thể cứu nước Nga khỏi sự sụp đổ. V.Putin là một người như thế. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử Nga, với vai trò là Giám đốc Cục an ninh Liên bang Nga (từ ngày 25/7/1998 đến 19/3/1999), ông V.Putin là người duy nhất có thể đưa ra bảo đảm an toàn tính mạng và ngăn chặn mọi âm mưu truy cứu trách nhiệm hình sự cho ông Boris Yeltsin và các thành viên gia đình. Vì thế, ngày 16/8/1999, ông Boris Yeltsin quyết định cách chức Thủ tướng Nga của ông S.Stepashin và bổ nhiệm V.Putin vào cương vị đó.

Đúng như nguyện vọng của Boris Yeltsin, ngay sau khi nhận quyết định đảm nhiệm quyền Tổng thống Nga ngày 31/12/1999, văn kiện đầu tiên V.Putin ký là Sắc lệnh số 1763 của tổng thống Nga “Về sự bảo đảm cho Tổng thống Liên bang Nga sau khi rời nhiệm sở và các thành viên trong gia đình tổng thống”. Sau đó, Sắc lệnh số 1763 đã được Hạ viện Nga thông qua thành Đạo luật số N 12-ФЗ ngày 12/02/2001. Đạo luật này quy định Tổng thống Nga và các thành viên trong gia đình có quyền bất khả xâm phạm về tính mạng và tài sản sau khi Tổng thống thôi giữ chức.

Boris Yeltsin trao quyền Tổng thống Nga cho V.Putin ngày 31/12/1999  (Ảnh của Kremlin.ru)
Boris Yeltsin trao quyền Tổng thống Nga cho V.Putin ngày 31/12/1999 (Ảnh của Kremlin.ru)

Những gì mà ông V.Putin đã làm trong 20 năm cầm quyền là đưa nước Nga thoát khỏi cuộc khủng hoảng toàn diện sau 10 năm cầm quyền của Boris Yeltsin và phát triển theo con đường khác về cơ bản so với con đường cải cách mà ông Boris Yeltsin đã lựa chọn. Do đó, hy vọng của “tập đoàn gia đình trị Yeltsin” về khả năng nước Nga sẽ quay trở lại thời kỳ cải cách trong những năm 1990 chỉ là ảo tưởng. Lại còn ảo tưởng hơn nữa khi cho rằng những người kế tục sự nghiệp của ông V.Putin sau năm 2024 sẽ thực hiện cái gọi là “Công cuộc cải tổ 2.0”.

Sau khi có kết quả bầu cử ngày 18/3/2018 mà trong đó Tổng thống V.Putin giành được 76% số phiếu ủng hộ và đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 2, trong bài viết của nhà báo Margarita Simonyan, Tổng biên tập Hãng thông tấn "Nước Nga ngày nay" đưa ra nhận định: “Phương Tây giờ đây cần phải cảm thấy kinh hoàng vì có tới 76% cử tri bỏ phiếu ủng hộ ông V.Putin. Trong cuộc bầu cử ở Nga, có tới 95% cử tri ủng hộ tư tưởng yêu nước - bảo thủ, tư tưởng cộng sản và tư tưởng dân tộc. Chỉ có 5% là ủng hộ tư tưởng tự do. Chính các lệnh trừng phạt thiển cận, hành động sự sỉ nhục nhẫn tâm các vận động viên Nga bình thường và cả các vận động viên Nga tàn tật, sự vu cáo có tính đầu độc, sự tuyên truyền các giá trị tự do giả hiệu, những hành động bất công và độc ác, đạo đức giả và dối trá, “những người bạn phương Tây" đã khiến cho người Nga không thể tôn trọng họ được nữa. Đã từng có thời gian khoảng 50 năm, bí mật hoặc công khai, chúng tôi từng muốn được sống như các vị. Nhưng giờ thì không. Những ai ở nước Nga đang ủng hộ các vị chỉ chiếm 5% dân số”.

Simonyan viết tiếp: "Trước đây, ông ấy (V.Putin) chỉ đơn giản là Tổng thống và có thể thay thế. Còn bây giờ ông ấy là lãnh tụ của chúng tôi. Chúng tôi không cho phép thay thế ông. Chính “các bạn của Nga” ở  phương Tây vị đã khiến cho chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa tự do trở nên mâu thuẫn nhau ở đất nước chúng tôi mặc dù các khái niệm đó không nên loại trừ lẫn nhau. Chính các vị đã khiến chúng tôi chọn chủ nghĩa yêu nước trong bối cảnh hiện nay".

Vậy nên nước Nga sau năm 2024 sẽ vẫn phát triển theo con đường mà Tổng thống V.Putin đã mở ra chứ không phải là con đường mà ông Boris Yeltsin đã lựa chọn. Do đó, chiến dịch “cải tổ 2.0” của “tập đoàn gia trình trị Yeltsin” chắc chắn sẽ thất bại./.