Giải mã quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton

VietTimes — Ngày 10/9/2019, nghĩa là ngay trước lễ  tưởng niệm 18 năm vụ khủng bố nhằm vào nước Mỹ (11/9/2001), Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra quyết định sa thải Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton. Đây là lần thứ 3 trong nhiệm kỳ đầu, ông Donald Trump sa thải cố vấn an ninh quốc gia - một chức vụ có vai trò then chốt trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Quyết định này của ông Donald Trump làm dậy sóng chính trường Mỹ, trong đó có không ít người ủng hộ nhưng cũng lắm kẻ phản đối. Vậy, thực chất của quyết định này là gì?
Ông John Bolton
Ông John Bolton

Do đâu ông Donald Trump chọn John Bolton làm cố vấn an ninh quốc gia?

Ông Donald Trump xuất thân là một doanh nhân rất thành đạt trong điều kiện một quốc gia đứng đầu thế giới tư bản mà ở đó ngự trị triết lý kinh doanh “cá lớn nuốt các bé”, hoặc thương trường cũng là chiến trường. Ông đã từng đúc kết kinh nghiệm kinh doanh của mình thành một triết lý khác thường là “sẵn sàng đổ máu trên bàn đàm phán” miễn là để ký được các hợp đồng mang lại siêu lợi nhuận.

Kể từ khi bước vào Nhà Trắng đầu năm 2017, ông Donald Trump đã áp dụng triết lý kinh doanh này vào lĩnh vực chính trị đối ngoại, theo đó ông đề ra sách lược “bên miệng hố chiến tranh” để hóa giải hồ sơ các điểm nóng trên thế giới theo hướng có lợi nhất cho Mỹ. Theo sách lược này, ông Trump đe dọa đưa các đối thủ của Mỹ tới trước “miệng hố chiến tranh” để buộc họ phải chấp nhận các yêu sách do Washington áp đặt.

Để thực hiện sách lược “bên miệng hố chiến tranh”, ông Donald Trump nhận thấy không có ai thích hợp hơn John Bolton-một chính khách thuộc phái “diều hâu cực đoan” và được mệnh danh là “thần chiến tranh”. John Bolton là người đứng đằng sau khi Tổng thống Mỹ G.W.Bush phát động cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố ở Afghanistan.  

Năm 2003, John Bolton với tư cách là Thứ trưởng Ngoại giao là tác giả của kịch bản chiến tranh xâm lược Iraq. Chính John Bolton đã thuyết phục Tổng thống G.W.Bush tấn công Iraq trong năm 2003 với lý do quốc gia này “sở hữu vũ khí hóa học và đang chuẩn bị chế tạo vũ khí hạt nhân”. Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ Đại diện của Mỹ ở LHQ, ông John Bolton từng tuyên bố rằng Mỹ không cần tới LHQ mà chỉ cần một cộng đồng quốc tế chịu sự lãnh đạo của một siêu cường duy nhất là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.  

Dấu hiệu phá sản sách lược “bên miệng hố chiến tranh”

Để hóa giải hồ sơ hạt nhân Triều Tiên, Tổng thống Donald Trump đã áp dụng sách lược “bên miệng hố chiến tranh” đối với Bình Nhưỡng thông qua các biện pháp chống phá ngặt nghèo nhất và chưa từng có từ trước tới nay. Cùng với các biện pháp cấm vận, Donald Trump còn tuyên bố “sẵn sàng tấn công hủy diệt Triều Tiên” nếu Mỹ xét thấy cần thiết. Sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chấp nhận gặp và đàm phán trực tiếp với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore, John Bolton phát đi thông điệp cứng rắn rằng giải pháp duy nhất để hóa giải hồ sơ hạt nhân Triều Tiên là Bình Nhưỡng phải cam kết hủy bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân, tên lửa, vũ khí hóa học và sinh học có thể kiểm chứng được theo “kịch bản Libya”-nghĩa là Triều Tiên gần như phải đầu hàng vô điều kiện. Đó là lý do khiến cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Việt Nam đã không đạt được bất cứ thỏa thuận cụ thể nào mà chỉ dừng lại ở những tuyên bố có tính nguyên tắc chung chung.

ông John Bolton - ngoài cùng bên trái tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều tại Hà Nội (ảnh Reuters)
ông John Bolton - ngoài cùng bên trái tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều tại Hà Nội (ảnh Reuters)

Để gỡ thế bế tắc này và ghi điểm vớt vát trước chiến dịch tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2 được phát động vào ngày 20/6/2019, Donald Trump bất ngờ thông báo hủy bỏ một số biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Triều Tiên với lý do mà ông gọi là “rất quý trọng nhà lãnh đạo Kim Jong Un” (!?). Đồng thời, ông Trump đề xuất được gặp ông Kim Jong Un ở khu phi quân sự (DMZ) Bàn Môn Điếm trên ranh giới giữa hai miền Triều Tiên. Ngày 30/6/2019, ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên gặp lãnh đạo tối cao của Triều Tiên ở DMZ và đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên. Rebecca Grant, chuyên gia phân tích an ninh quốc gia ở Washington nhận định rằng, hành động của ông Trump tại DMZ chỉ là muốn chứng tỏ với các cứ tri Mỹ rằng ông “đã đạt được tiến bộ đột phá” trong việc thay đổi quan hệ Mỹ-Triều mà không một tổng thống Mỹ tiền nhiệm nào làm được.  

Về hồ sơ hạt nhân Iran, chỉ một tuần sau khi được bổ nhiệm, ông John Bolton cố vấn cho ông Donald Trump tuyên bố đưa Mỹ rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện, viết tắt là JCPOA - tên gọi chính thức của Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với Nhóm P5+1, với lý do đây là “thỏa thuận tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ”. Áp dụng “sách lược bên miệng hố chiến tranh” trong quan hệ với Iran, Donald Trump quyết định áp đặt các biện pháp cấm vận ngặt nghèo nhất đối với quốc gia này với lý do Teheran “phát triển tên lửa đạn đạo, vi phạm nhân quyền và tài trợ mạng lưới khủng bố quốc tế”. Ngoài ra, John Bolton còn xây dựng cái gọi là “Kế hoạch B” của Washington đối với Teheran nhằm gây thêm áp lực mạnh mẽ tối đa nhằm vào Iran như một kiểu tối hậu thư, hoàn toàn vượt ra khỏi khuôn khổ JCPOA. Sách lược “bên miệng hố chiến tranh” của ông Trump đối với Iran leo thang tới mức nguy hiểm là Mỹ cáo buộc vô căn cứ Teheran đứng đằng sau các vụ tấn công một số tàu chở dầu của các nước đi qua ở vịnh Oman, thậm chí Mỹ cho máy bay trinh sát chiến lược RQ-4N xâm phạm không phận Iran.

Tuy nhiên, Iran không phải là quốc gia dễ bị bắt nạt. Thậm chí, Iran đã bắn hạ máy bay trinh sát chiến lược RQ-4N của Mỹ trên vùng trời của họ. Trước khả năng và quyết tâm của Iran sẵn sàng đối mặt với một cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, ông Trump đã phải hoãn cuộc tấn công đáp trả Iran với lý do “tránh thương vong cho người dân Iran”. Trước sự bất lực của sách lược “bên miệng hố chiến tranh”, ngày 10/7/2019 Tổng thống Mỹ Donald Trump đột nhiên đề nghị bình thường hóa quan hệ với Iran và để ngỏ khả năng đàm phán với Teheran mà không cần bất cứ điều kiện tiên quyết nào.

Về điểm nóng Venezuela, áp dụng “sách lược bên miệng hố chiến tranh”, ông John Bolton khuyên ông Donald Trump sẵn sàng can thiệp quân sự để bảo vệ Tổng thống tự xưng Juan Guaido của Venezuela được Washington công nhận, đồng thời kiên quyết loại bỏ Tổng thống hợp hiến Nicolas Maduro. Trước tinh thần cảnh giác cao độ của chính phủ và nhân dân Venezuela dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Nicolas Maduro nhận được sự ủng hộ của Nga, Trung Quốc, Cuba và một số nước khác, sách lược này của ông Trump cũng đã bị phá sản. Rút cuộc, Mỹ buộc phải chấp nhận các cuộc đàm phán giữa các lực lượng đối lập do Juan Guaido đứng đầu với lực lượng ủng hộ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro để tìm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Venezuela.

Về cuộc khủng hoảng Syria, áp dụng sách lược “bên miệng hố chiến tranh”, John Bolton khuyên Tổng thống Donald Trump sẵn sàng tấn công Syria, thậm chí cả lực lượng của Nga, với lý do giả tạo rằng quốc gia này “sử dụng vũ khí hóa học” để ép chính quyền Damascus chấp nhận yêu cầu đầu hàng của Mỹ. Rút cuộc, ngày 23/4/2019, Tổng thống  Donald Trump buộc phải tuyên bố rút quân khỏi Syria với lý do “Mỹ đã đánh bại IS”. Thực chất, đây là tuyên bố chỉ nhằm giữ thể diện sau khi Mỹ đã hoàn toàn thất bại trong chủ trương ủng hộ các lực lượng đối lập để loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Trong quan hệ với Nga, ông Donald Trump chủ trương cải thiện quan hệ giữa Washington với Matxcơva, trong khi đó John Bolton phản đối mọi cuộc tiếp xúc của tổng thống Mỹ với Tổng thống Nga V.Putin. Không những thế, John Bolton còn ráo riết hình thành liên minh với Ukraine và một số nước trong không gian hậu Xô Viết để chống phá Nga.

Về hồ sơ Afghanistan, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn thực hiện cam kết của ông trong chiến dịch tranh cử năm 2016 là đưa quân Mỹ rút khỏi “vũng lầy” này. Sau quá trình đàm phán bí mật, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt được thỏa thuận về ký kết hiệp ước hòa bình với Taliban, theo đó Mỹ sẽ rút quân khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, ông John Bolton kiên quyết phản đối thỏa thuận đó. Đây là “giọt nước làm tràn ly” khiến ông Donald Trump đi tới quyết định sa thải ông John Bolton. Như vậy, nghe theo lời cố vấn của John Bolton, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không gặt hái được bất kỳ thành công ngoại giao nào. Đây sẽ là “gót chân Asin” của ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ 2 sắp tới gần. Trong điều kiện đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump phải “thay ngựa giữa dòng” bằng quyết định bất ngờ sa thải John Bolton.

Ông John Bolton theo đuổi tham vọng ra tranh cử tổng thống trong năm 2020?

Một lý do khác mà ông Donald Trump không thể nói công khai là ông John Bolton đang ráo riết chuẩn bị ra tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử sắp tới. Lần đầu tiên, ông John Bolton đã tự thử sức mình trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng trong chiến dịch tranh cử năm 2012 nhưng không vượt qua được giai đoạn sơ tuyển trong nội bộ Đảng Cộng hòa. Năm 2013, John Bolton thành lập Ủy ban hành động chính trị để quyên góp tiền ủng hộ ông. Tuy nhiên, trong chiến dịch tranh cử năm 2016, John Bolton cũng không vượt qua giai đoạn bầu cử sơ bộ trong nội bộ Đảng cộng hóa.

Dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông John Bolton theo đuổi tham vọng ngồi vào ghế Bộ trưởng ngoại giao Mỹ nhưng không thành do bị phản đối quyết liệt từ các nhân vật thuộc phái “bảo thủ mới ôn hòa” nổi tiếng như Robert Gates - cựu Cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Condoleezza Rice - cựu Bộ trưởng ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Để hiện thực hóa tham vọng này, ông John Bolton chuẩn bị gây ra một biến cố “kinh thiên động địa” tương tự như sự kiện 11/9. Trong bối cảnh đó, nước Mỹ cần có một nhà lãnh đạo có “bàn tay sắt” và người đó sẽ không ai khác ngoài John Bolton. Bằng cách sa thải John Bolton, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã loại bỏ được nguy cơ về một “đại thảm họa” đối với thế giới và làm tiêu tan chủ trương của ông là “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”./.