Tổng thống Putin: Mỹ rút khỏi INF gây ra "cuộc chạy đua vũ trang mới" ở châu Á

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Quyết định rút khỏi INF của Washington có thể dẫn tới căng thẳng gia tăng và sự đối đầu giữa những cường quốc ở Đông Á, Tổng thống Nga cảnh báo.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters)

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ 16 trong hôm 17/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng: “Chúng tôi đã liên tục cảnh báo rằng việc hủy hiệp ước tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) đồng nghĩa với việc khu vực này giờ phải đối mặt với khả năng những vũ khí đó xuất hiện trên khắp nơi, và một cuộc chạy đua vũ trang chính là hậu quả.”

Lãnh đạo Nga nói rằng, bất chấp việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ra quyết định rút khỏi INF vào tháng 8/2019, Moscow vẫn “tuyên bố một bản ghi nhớ đơn phương về việc triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và nhiều phần khác của thế giới, cùng lúc kêu gọi đối thoại nghiêm túc về vấn đề này với các nước chịu ảnh hưởng từ hành động trên”. Theo ông Putin, “đề xuất của Nga vẫn luôn còn đó, và nó ngày càng trở nên quan trọng hơn.”

Ông chủ Điện Kremlin nói rằng, hợp tác với các nước khác “là cách duy nhất, theo quan điểm của chúng tôi, để ngăn chặn những mối đe dọa hiện hữu và đang trỗi dậy, đồng thời giải quyết những vấn đề ảnh hưởng đến khu vực của chúng ta cũng như toàn thế giới”. Ông thêm rằng đối thoại cần phải tập trung vào “phát triển bền vững và cải thiện cuộc sống của người dân”, khẳng định rằng Moscow luôn sẵn sàng tham gia vào các cuộc đối thoại như vậy.

Washington đã đổ lỗi cho phía Nga vi phạm INF để lấy cớ rút khỏi hiệp ước này. Moscow bác bỏ tuyên bố trên và nói rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đặt ở Trung Âu mới chính là hành động vi phạm. Điện Kremlin đã ngừng tham gia hiệp ước này ngay sau khi Washington tuyên bố rút khỏi.

Đầu tháng này, Thư ký báo chí Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, nói rằng Moscow rất quan ngại về một số tin đồn rằng Trung Quốc đã thử nghiệm tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và di chuyển với vận tốc siêu thanh.

Tờ Financial Times của Anh trước đó đưa tin rằng vụ thử nghiệm tên lửa siêu thanh này “đã khiến tình báo Mỹ bất ngờ”. Robert Wood, Đại sứ của Mỹ tại LHQ, sau đó cảnh báo rằng “công nghệ siêu thanh là thứ mà chúng tôi quan ngại, đặc biệt là về những ứng dụng trong quân sự của nó.”

Theo ông Peskov, diễn biến vụ việc trên – trong đó Bắc Kinh từ chối xác nhận – không gây ra mối đe dọa đối với Moscow bởi “chúng tôi có quan hệ đồng minh với Trung Quốc” và theo ông nói, Trung Quốc “đang phát triển lực lượng vũ trang và các hệ thống vũ khí của họ, nhưng sẽ không vượt quá khuôn khổ của bất kỳ thỏa thuận quốc tế nào.”

Đầu tháng 10, Nga cũng tuyên bố đã phóng thử nghiệm thành công một tên lửa siêu thanh chống hạm Zircon từ một tàu ngầm nguyên tử, lần đầu tiên trong lịch sử. Có vận tốc cao gấp 9 lần vận tốc âm thanh, các tướng lĩnh Mỹ trước đây từng cảnh báo rằng Zircon có thể gây ra những thách thức chưa từng có tiền lệ đối với việc phát hiện và đánh chặn bằng những hệ thống rocket truyền thống.