F-16 "Rắn hổ lục": Mẫu F-16 tối tân nhất có giúp Đài Loan đối phó Trung Quốc?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đài Loan vừa cho ra mắt vũ khí mới nhất, đó là những chiến đấu cơ F-16 được nâng cấp có thể là chủ lực trong hàng phòng thủ của họ trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công.
Mẫu chiến đấu cơ F-16 Viper mà Đài Loan vừa cho ra mắt (Ảnh: Defense Blog)
Mẫu chiến đấu cơ F-16 Viper mà Đài Loan vừa cho ra mắt (Ảnh: Defense Blog)

Những chiếc F-16 mới của Đài Loan đã bay trên bầu trời ở căn cứ không quân Chiayi, bờ biển phía Tây Nam hòn đảo này, trong lúc mà các phi công thực hiện nhiều pha nhào lộn để thể hiện những khả năng ưu việt của phi đội F-16V, hay Viper (Rắn hổ lục), do Mỹ sản xuất.

Những chiến đấu cơ này được nâng cấp từ mẫu cũ hơn là F-16A/B, được Đài Loan mua từ những năm 1990, và được trang bị thêm các hệ thống radar tối tân, máy tính mới; theo hãng thông tấn CAN. Hòn đảo này cũng có kế hoạch nâng cấp thêm 141 chiến đấu cơ lên phiên bản mới hơn vào năm 2023.

Hiện quá trình nâng cấp đã được thực hiện đối với hơn 60 chiếc F-16, cấp phó phụ trách cơ quan quốc phòng Đài Loan Wang Hsin-lung hôm 17/11 cho hay. Đài Loan cũng đã mua 66 chiếc F-16V mới từ nhà sản xuất Lockheed Martin của Mỹ, và việc bàn giao dự kiến sẽ bắt đầu trong năm 2023, theo CNA

Trong hôm 18/11, hơn hai chục chiếc F-16V đã tham gia trình diễn tại căn cứ không quân Chiayi. Trong buổi lễ biên chế, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn nói rằng việc thành lập đội hình chiến đấu mới F-16V đã thể hiện rõ tình hữu nghị sâu sắc giữa hòn đảo này và Mỹ.

“Đội ngũ của Lockheed Martin đã cung cấp rất nhiều sự hỗ trợ cho chúng tôi trong việc hoàn thành đợt nâng cấp này” – bà Thái Anh Văn nói – “Điều này không chỉ cho thấy tín hiệu về bước tiến trong quan hệ bằng hữu Đài Loan-Mỹ, mà còn đại diện cho cam kết vững chắc đối với quan hệ Đài Loan-Mỹ.”

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn trong buổi lễ ra mắt phi đội F-16V hôm 18/11 (Ảnh: Twitter)

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn trong buổi lễ ra mắt phi đội F-16V hôm 18/11 (Ảnh: Twitter)

Trung Quốc đã liên tục gia tăng sức ép quân sự đối với Đài Loan, trong đó bao gồm việc điều 150 máy bay tới gần hòn đảo này chỉ trong vòng 5 ngày vào tháng 10 vừa qua. Vụ việc khiến Đài Bắc phải gửi đi nhiều cảnh báo bằng sóng radio, triển khai các hệ thống tên lửa phòng thủ để đề phòng.

Khi thương vụ Mỹ bán 66 chiến đấu cơ cho Đài Loan được công bố hồi năm ngoái, các nhà phân tích cho rằng nó sẽ cung cấp cho hòn đảo này một mẫu chiến đấu cơ đủ sức mạnh để cạnh tranh với Trung Quốc, cùng lúc tăng số lượng phi công chiến đấu cho Đài Loan.

“Đây là một mẫu máy bay có sức mạnh đáng kể. Nó có kích thước nhỏ, tốc độ nhanh và dễ điều khiển. Các phi công rất yêu thích nó” – Drew Thompson, chuyên gia phân tích đến từ Trường Chính sách công Lee Kuan Yew, thuộc ĐH Quốc gia Singapore, nhận định.

Ông Thompson nhấn mạnh rằng mẫu chiến đấu cơ này có thể nắm giữ nhiều vai trò, trong đó có phóng tên lửa vào các chiến hạm của địch, tiêu diệt radar của địch và tham gia vào các trận đối đầu trên không.

Lô F-16 được nâng cấp đầu tiên của Đài Loan (Ảnh: Twitter)

Lô F-16 được nâng cấp đầu tiên của Đài Loan (Ảnh: Twitter)

Chuyên gia quân sự Australia, ông Peter Layton, đến từ Viện châu Á Griffith, năm ngoái nói rằng thương vụ F-16 còn có thể giúp ổn định tình hình Đài Loan, ít nhất là theo quan điểm quân sự.

“Thương vụ này sẽ đóng vai trò chủ yếu là duy trì thế cân bằng chiến đấu trên không giữa các lực lượng không quân của Đài Loan và Trung Quốc” – ông Layton nói – “Không quân Trung Quốc có nhiều không lực hơn đáng kể so với Đài Loan, nhưng trong một cuộc xung đột, không quân Đài Loan sẽ phòng thủ, trong khi Trung Quốc thì tấn công. Sự khác biệt trong vai trò, cùng việc Đài Loan chiến đấu trên sân nhà, sẽ bù đắp được sự khác biệt về số lượng.”

Tuy nhiên, vị chuyên gia thêm rằng phi đội F-16 sẽ chỉ giữ được cán cân này cho đến khoảng những năm 2030.

Chính quyền Bắc Kinh từng nêu rõ rằng họ không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để tái thống nhất Đài Loan. Các thương vụ vũ khí giữa Mỹ và Đài Loan được cho phép theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan 1979, miễn là chúng mang mục đích “phòng thủ”. Đạo luật được thông qua sau khi Washington thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.

Đài Loan cũng là một đề tài thảo luận giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến diễn ra hôm đầu tuần này. Trong cuộc gặp, ông Biden đã nêu quan ngại về hành động của Bắc Kinh trong khu vực. Ông cũng tái khẳng định chính sách “Một Trung Quốc” của Mỹ,m trong đó công nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh nhưng cho phép Mỹ quan hệ quốc phòng với Đài Loan. Ông Biden lo ngại rằng những hành động của Trung Quốc sẽ gây bất ổn cho khu vực.

Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tập nói rằng tình hình căng thẳng tăng nhiệt trên eo biển Đài Loan là do cái mà ông gọi là âm mưu của Đài Bắc nhằm “dựa vào Mỹ để tìm độc lập”, và “ý định của một số người Mỹ khi sử dụng Đài Loan để kìm hãm Trung Quốc”.

Trong bài phát biểu hôm 18/11, bà Thái Anh Văn đã gửi lời cảm ơn tới lực lượng không quân Đài Loan vì làm việc “không kể ngày đêm” để bảo vệ hòn đảo này.

“Bất chấp mọi sự xâm phạm, lực lượng không quân của chúng ta có thể ngay lập tức bay lên bầu trời để ngăn chặn và trục xuất những kẻ xâm nhập. Điều này thể hiện sự quyết tâm của chúng ta trong việc bảo vệ vùng trời” – bà Thái Anh Văn nói – Tôi tin rằng, miễn là chúng ta còn tiếp tục bảo vệ những giá trị dân chủ và tự do của chúng ta, sẽ có thêm nhiều quốc gia cùng lý tưởng sẽ sát cánh với chúng ta.”