Lời kêu gọi khẩn thiết hướng tới các cử tri
Trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu (EP), các nhà lãnh đạo 21 quốc gia thành viên EU ký Tuyên bố chung kêu gọi người dân tích cực tham gia cuộc bầu cử này để thể hiện sự ủng hộ tiến trình tiếp tục hội nhập nhằm xây dựng một EU cường thịnh. Tuyên bố chung nhấn mạnh, hội nhập Châu Âu đã từng hiện thực hóa giấc mơ hòa bình hàng thế kỷ ở châu lục này sau khi chủ nghĩa dân tộc và các hệ tư tưởng cực đoan khác đã từng dẫn tới sự tàn phá và chết chóc trong hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ 20.
Các nhà lãnh đạo EU còn cảnh báo, lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu hội nhập Châu Âu đã có những tiếng nói kêu gọi đẩy lùi tiến trình này hoặc ủng hộ tiến trình hướng tới “một Châu Âu hội nhập với nhiều tốc độ khác nhau”.
Hưởng ứng lời kêu gọi này, tại Hà Lan, hai nghiệp đoàn giới chủ hàng đầu của nước này là VNO-NCW và MKB Nederland phát động chiến dịch thuyết phục cử tri đi bầu trong cuộc bầu cử EP sắp tới với thông điệp người dân Hà Lan cần suy nghĩ và hành động nhằm hướng về một Châu Âu hội nhập sâu hơn. Điều này trái ngược với cách tiếp cận của Quốc hội Hà Lan vừa thông qua bản khuyến nghị kêu gọi EU cần thận trọng khi xem xét các ý tưởng hội nhập sâu hơn.
Trong một bức thư ngỏ, Chủ tịch VNO-NCW Hans de Boer và Chủ tịch MKB Nederland Jacco Vonhof kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Hà Lan cần vững tin vào tầm quan trọng, sức mạnh và tương lai của một Châu Âu thống nhất, không chỉ bao gồm các lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp mà rộng hơn là các giá trị của một xã hội cởi mở trong bối cảnh những giá trị này đang bị đe dọa bởi những nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ hay là sự thay đổi theo chiều hướng cực đoan ở Ba Lan, Hungary và Italia.
Trong bối cảnh như vậy, bức thư ngỏ của hai ông Hans de Boer và Nederland Jacco Vonhof kêu gọi chính phủ Hà Lan cần tích cực tham gia vào đời sống chính trị ở Châu Âu theo hướng hình thành các tập hợp lực lượng với các nước khác đồng quan điểm. Giới doanh nghiệp Hà Lan cho rằng Chính phủ cần ưu tiên thúc đẩy quá trình hoạch định chính sách của EU về một số lĩnh vực cấp bách như tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội, an ninh, nhập cư, phát triển bền vững năng lượng, kinh tế số, bảo đảm ổn định ở Châu Phi.
Hội đồng Nghị viện châu Âu
|
Chương trình nghị sự kinh tế sắp tới của EU
Theo ông E.Martin, chuyên gia nghiên cứu về Châu Âu thuộc Viện quan hệ quốc tế Pháp, Hội đồng Châu Âu đã đề xuất một chương trình nghị sự kinh đang chờ đợi các nghị sỹ EP nhiệm kỳ mới bàn thảo và ra quyết định, gồm 5 nội dung.
(1) Ngân sách của EU. Các nghị sỹ của EP nhiệm kỳ mới sẽ phải thông qua ngân sách tài chính dài hạn (CFP) của EU trong giai đoạn 2021-2027, thay thế CFP giai đoạn 2014-2020. CFP là kế hoạch ngân sách thể hiện các ưu tiên tài chính của EU trong nhiều năm, trên cơ sở đó sẽ xác định ngân sách thường niên. Quá trình thảo luận CFP đã được khởi đầu từ tháng 5/2018, trong đó Ủy ban Châu Âu (EC) trình đề xuất gói ngân sách 1134 tỷ Euro. Quá trình này sẽ được tiếp tục sau cuộc bầu cử cuối tháng 5/2019.
Theo quy định, EP khóa mới sẽ không bị ràng buộc pháp lý với các vấn đề đã được thỏa thuận tại EP khóa cũ, theo đó họ có thể từ chối tất cả kết quả thảo luận trước đó, thậm chí có thể yêu cầu Ủy ban Châu Âu đưa ra các đề xuất mới. Theo nhận định của ông Martin, CFP là một trong các thách thức lớn nhất trong các tháng tới với các cuộc đàm phán thực sự gai góc. Đây sẽ là thách thức đối với sự đoàn kết của Châu Âu vì rủi ro chia rẽ là rất lớn.
(2) Các thỏa thuận thương mại với Mỹ và Anh. Các nghị sỹ Châu Âu khóa mới sẽ có nhiệm vụ thông qua các thỏa thuận thương mại mà EU sẽ ký, trong đó phức tạp nhất sẽ là thỏa thuận với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Donald Trump đã từng có những phát ngôn cứng rắn và đe dọa áp thuế với hàng hóa của Châu Âu như ô tô, công nghiệp hàng không, rượu vang v.v. Trong đó, quan điểm của Pháp không chấp nhận các điều kiện mà EC muốn đàm phán với Mỹ có thể sẽ gây khó khăn đối với Châu Âu.
Ngay cả khi Mỹ và EU đạt được thỏa thuận, thì việc EP nhiệm kỳ mới sẽ phải thông qua thỏa thuận cũng sẽ rất phức tạp vì đây là một chủ đề mang nhiều sắc thái chính trị do các nghị sỹ phải tính đến dư luận xã hội. Ngay cả các thỏa thuận với Anh cũng sẽ rất phức tạp, trong đó nếu Brexit được thông qua thì London và Brussel sẽ phải đàm phán về tương lai quan hệ giữa hai bên.
(3) Chống rửa tiền và gian lận thuế. Các nghị sỹ nhiệm kỳ mới được bầu sẽ phải tiếp tục các quy trình pháp lý bắt đầu từ tháng 3/2019 với việc EP sẽ thông qua báo cáo của Ủy ban về chống tội phạm tài chính bằng các biện pháp tăng cường trao đổi thông tin, xây dựng lực lượng cảnh sát tài chính của EU và Cơ quan Châu Âu về giám sát chống rửa tiền và tài chính.
EP từng cảnh bảo Bỉ, Sip, Hungary, Ireland, Luxembourg, Malta và Hà Lan có thể là các thiên đường thuế. Do đó, EP kêu gọi chấm dứt việc cấp thị thực vàng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh đó, sẽ rất khó tìm được tiếng nói chung trong một nghị viện mà mỗi nước đều muốn bảo vệ lợi ích riêng của mình.
(4) Xây dựng chính phủ số hóa. Các vấn đề liên quan đến kinh tế số trở nên đặc biệt quan trọng đối với EU, đã từng được thể hiện trong các thảo luận gay gắt về các quy định về bảo vệ dữ liệu (RGPD) hay tác quyền. Nhiều hồ sơ nhạy cảm đang chờ đợi các nghị sỹ mới, trong đó có vấn đề về quyền riêng tư trên mạng (e-privacy) nhằm bổ sung cho RGPD trong lĩnh vực bảo mật truyền thông, danh tính và giám sát.
Chính sách này đang được vận động hành lang rất mạnh do liên quan đến nhiều lĩnh vực như thuế đánh vào các doanh nghiệp công nghệ lớn, viễn thông và thông tin đại chúng. Ngoài ra, EP sẽ còn phải thảo luận về quy định ngăn ngừa phát tán các nội dung mang tính khủng bố trên mạng, Internet vạn vật, dữ liệu siêu lớn, blockchain, phương tiện thông minh, xe tự hành, trí tuệ nhân tạo v.v.
(5) Chống biến đối khí hậu và bảo vệ môi trường. Brussels mong muốn triển khai một hệ thống xếp hạng thống nhất của Châu Âu cho phép xác định tính bền vững về sinh thái của các hoạt động kinh tế. Ngày 28/3/2019, EP đã bỏ phiếu về vấn đề này và sẽ chuyển cho Hội đồng Châu Âu. Quan điểm về các vấn đề liên quan đến môi trường và khí hậu cũng còn có nhiều khác biệt như các vấn đề khác do các nước thành viên sử dụng các loại năng lượng khác nhau và không theo đuổi các lợi ích chung.
Để thể hiện uy tín quốc tế, EU sẽ phải thực hiện các cam kết về khí hậu trên cơ sở sự đồng thuận. Dư luận Châu Âu đang ngày càng quan tâm đến vấn đề này và các lá phiếu bầu ủng hộ môi trường sinh thái bền vững sẽ được thể hiện mạnh mẽ hơn trong cuộc bầu cử ngày 26/5/2019. Chắc chắn phong trào sinh thái sẽ là một lực lượng cần phải tính đến trong Nghị viện Châu Âu khóa mới.
Đề xuất chương trình nghị sự của EP khóa mới
Để chuẩn bị cho chương trình nghị sự của EP khóa mới, Ủy ban Châu Âu đề xuất một số khuyến nghị chính sách nhằm định hình tương lai EU trong bối cảnh tình hình châu lục và đang trải qua những chuyển dịch địa chính trị phức tạp, bất ổn và khó lường. Với cuộc bầu cử EP sẽ diễn ra từ ngày 23 đến ngày 26/5/2019 và sau đó là sự thay đổi bộ máy lãnh đạo chính trị của các thể chế EU, đã đến lúc EU cần nhận thức rõ những định hướng và ưu tiên chính sách trong 5 năm tới.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker nhận định rằng, EU hiện đang đứng trước những thách thức chưa từng có mà mức độ nghiêm trọng ngày một lớn. Để Châu Âu phát triển mạnh, các quốc gia thành viên của EU phải cùng nhau hành động. Theo ông Jean-Claude Juncker, trong bối cảnh đó chỉ có sự thống nhất mới có thể giúp EU tìm thấy sức mạnh cần thiết để bảo tồn, củng cố và phát huy ảnh hưởng trên toàn cầu. Dự kiến Chương trình nghị sự chiến lược của EU trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2024 tập trung vào 5 nội dung.
Một là, hướng tới mục tiêu xây dựng nền quốc phòng của EU đủ sức tự bảo vệ. EU sẽ tiếp tục theo đuổi nỗ lực hướng tới một Liên minh quốc phòng Châu Âu thực sự trên cơ sở những tiêu chuẩn chung về hợp tác quốc phòng. Để đạt được mục tiêu này, EU phải có chương trình hành động toàn diện ở mọi cấp độ và trong tất cả các lĩnh vực dựa trên sự chia sẻ trách nhiệm và đoàn kết giữa các quốc gia thành viên.
Hai là, xây dựng EU đủ sức cạnh tranh trong một thế giới hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng sâu sắc. EU sẽ tập trung nghiên cứu và đổi mới các lĩnh vực chuyển đổi sinh thái, kinh tế và các thách thức xã hội liên quan; đầu tư vào lĩnh vực chuyển đổi kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo do các nước Châu Âu phát triển trên cơ sở lấy con người làm trung tâm; tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo sự thịnh vượng bền vững thông qua tăng cường hiệu quả của liên minh kinh tế và tiền tệ; tiếp tục hỗ trợ việc chuyển đổi thị trường lao động Châu Âu.
Ba là, xây dựng EU thành một liên minh công bằng. EU sẽ tiếp tục theo đuổi các giá trị trụ cột về các quyền xã hội; hợp tác với các quốc gia thành viên để đạt được sự hòa nhập và bình đẳng xã hội bằng cách khắc phục sự chênh lệch giữa khu vực, đáp ứng nhu cầu của các cộng đồng thiểu số, hóa giải vấn đề giới tính và thách thức của hóa già dân số; đảm bảo các chính sách thuế công bằng; chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; nhà ở giá rẻ; tiết kiệm năng lượng.
Bốn là, xây dựng EU bền vững. EU sẽ đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa nền kinh tế nhằm đạt được mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững; nỗ lực chống biến đổi khí hậu và đẩy lùi suy thoái môi trường; chuyển sang một nền kinh tế hiệu quả hơn trong việc sử dụng tài nguyên bằng cách thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế sinh học và đổi mới bền vững; tối đa hóa tiềm năng của liên minh năng lượng bằng cách giải quyết các thách thức lớn, bao gồm an ninh năng lượng ở cấp độ doanh nghiệp, các hộ gia đình và hạn chế tác động đến biến đổi khí hậu.
Năm là, xây dựng EU có tầm ảnh hưởng toàn cầu. EU cần phải đóng vai trò dẫn đầu thế giới thông qua sự hỗ trợ nhất quán và mạnh mẽ cho một trật tự toàn cầu, dựa trên các quy tắc trên cơ sở coi Liên Hợp Quốc đóng vai trò trung tâm và trụ cột. EU cũng ưu tiên phát triển mối quan hệ mạnh mẽ với các nước láng giềng gần gũi, dựa trên sự cân bằng về quyền và nghĩa vụ, củng cố và tăng cường vị thế quốc tế của đồng Euro nhằm bảo vệ chủ quyền kinh tế và tài chính của EU./.