Italy gia nhập Sáng kiến "Vành đai - Con đường" khiến Mỹ và EU lo ngại

VietTimes -- Bất chấp áp lực mạnh mẽ từ EU lẫn Mỹ, ngày 23.3 Italy vẫn ký kết Biên bản ghi nhớ gia nhập Sáng kiến “Vành đai, con đường” (BRI) của Trung Quốc cùng 29 thỏa thuận hợp tác đầu tư - thương mại ở nhiều lĩnh vực như thương mại điện tử, năng lượng, đường sắt, gang thép, đường ống dẫn khí, nông nghiệp, truyền thông, ngân hàng… Truyền thông Italy nói giá trị các thỏa thuận vào khoảng 5 tỉ euro. Chi tiết đầy đủ về các hợp đồng không được tiết lộ ngay lập tức, nhưng theo Reuters, một nguồn tin của chính phủ cho biết chúng có thể mở rộng lên tới 20 tỉ euro (22,62 tỷ USD).
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về việc Italy gia nhập dự án “Vành đai, con đường” của Trung Quốc dưới sự chứng kiến của hai ông Tập Cận Bình và Giuseppe Conte.
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về việc Italy gia nhập dự án “Vành đai, con đường” của Trung Quốc dưới sự chứng kiến của hai ông Tập Cận Bình và Giuseppe Conte.

Italy – thành viên đầu tiên của nhóm G7 tham gia “Vành đai, con đường”  

Đáng chú ý trong số này là thỏa thuận cho phép Công ty Xây dựng giao thông Trung Quốc đầu tư và quản lý 2 hải cảng Genoa, Trieste. Genoa là cảng biển lớn và lâu đời nhất nước Ý; còn Trieste có tiềm năng rất lớn, kết nối Địa Trung Hải với các quốc gia không giáp biển trong khu vực như Áo, Hungary, Czech, Slovakia, Serbia - đều là những thị trường mà Trung Quốc muốn tiếp cận thông qua sáng kiến “Vành đai, con đường”.

Quyết định trên được chính phủ Italy đưa ra nhân chuyến thăm ba ngày của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm tăng cường mối quan hệ giữa hai quốc gia trong bối cảnh Bắc Kinh đang xảy ra chiến tranh thương mại với Washington. Thông cáo chung được công bố khi kết thúc chuyến thăm viết, hai nước mong muốn tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Italy, mong muốn xây dựng cơ chế đối thoại định kỳ ở cấp cao. Italy khẳng định lại nguyên tắc “một nước Trung Quốc”. Hai bên cho rằng cần chống chủ nghĩa bảo hộ dưới mọi hình thức, thúc đẩy tự do hóa, tiện lợi hóa mậu dịch và đầu tư, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế mậu dịch Âu - Á chặt chẽ hơn, mong muốn hợp tác sâu rộng hơn trên các lĩnh vực cảng khẩu, logistic và vận tải biển.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Phó Thủ tướng Italy Luigi Di Maio ký Bản ghi nhớ về việc Italia tham gia “Vành đai, con đường”.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Phó Thủ tướng Italy Luigi Di Maio ký Bản ghi nhớ về việc Italia tham gia “Vành đai, con đường”.

Lễ ký biên bản ghi nhớ về việc Italy tham gia "Vành đai, con đường" có sự chứng kiến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Thủ tướng Italy Giuseppe Conte. Ngoài ra, hai nước còn ký kết 29 hiệp nghị, bản ghi nhớ hợp tác liên quan đến xây dựng hạ tầng, ngân hàng, mậu dịch và du lịch. Trong đó, 10 thỏa thuận là các doanh nghiệp Trung Quốc và Italy trên các lĩnh vực như thép, năng lượng và khí đốt, còn lại là hợp tác giữa các bộ, ngành chính phủ và cơ quan công cộng.

Trước đó, hôm 22.3, Tổng thống Italy Sergio Mattarella bình luận rằng thỏa thuận "Vành đai,  con đường" sẽ tạo ra “điều kiện tuyệt vời” để thúc đẩy mối quan hệ giữa Italy và Trung Quốc. Ông cũng bày tỏ hy vọng Sáng kiến “Vành đai, Con đường” sẽ là một “đường hai chiều”, mang lại lợi ích cho cả đôi bên và cho phép trao đổi không chỉ hàng hóa mà còn cả ý tưởng.

Mỹ, EU lo ngại và chỉ trích mạnh mẽ

Quyết định của Italia tham gia BRI và ký kết các thỏa thuận làm ăn với Trung Quốc đã khiến một bộ phận các nước thành viên EU cảnh giác. Họ lo ngại Trung Quốc sẽ nhân cơ hội này giành được các công nghệ nhạy cảm và chiếm lĩnh được các nút giao thông then chốt. Thậm chí ngay trong nội bộ liên minh cầm quyền cũng không ủng hộ việc Italy tham gia BRI. Phó thủ tướng Ý Matteo Salvini, lãnh tụ Liên minh cực Hữu cũng cảnh báo về nguy cơ Trung Quốc thực thi chủ nghĩa thực dân ngay tại thị trường Italy. Ông tỏ ý phản đối bằng cách không dự lễ ký kết 23.3 và cũng không tham dự bữa quốc yến đón tiếp ông Tập Cận Bình hôm 22.3. “Chỉ nên cho phép đầu tư đi kèm điều khoản công bằng. Đừng nói với tôi Trung Quốc là thị trường mở”, ông Salvini nói.

Ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Italy Giuseppe Conte.
Ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Italy Giuseppe Conte.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Luigi Di Maio đã ra sức làm giảm những lo ngại này. Ông nói, Italy vẫn trung thành với các bạn bè phương Tây, nhưng trong quan hệ thương mại thì Italy phải đặt lợi ích của mình lên hàng đầu. Ông Di Maio nói, Italy chỉ là đang chạy đuổi theo mà thôi. Ông chỉ ra rằng, so với Đức và Pháp thì xuất khẩu của Italy sang Trung Quốc ít hơn nhiều. Năm ngoái, Italy nhập siêu từ Trung Quốc tới 17,6 tỷ euro. Mục tiêu của Italy là nhanh chóng loại bỏ được khoản nhập siêu đó. Di Maio thậm chí còn “đá xoáy” Mỹ khi nói: “Giống như một số người Mỹ nói 'Ưu tiên nước Mỹ', tôi cũng tiếp tục nhắc lại: trong quan hệ thương mại, sẽ ưu tiên nước Italy”.

Bên ngoài Italy, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas bày tỏ lo ngại khi trả lời phỏng vấn tờ Welt am Sonntag (Thế giới Chủ nhật): “Trong lúc thế giới đầy những thế lực hùng mạnh như Trung, Nga hay Mỹ, các quốc gia Châu Âu chỉ có thể hành động thống nhất trong khuôn khổ EU thì mới bảo vệ được lợi ích của mình. Vài nước nào đó tin rằng họ có thể làm ăn khôn khéo với Trung Quốc thì sẽ có ngày họ tỉnh giấc và sửng sốt phát hiện ra rằng bản thân đã lệ thuộc (người Trung Quốc)”.

Ông Günther Oettinger, người Đức, Ủy viên về Ngân sách và Tài nguyên nhân lực của Ủy ban châu Âu (EC) hôm 24.3 đã cảnh báo: các cơ sở hạ tầng có tính chiến lược của châu Âu như lưới điện, đường sắt cao tốc và cảng biển có thể nằm trong tay người Trung Quốc. Ông kiến nghị EU phải có quyền phủ quyết những hiệp nghị không phù hợp với lợi ích của cả liên minh.

Theo trang tin Đông Phương, ông Günther Oettinger đã nói khi trả lời phỏng vấn: “Dưới tiền đề tự trị và chủ quyền của Châu Âu không bị đe dọa, mở rộng liên hệ giao thông giữa Á – Âu là điều tốt. Nhưng các cơ sở hạ tầng có tính chiến lược của Châu Âu e rằng sẽ lọt vào tay người Trung Quốc, vì vậy cần cấp thiết xây dựng một chiến lược ứng phó với Trung Quốc”. Ông nói, các nước thành viên EU có lúc không xem xét đầy đủ đến lợi ích bản thân và của EU. Vì vậy, EU cần có quyền phủ quyết những dự án mới của nước thành viên, hoặc dự án liên quan trước hết phải được sự đồng ý của EU”.

Ông Günther Oettinger Ủy viên về Ngân sách và Tài nguyên nhân lực của Ủy ban châu Âu đề nghị EU phải có quyền phủ quyết những hiệp nghị không phù hợp với lợi ích của cả liên minh.
Ông Günther Oettinger Ủy viên về Ngân sách và Tài nguyên nhân lực của Ủy ban châu Âu đề nghị EU phải có quyền phủ quyết những hiệp nghị không phù hợp với lợi ích của cả liên minh.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 22.3 cũng nói với các nhà báo sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh các nước thành viên EU tại Brussels : “Trung Quốc đang lợi dụng tình trạng bất đồng giữa chúng ta. Đối với Trung Quốc, cuối cùng EU đã tỉnh giấc, thời kỳ người Châu Âu ấu trĩ đã qua rồi”. Ông nói, EU cần có một chiến lược thống nhất với Trung Quốc chứ không phải chính sách của cá biệt quốc gia.

Tuy nhiên, có ý kiến phân tích cho rằng, việc Châu Âu muốn ngăn chặn Trung Quốc phân hóa các nước thành viên EU nói thì dễ, nhưng làm thì khó. Điều này thể hiện qua việc Italy chấp thuận BRI của Trung Quốc, khiến quốc gia châu Âu này trở thành thành viên Tập đoàn G7 (7 nền kinh tế phát triển của phương Tây) đầu tiên tham gia Sáng kiến “Vành đai, con đường”, bất chấp việc Ủy ban Châu Âu vừa mới công bố báo cáo về viễn cảnh chiến lược EU – Trung Quốc, trong đó coi Trung Quốc là kẻ cạnh tranh về kinh tế và là đối thủ toàn diện về chính trị.

Tờ The New York Times phân tích cho rằng, Italy chính thức gia nhập “Con đường Tơ lụa mới” của Trung Quốc là chống lại sự khẩn cầu và cảnh cáo của EU và đồng minh Mỹ. Hành động này thể hiện sự thay đổi về cân bằng địa chính trị và chính phủ dân túy ở Italy đã phá vỡ truyền thống hợp tác giữa các đồng minh.

Tờ The Washington Post viết, hành động của Italy tựa hồ đã dấy lên hy vọng của Trung Quốc thông qua đầu tư váo các cảng khẩu của Italy có thể giúp họ khôi phục được vai trò then chốt trong mậu dịch Đông – Tây. Sự tham dự của Italy cũng trở thành bước then chốt để Trung Quốc tiến vào Tây Âu. EU cũng lo ngại về sự cạnh tranh không bình đẳng của các công ty Trung Quốc – các công ty do chính phủ khống chế và được nhà nước ủng hộ về tài chính.

Hãng BBC của Anh chỉ rõ, vào thời điểm nhạy cảm của EU, hành động của Italy đã khiến EU khủng hoảng. Trước sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Âu, họ chưa thích ứng được với sự thay đổi không ngừng của thế giới.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron: Trung Quốc đang lợi dụng tình trạng bất đồng giữa chúng ta... EU cần có một chiến lược thống nhất với Trung Quốc chứ không phải chính sách của cá biệt quốc gia.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron: 

Trung Quốc đang lợi dụng tình trạng bất đồng giữa chúng ta... EU cần có một chiến lược thống nhất với Trung Quốc chứ không phải chính sách của cá biệt quốc gia.

Tờ Daily Express viết, không chỉ EU lo lắng, số lượng khống chế và ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với các cảng khẩu và hạ tầng then chốt của Italy như viễn thông cũng khiến Mỹ lo lắng. Trước đó Mỹ đã từng phê phán BRI là cái bẫy nợ đối với các nước đang phát triển phải vay những khoản tiền lớn. Sau khi Italy gia nhập "Vành đai, con đường”, một bộ phận người Mỹ cho rằng, Trung Quốc có thể thông qua việc trở thành nước chủ nợ để phát huy ảnh hưởng chính trị của họ.

Chính Mỹ đã đẩy Italy gia nhập Sáng kiến “Vành đai, con đường”?

Trang tin Đa Chiều ngày 24.3 đăng bài cho rằng: mặc dù bộ phận dư luận thể hiện sự lo lắng trước việc Italy gia nhập BRI, nhưng một bộ phận dư luận phương Tây cho rằng, điều mà Mỹ và EU thực sự cần lo ngại không phải là “Vành đai, con đường” và cũng không phải Trung Quốc.

Hãng Bloomberg viết, các nước Châu Âu đang ở trong mâu thuẫn giữa việc lo ngại về ảnh hưởng Trung Quốc và khát vọng đầu tư.

The Wall Street Journal viết, nội bộ EU tồn tại bất đồng lớn trong quan hệ với Trung Quốc. Một số nước do Pháp, Đức đứng đầu hy vọng cả EU sẽ dốc sức chống lại ảnh hưởng về kinh tế và chính trị ngày càng mạnh của Trung Quốc. Nhưng một số nước đứng đầu là Italy lại muốn thông qua tăng cường quan hệ với Trung Quốc để kiếm được lợi ích.

Tờ Daily Express chỉ rõ, năm 2018, Italy và Ủy ban Châu Âu đã xảy ra xung đột về vấn đề dự toán ngân sách của EU và Italy đã tăng cường quyết tâm của họ tìm kiếm nguồn đầu tư mới. Trung Quốc được người Italy cho là một trong số những thị trường quan trọng nhất cho thời trang, hàng xa xỉ và thực phẩm cho nên họ coi Trung Quốc là sự lựa chọn hợp tác hàng đầu.

Ông Robert Kaplan: Đối với việc Italy gia nhập Sáng kiến “Vành đai, con đường”, Mỹ đã lựa chọn thái độ chính trị chứ không đưa ra được phương án thay thế
Ông Robert Kaplan: Đối với việc Italy gia nhập Sáng kiến “Vành đai, con đường”, Mỹ đã lựa chọn thái độ chính trị chứ không đưa ra được phương án thay thế

Ông Robert Kaplan, chủ quản cơ quan phân tích địa chính trị Công ty Dự báo chiến lược Stratfor của Mỹ phân tích: “Đối với việc Italy gia nhập BRI, Mỹ đã lựa chọn thái độ chính trị chứ không đưa ra được phương án thay thế. Phương thức của Mỹ có vẻ vụng về. Điều mà họ có thể làm chỉ là nói với các nước khác 'đừng làm như thế, chúng tôi sẽ nổi giận'. Làm như thế rất nguy hiểm cho chính sách ngoại giao của Mỹ”.

Đa Chiều cho rằng, qua dư luận trên có thể kết luận chính Mỹ và EU đã đẩy Italy đến với “Vành đai, con đường”. Sau 2 năm suy thoái kinh tế 2012, 2013, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Italy rất chậm (năm 2019 dự kiến chỉ tăng 0,6%) và trở thành quốc gia duy nhất của EU lâm vào tính trạng suy thoái kinh tế. Trước điều đó, Mỹ và EU là những đồng minh nhưng không kịp thời có phương án giải quyết khiến Italy phải quay sang tìm kiếm viện trợ từ Trung Quốc.

Đa Chiều kết luận, sự lựa chọn của Italy lần này chính là sự nhất trí với logic của Mỹ. Như Bộ trưởng Phát triển kinh tế Michele Geraci của Italy tuyên bố: "Tổng thống Mỹ có thể theo đuổi nguyên tắc ngoại giao 'ưu tiên nước Mỹ' thì Italy cũng có thể theo đuổi chính sách “ưu tiên Italy”.