|
Đức đã cung cấp cho Ukraine 30 xe tăng phòng không Gepard (Ảnh: Getty). |
Tình hình Ukraine bị máy bay không người lái Nga tấn công được truyền thông Ukraine và phương Tây đánh giá là đã dịu đi nhờ hệ thống phòng không của Ukraine được tăng cường, trong đó loại pháo phòng không tự hành hai nòng Gepard của Đức được đánh giá cao nhất, có hiệu quả đánh chặn máy bay không người lái Nga đặc biệt tốt, chi phí vận hành và tiêu hao đạn dược cũng thấp hơn. Vì vậy, thêm 7 chiếc xe tăng phòng không tự hành Gepard nữa đã được đưa vào danh sách viện trợ thiết bị và vật tư quân sự mới nhất của Đức cho Ukraine.
Trang Defense Blog đưa tin chính phủ Đức cho biết họ đã tặng 30 cỗ pháo phòng không tự hành Gepard cho Ukraine, cùng với cơ số đạn cần thiết 6.000 viên kèm theo. Theo một bài viết trên tờ Bild của Đức, các xe chiến đấu phòng không Gepard được cung cấp cho Ukraine có thể không lấy từ kho dự trữ của Lực lượng Vũ trang Đức, mà nằm trong số hàng tồn kho của chính nhà sản xuất Klaus Maffei Wegmann (KMW).
|
Các xe tăng phòng không Gepard diễn tập tập trung hỏa lực diệt mục tiêu (Ảnh: NATO). |
Pháo phòng không tự hành hay còn gọi là Xe tăng phòng không (air-defense tanks) Gepard được trang bị cho quân đội Tây Đức (Cộng hòa Liên bang Đức) vào năm 1976. Nó có 2 khẩu pháo 35mm Oerlikon GDF do Thụy Sĩ chế tạo, tốc độ bắn 550 phát/phút, tầm bắn có hiệu quả 4.000 mét, được trang bị radar tìm kiếm băng tần X và radar bám mục tiêu băng tần Ku.
Pháo phòng không tự hành hai nòng Gepard có thể sử dụng chống lại máy bay chiến đấu hiện đại, máy bay trực thăng tấn công, bom dẫn đường và tên lửa. Tuy là sản phẩm ra đời cách đây hơn 40 năm nhưng nó vẫn có hiệu quả chống lại trực thăng và máy bay không người lái. Đạn của nó có hiệu ứng nổ trên không khí ở cự ly gần, tạo ra một đám mây mảnh đạn có khả năng sát thương mục tiêu một cách đáng tin cậy.
|
Xe tăng phòng không Gepard có tốc độ bắn 550 phát/phút, tầm bắn hiệu quả 4000 mét (Ảnh: Huanqiu). |
Tổng số xe pháo phòng không tự hành Gepard đã được hãng Klaus Maffei Wegmann sản xuất là 570 chiếc, được cung cấp cho quân đội các nước Tây Đức, Hà Lan và Bỉ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, sau Chiến tranh Lạnh chúng dần được NATO loại khỏi biên chế, trong đó có 43 chiếc đã được trao cho Romania, vì vậy trong kho hiện vẫn còn khá nhiều chiến xa phòng không loại này. Sau khi Chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ, Đức đã đồng ý viện trợ loại vũ khí phòng không này cho Ukraine.
Theo hãng tin Anh Reuters ngày 2/12, trang web của chính phủ Đức thông báo Đức đang chuẩn bị cung cấp cho Ukraine thêm 7 xe tăng phòng không Gepard. Reuters cũng đề cập đến việc Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đến thị sát công tác huấn luyện các binh sĩ Ukraine sử dụng loại vũ khí này tại căn cứ huấn luyện quân sự ở Oldenburg, Đức hồi tháng 8. Ông Scholz cũng đã tạo dáng chụp ảnh trước một cỗ xe tăng phòng không Gepard.
|
Thủ tướng Đức Scholz tạo dáng chụp ảnh khi thị sát đơn vị huấn luyện các binh sĩ Ukraine sử dụng xe tăng phòng không Gepard (Ảnh: RFI). |
Reuters cũng đưa tin, tính đến thời điểm hiện tại, Đức đã cung cấp cho quân đội Ukraine 30 xe tăng phòng không Gepard. Chính phủ Đức không nói rõ khi nào họ cung cấp thêm 7 chiếc xe tăng phòng không này cho Ukraine, nhưng cho biết những chiếc xe tăng này được các nhà sản xuất vũ khí dự trữ và trong một số trường hợp, việc giao hàng phụ thuộc vào tiến độ sản xuất hoặc sửa chữa đang diễn ra. Một nguồn tin nói các xe này sẽ được giao sớm nhất vào mùa Xuân sang năm.
Reuters cũng dẫn tờ Der Spiegel của Đức cho biết, 7 xe tăng phòng không Gepard này ban đầu được lên kế hoạch tiêu hủy, hiện đang được nhà sản xuất vũ khí Đức Klaus Maffei Wegmann sửa chữa. Đồng thời với việc cung cấp thêm vũ khí ngoài kế hoạch, chính phủ Đức cũng đang gửi thêm đạn sử dụng cho xe tăng phòng không Gepard tới Ukraine. Bản tin cho biết việc tiếp tế đạn dược cho Gepard tỏ ra có vấn đề, vì Thụy Sĩ, quốc gia có dự trữ đạn dược cho loại vũ khí này, đã từ chối cung cấp đạn, với lý do nước này giữ lập trường "trung lập" đối với cuộc chiến Nga-Ukraine.
|
Truyền thông Ukraine và phương Tây đánh giá xe tăng phòng không Gepard có hiệu quả tốt trong việc đánh chặn máy bay không người lái Nga. (Ảnh:LTN). |
Der Spiegel đã viết rằng chính phủ Đức hy vọng sẽ cung cấp cho Ukraine nhiều đạn pháo 35mm hơn cho xe tăng phòng không Gepard. Báo này chỉ ra rằng hiện tại Đức đang rất thiếu đạn 35mm và hầu hết đạn pháo cỡ 35mm trên thế giới đều được sản xuất tại Thụy Sĩ, nhưng chính phủ Thụy Sĩ lại không cho phép xuất khẩu vì muốn duy trì lập trường trung lập.
Bộ Ngoại giao Nga trước đó đã gửi công hàm tới tất cả các nước, kể cả Mỹ, về vấn đề cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chỉ ra rằng bất kỳ phương tiện của nước nào mang vũ khí viện trợ cho Ukraine cũng đều sẽ trở thành mục tiêu tấn công hợp pháp của Nga.