Mỹ, Nhật Bản hợp tác đối phó công nghệ vũ khí siêu thanh của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lầu Năm Góc vừa công bố một báo cáo thường kỳ "Trung Quốc phát triển quân sự và an ninh”, nêu cụ thể tình trạng phát triển và triển vọng tiềm lực quốc phòng của Trung Quốc; Mỹ và Nhật đang hợp tác để đối phó.
Tên lửa siêu thanh DF-17 của Trung Quốc (Ảnh: Getty).
Tên lửa siêu thanh DF-17 của Trung Quốc (Ảnh: Getty).

Một điểm trong báo cáo này là sự phát triển của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ siêu thanh, trong đó việc đưa vào sử dụng hệ thống tên lửa siêu thanh được đặc biệt chú ý.

Về tổng thể, báo cáo của Lầu Năm Góc xác nhận, cho đến nay, công nghiệp Trung Quốc đã có thể tạo ra hệ thống tên lửa siêu thanh chiến lược hoàn chỉnh và đưa nó vào sử dụng. Hơn nữa, việc phát triển các hệ thống mới loại này đang được tiến hành và có thể được đưa vào sử dụng trong tương lai.

Tình hình hiện tại được đề cập trong các phần tóm tắt, các chương "Tìm hiểu về Chiến lược của Trung Quốc" và "Khả năng chống can thiệp và triển khai lực lượng."

Được biết, vào năm 2020, một hệ thống tên lửa bao gồm tên lửa tầm trung và đầu đạn siêu thanh DF-17 đã đi vào hoạt động trong PLA. Với một tổ hợp như vậy, Trung Quốc có thể tấn công các mục tiêu của “kẻ thù tiềm năng” ở Tây Thái Bình Dương. Tùy thuộc vào nhiệm vụ, DF-17 có thể mang đầu đạn đặc biệt hoặc thông thường.

Các xe tên lửa DF-17 tham gia diễu binh năm 2019 (Ảnh: Huanqiu).

Các xe tên lửa DF-17 tham gia diễu binh năm 2019 (Ảnh: Huanqiu).

Căn cứ dữ liệu có sẵn, các tác giả của báo cáo đang cố gắng xác định vị trí của các hệ thống siêu thanh trong hệ thống vũ khí của PLA và tác động của các sản phẩm đó đối với sự phát triển của hệ thống. Theo một số nguồn tin, các tổ hợp mới với mô-đun DF-17 đang dần thay thế một số tên lửa tầm ngắn đã lỗi thời. Việc nâng cấp phần vật chất như vậy sẽ có tác động tích cực đến khả năng tác chiến và tiềm lực tổng thể của lực lượng tên lửa chiến lược.

Các tin tức của Mỹ đã nhiều lần đề cập đến dự án siêu thanh mới của Trung Quốc. Chúng được tạo ra trên cơ sở tích lũy kinh nghiệm và những phát triển hiện có, nhưng đồng thời được đưa vào các giải pháp mới phù hợp với công nghệ Trung Quốc.

Trong Chương 2, "Các lực lượng, khả năng và dự báo sức mạnh của Trung Quốc", phần về tiềm năng hạt nhân, người ta được nhắc về vụ thử nghiệm tổ hợp siêu thanh quy mô toàn cầu hoàn toàn mới vào năm ngoái.

Vào ngày 27/3/2021, lần đầu tiên tổ hợp này được ra mắt, đầu đạn được phóng vào quỹ đạo Trái đất với sự trợ giúp của phương tiện phóng và di chuyển bám theo đến khu vực mục tiêu. Tới tọa độ nhất định, tên lửa tách khỏi quỹ đạo và lao xuống mục tiêu đã định trước.

Hệ thống vũ khí siêu thanh DF-17 với đầu đạn DF-ZF có hình dạng đặc trưng (Ảnh: Sina).

Hệ thống vũ khí siêu thanh DF-17 với đầu đạn DF-ZF có hình dạng đặc trưng

(Ảnh: Sina).

Theo tư liệu nước ngoài, trong cuộc thử nghiệm năm ngoái, thiết bị siêu thanh này của Trung Quốc đã bay hơn 400.000 km. Thời gian bay hơn 100 phút. Hiện tại, đây là hiệu suất cao nhất mà công nghệ siêu thanh của Trung Quốc đạt được.

Đồng thời, các hệ thống siêu thanh dùng cho các mục đích khác nhau cũng đang được Trung Quốc phát triển và thử nghiệm. Vào năm 2021 và 2022, một chiếc máy bay có thể tái sử dụng có khả năng thực hiện các chuyến bay dưới quỹ đạo ở tốc độ siêu thanh đã được phóng thử nghiệm. Giả thiết mục tiêu của dự án này là tạo ra một hệ thống giao thông vận chuyển hàng hóa nhanh nhất. Một loại máy bay kiểu đó có khả năng hoạt động tại các sân bay thông thường đang được phát triển.

Theo các tác giả của báo cáo, Bắc Kinh lo sợ vũ khí siêu thanh của Mỹ và các đồng minh. Thành công của Mỹ và nước ngoài trong lĩnh vực này đe dọa các lực lượng chiến lược trên mặt đất tương đối ít của Trung Quốc. Ngoài ra, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng sự phổ biến của công nghệ siêu thanh có thể làm mờ ranh giới giữa xung đột thông thường và xung đột hạt nhân. Do đó, có thể sử dụng một cuộc tấn công hạt nhân toàn diện để chống lại cuộc tấn công của kẻ thù bằng các hệ thống siêu thanh.

Hệ thống vũ khí siêu thanh DF-17 phóng thử nghiệm (Ảnh: CCTV).

Hệ thống vũ khí siêu thanh DF-17 phóng thử nghiệm (Ảnh: CCTV).

Đáng chú ý, báo cáo của Lầu Năm Góc không nêu rõ loại vũ khí siêu thanh nào của Mỹ gây ra mối đe dọa đối với tiềm lực quốc phòng của Trung Quốc. Nguyên nhân rất đơn giản: bất chấp tất cả những thành công trong giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm toàn diện, Mỹ hiện vẫn chưa có hệ thống tên lửa siêu thanh sẵn sàng chiến đấu và việc phát triển hệ thống này rõ ràng đang đối mặt những khó khăn.

Theo báo cáo mới nhất của ​​Lầu Năm Góc, Trung Quốc trong những năm gần đây đã phát triển nhiều mẫu tên lửa công nghệ siêu thanh, bao gồm vũ khí của quân đội. Đồng thời, cho đến nay, chỉ có một tổ hợp gọi là Dongfeng-17 (DF-17), được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, chỉ tổ hợp này cũng có thể có tác động đáng kể đến tình hình chiến lược trong khu vực.

Các tổ hợp DF-17 và đầu đạn siêu thanh DF-ZF đã được chế tạo ít nhất là từ đầu những năm 2010. Vào giữa thập kỷ này, các cuộc thử nghiệm của các bộ phận riêng lẻ cũng như toàn bộ tổ hợp đã bắt đầu. Vào năm 2019, hệ thống này đã được lực lượng tên lửa của PLA áp dụng và nhanh chóng được trình diễn tại một sự kiện công khai.

Đạn tên lửa phòng không SM-3 của Mỹ trang bị trong Quân đội Nhật (Ảnh: Kyodo).

Đạn tên lửa phòng không SM-3 của Mỹ trang bị trong Quân đội Nhật

(Ảnh: Kyodo).

DF-17 là một hệ thống tên lửa mặt đất di động được đặt trên khung gầm xe năm trục đặc biệt. Một phương tiện chiến đấu tự hành mang theo một bệ phóng nâng cao tên lửa với các thiết bị chiến đấu đặc biệt. Một tổ hợp như vậy có thể di chuyển dọc theo các con đường và địa hình, thực hiện các cuộc tuần tra và tiếp cận các địa điểm phóng định trước.

Xe này mang một loại đạn đặc biệt, có lẽ được chế tạo bằng các cấu kiện có sẵn. Tên lửa DF-17 có một tầng nhiên liệu rắn duy nhất để tăng tốc ban đầu và leo lên độ cao mong muốn, đồng thời mang theo đầu đạn được gọi là DF-ZF hoặc WU-14. Tổng chiều dài của tên lửa không quá 11-12 mét và trọng lượng phóng khoảng 15 tấn.

Đầu đạn DF-ZF là một loại tàu bay được thiết kế độc đáo với đáy phẳng, thân thon và đôi cánh vuốt dài. Nó không có hệ thống đẩy riêng - chuyến bay được thực hiện nhờ khả năng tăng tốc của tên lửa đẩy. Tốc độ bay chính xác vẫn chưa được biết, nhưng có thể vượt quá Mach 5, có khả năng cơ động chủ động và có hệ thống lái tự động với hệ thống định vị. Đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân có thể được cài đặt.

Tên lửa đánh chặn SM-3 phóng từ tàu chiến Nhật (Ảnh: Kyodo).

Tên lửa đánh chặn SM-3 phóng từ tàu chiến Nhật (Ảnh: Kyodo).

Tổ hợp DF-17 có tất cả những ưu điểm đặc trưng của vũ khí siêu thanh: đầu đạn bay trên quỹ đạo đạn đạo gần như không thể bị đánh chặn, và cú đánh của nó gây ra thiệt hại rất lớn do đầu đạn và động năng của nó. Ngoài ra, tổ hợp của Trung Quốc có thể di động, giúp tăng khả năng hoạt động của chúng.

Từ Trung Quốc, tổ hợp DF-17 có thể kiểm soát Tây Thái Bình Dương, bao gồm cả cái gọi là chuỗi đảo. Ngoài ra, các cơ sở của Mỹ và các đồng minh trong khu vực cũng đối mặt với mối đe dọa tiềm ẩn. Do đó, DF-17 là một công cụ răn đe chiến lược tiện lợi.

Lầu Năm Góc cho rằng ngành công nghiệp Trung Quốc có kế hoạch phát triển các công nghệ hiện có và tạo ra các hệ thống tên lửa mới. Rõ ràng, sự khác biệt chính giữa các hệ thống tiếp theo thuộc loại này sẽ là phạm vi bay (tầm bắn) tăng lên. Trong trung hạn, sự xuất hiện của các tổ hợp liên lục địa có thể xảy ra.

Sự tồn tại và xuất bản hàng năm của báo cáo "Trung Quốc phát triển về quân sự và an ninh" cho thấy rõ ràng rằng Lầu Năm Góc đang chú ý đến tiềm năng quân sự của Trung Quốc. Mỹ đang giám sát các quá trình khác nhau và dự án siêu thanh của Trung Quốc đã trở thành một trong những chủ đề ưu tiên trong những năm gần đây.

Cho đến nay, Trung Quốc mới chỉ có một hệ thống siêu thanh đang hoạt động và số lượng có thể rất ít. Về vấn đề này, các tác giả của báo cáo không có xu hướng coi đó là một trong những chủ đề trung tâm. Tuy nhiên, trong tương lai, hướng này sẽ phát triển, dẫn đến sự xuất hiện của các hệ thống mới và mở rộng khả năng chiến đấu của chúng.

Theo Nikkei Asia, Mỹ và Nhật đang xem xét cùng nghiên cứu công nghệ tên lửa để đánh chặn vũ khí siêu thanh của Trung Quốc và Nga. Kế hoạch là đánh chặn vũ khí siêu thanh của Trung Quốc và Nga trong giai đoạn lượn trước khi chúng lao xuống độ cao mà hệ thống phòng thủ hiện có không thể đối phó.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ bắt đầu thiết kế động cơ tên lửa lớn và các bộ phận khác cho tên lửa đánh chặn trong năm tài khóa 2023. Thiết bị đánh chặn cần bay quãng đường dài với tốc độ cao và có khả năng phản ứng với những thay đổi trong quỹ đạo của phương tiện bay siêu thanh (HGV).

Nhật sẽ nghiên cứu phạm vi có thể hợp tác với Mỹ. Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Nhật Bản bao gồm hai tuyến phòng thủ. Tuyến phòng thủ đầu tiên là tên lửa đánh chặn SM-3 phóng từ các tàu lớp Aegis trên biển, có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo từ ngoài bầu khí quyển.

Nếu tên lửa SM-3 bắn trượt, tên lửa đất đối không Patriot PAC-3 trên đất liền sẽ cố gắng hạ gục mục tiêu ở độ cao 20 km hoặc thấp hơn khi mục tiêu quay trở lại bầu khí quyển.

Phiên bản mới nhất của PAC-3 được cho là có thể tấn công HGV ngay trước khi nó lao xuống mục tiêu, tuy nhiên do phóng từ mặt đất nên phạm vi bảo vệ bị hạn chế. PAC-3 phải được triển khai trước ở gần các mục tiêu để bảo vệ.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng sẽ cải thiện khả năng đeo bám của tên lửa đất đối không tầm trung SM-3 hiện có để chúng có thể đối phó với vũ khí siêu thanh. Nhưng chúng sẽ khó đối phó với mục tiêu bay ở độ cao từ 20 km đến 100 km, là phạm vi bay của HGV, khiến việc phát triển một tên lửa mới trở nên rất quan trọng.

Đồng thời, Mỹ có một dự án phát triển một vũ khí được thiết kế đánh chặn giai đoạn lượn để bắn hạ các mục tiêu ở khoảng cách xa. Cơ quan Phòng thủ tên lửa của Lầu Năm Góc đang tài trợ cho hai công ty để thực hiện dự án này.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang nghiên cứu công nghệ pháo quỹ đạo, sử dụng điện từ để bắn đạn ở tốc độ cao mà không cần sử dụng thuốc súng làm công nghệ đánh chặn thế hệ tiếp theo. Trong năm tài chính 2022, Nhật Bản đã bắt đầu xây dựng một nguyên mẫu tiếp cận khả năng này.

Hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot PAC-3 của Mỹ (Ảnh: Sina).

Hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot PAC-3 của Mỹ (Ảnh: Sina).

Vì HGV bay ở độ cao thấp hơn so với tên lửa đạn đạo, nên cũng có vấn đề chậm bị radar mặt đất phát hiện. Bộ Quốc phòng Nhật sẽ xem xét hợp tác với Mỹ để tạo ra một mạng lưới vệ tinh nhỏ và triển khai máy bay không người lái có khả năng phát hiện HGV từ ngoài không gian và không trung.

Gần đây, các mối đe dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan leo thang đã làm tăng thêm mối lo ngại của Nhật Bản. Do vị trí địa lý, một cuộc chiến ở eo biển Đài Loan sẽ tạo ra mối đe dọa quân sự trực tiếp đối với Nhật Bản. Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng nói rằng những gì xảy ra với Đài Loan có nghĩa là xảy ra với Nhật Bản.

Sau khi bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, đến thăm Đài Loan ngày 3/8/2022, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở 6 vùng biển xung quanh Đài Loan để thể hiện sự không hài lòng. Trong cuộc tập trận ngày 4/8, quân đội Trung Quốc đã bắn 11 tên lửa, 5 trong số đó rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, khiến Nhật Bản lên án mạnh mẽ. Vụ việc này cũng khiến người dân Nhật Bản nhận thức rõ hơn về nguy cơ Nhật Bản bị cuốn vào cuộc xung đột eo biển Đài Loan.