Tranh chấp trên biển với Trung Quốc khiến Philippines lần thứ ba hoãn chấm dứt thỏa thuận VFA với Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Năm ngoái, Tổng thống Duterte đã quyết định chấm dứt "Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng" (VFA) với Mỹ cho phép quân Mỹ vào Philippines để tập trận, nhưng thời hạn thực hiện chấm dứt đã bị hoãn tới 3 lần.
Do tranh chấp trên biển với Trung Quốc, Philippines hoãn chấm dứt VFA với Philippines lần thứ ba (Ảnh: Sohu).
Do tranh chấp trên biển với Trung Quốc, Philippines hoãn chấm dứt VFA với Philippines lần thứ ba (Ảnh: Sohu).

Philippines lại thông báo hoãn lần thứ ba việc chấm dứt "Visiting Forces Agreement - VFA” (Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng) với Mỹ trong thời hạn 6 tháng. Theo phân tích, tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc có thể là một vấn đề đưa đến quyết định này của Philippines.

Theo hãng tin Anh Reuters, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin ngày 14/6 thông báo, Tổng thống Rodrigo Duterte đã quyết định hoãn việc chấm dứt "Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng" với Mỹ lần thứ ba trong thời hạn 6 tháng.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby nói trong một tuyên bố: “Bộ Quốc phòng (Hoa Kỳ) hoan nghênh quyết định của Philippines về việc hoãn chấm dứt Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng một lần nữa”. Thoả thuận này sẽ hết hiệu lực vào tháng 8 tới.

John Kirby nói: "Trong liên minh song phương của chúng tôi, chúng tôi coi Philippines là một đối tác có chủ quyền bình đẳng. Quan hệ đối tác của chúng tôi không chỉ đóng góp vào an ninh của hai nước mà còn củng cố một trật tự dựa trên luật lệ, có lợi cho tất cả các quốc gia trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".

Thỏa thuận VFA cho phép Mỹ đưa quân và các phương tiện quân sự vào Philippines để tập trận (Ảnh: Deutsche Welle).

Thỏa thuận VFA cho phép Mỹ đưa quân và các phương tiện quân sự vào Philippines để tập trận (Ảnh: Deutsche Welle).

Vào tháng 2/2020, chính phủ Philippines thông báo rằng họ sẽ chấm dứt "Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng" đã ký với Mỹ. Tuy nhiên, phía Philippines kể từ đó đã đề xuất tạm dừng việc chấm dứt thỏa thuận trong 6 tháng vào ngày 1/6/2020 "do có những thay đổi trong tình hình khu vực”. Đến ngày 11/11/2020, Philippines lại thông báo họ sẽ một lần nữa tạm hoãn việc chấm dứt thỏa thuận thêm 6 tháng; lần hoãn hôm 14/6 là lần thứ ba.

"Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng" là một trong những hiệp định quân sự quan trọng được ký kết giữa Philippines và Mỹ vào năm 1998. Thỏa thuận này quy định các điều kiện, phạm vi hoạt động và các phương tiện cho việc nhập cảnh Philippines của quân nhân, nhân viên quân sự liên quan và thiết bị quân sự của Mỹ vào Philippines, trong đó bao gồm cả nội dung liên quan đến các cuộc tập trận giữa hai bên.

Theo thỏa thuận giữa Mỹ và Philippines, nếu "Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng" bị chấm dứt, một trong hai bên phải thông báo cho bên kia bằng văn bản thông qua các đường ngoại giao. Sau 180 ngày kể từ ngày thông báo, "Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng" sẽ tự động chấm dứt.

Quân đội Philippines và Mỹ tập trận chung ở Phi trong khuôn khổ Thỏa thuận VFA (Ảnh: Sohu).

Quân đội Philippines và Mỹ tập trận chung ở Phi trong khuôn khổ Thỏa thuận VFA (Ảnh: Sohu).

Trang tin Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 15/6 đăng bài phân tích nhan đề “Khi mối đe dọa của Trung Quốc trên biển vẫn còn, Philippines lần thứ ba hoãn chấm dứt Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng với Mỹ”. Bài báo viết, hôm qua (14/6) Manila đã quyết định một lần nữa hoãn việc chấm dứt thỏa thuận tương tác quân sự VFA giữa Philippines và Mỹ, đồng thời yêu cầu Washington cung cấp thêm viện trợ và vaccine COVID-19 để đổi lấy việc tiếp tục duy trì hiệp định quân sự.

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin bày tỏ Tổng thống Rodrigo Duterte đã quyết định gia hạn “Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng” thêm 6 tháng, để hai bên có thể giải quyết các mối quan tâm của mình, nhưng không giải thích thêm các chi tiết.

Bài báo viết, đây là lần thứ ba Philippines hoãn việc chấm dứt "Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng" Philippines - Mỹ kéo dài 20 năm. Vào tháng 2 năm ngoái, ông Duterte tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận quân sự quan trọng giữa Philippines và Mỹ ký năm 1998 do đơn xin thị thực Mỹ của một cựu cảnh sát trưởng bị từ chối. Ngày chấm dứt thỏa thuận được cho là có hiệu lực sau 180 ngày, tức là vào tháng 8/2020. Nhưng ông Duterte đã nhiều lần trì hoãn ngày quyết định của mình có hiệu lực.

Tàu chiến Mỹ cập cảng Philippines theo VFA (Ảnh: Sohu).

Tàu chiến Mỹ cập cảng Philippines theo VFA (Ảnh: Sohu).

"Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng" cho phép quân đội Mỹ vào Philippines và tiến hành huấn luyện chiến đấu chung với quân đội Philippines. Nếu Philippines rút khỏi thỏa thuận, quân đội Mỹ sẽ không thể tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở Philippines.

Đại sứ Philippines tại Mỹ, Jose Manuel Romualdez, hồi đầu tháng 6 đã nói với Reuters rằng Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng đã được sửa đổi, khiến thỏa thuận này trở nên "chấp nhận được" và "cùng có lợi" cho cả Philippines và Mỹ.

Manila trong quá khứ đã không hài lòng với các phần của thỏa thuận, chẳng hạn như thiếu quyền tài phán đối với quân nhân Mỹ phạm tội ở Philippines và những thiệt hại đối với môi trường trong các cuộc tập trận trên biển.

Ông Rommel Banlaoi, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Trung Quốc của Philippines, từng nói với báo chí rằng chính quyền Duterte đang chơi trò ở giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc.

Ông nói hồi tháng 4 năm nay rằng Philippines có xu hướng sử dụng con bài của Mỹ cho các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Việc hoãn lại ngày chấm dứt "Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng" nhằm giành được sự ủng hộ từ Washington, nhưng vẫn giữ lợi thế thương lượng để rút khỏi thỏa thuận, đồng thời Philippines lại dỡ bỏ lệnh cấm thăm dò dầu khí ở vùng biển tranh chấp của Biển Đông và có kế hoạch cùng khai thác tài nguyên dầu khí với Bắc Kinh.

Giới quan sát cho rằng tranh chấp trên biển với Trung Quốc khiến Philippines tiếp tục hoãn chấm dứt VFA với Mỹ. Trong ảnh: xuồng của cảnh sát biển Philippines đến gần các tàu dân quân Trung Quốc neo đậu ở vùng biển tranh chấp (Ảnh: AP).

Giới quan sát cho rằng tranh chấp trên biển với Trung Quốc khiến Philippines tiếp tục hoãn chấm dứt VFA với Mỹ. Trong ảnh: xuồng của cảnh sát biển Philippines đến gần các tàu dân quân Trung Quốc neo đậu ở vùng biển tranh chấp (Ảnh: AP).

Tuy nhiên, với cuộc bầu cử Tổng thống Philippines sắp diễn ra vào tháng 5 năm tới, chính sách đối ngoại của ông Duterte chắc chắn sẽ chịu áp lực lớn hơn do các tranh chấp đang diễn ra ở Biển Đông và sự can dự tích cực của Mỹ vào các vấn đề khu vực.

Quyết định tạm hoãn lần này được đưa ra vào thời điểm quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc đang căng thẳng do tranh chấp ở Biển Đông. Mỹ vào tuần trước đã thông báo rằng Philippines sẽ trở thành một trong những quốc gia mà Mỹ đã viện trợ hàng triệu liều vaccine COVID-19.

Bài báo của Deutsche Welle viết, dân chúng Philippines phản đối việc Trung Quốc tiếp tục xâm chiếm khu vực đang có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Vào ngày 12/6, ngày Độc lập của Philippines, một số tổ chức dân sự địa phương đã kêu gọi hàng nghìn người tập trung trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Philippines, yêu cầu các tàu Trung Quốc rời Biển Tây Philippines (Biển Đông).