Drone quân sự Trung Quốc đang đặt toàn khu vực vào chỗ “rủi ro” như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sức mạnh máy bay không người lái ngày càng tăng và việc Trung Quốc tập trung phát triển drone quân sự đang khiến nhiều nước láng giềng quan ngại.
Mẫu drone Wing Loong của Trung Quốc (Ảnh: SCMP)
Mẫu drone Wing Loong của Trung Quốc (Ảnh: SCMP)

Quân bài chiến lược mới

Cuối tháng 8 vừa qua, nhiều drone quân sự Trung Quốc bị phát hiện ở khu vực gần Nhật BẢn, khiến Tokyo triển khai nhiều chiến đấu cơ để điều tra các hoạt động của chúng. Đi cùng với các drone này là một chiếc máy bay tuần tra hàng hải Shaanxi Y-8Q và một chiếc máy bay tình báo điện tử Shaanxi Y-9JB; theo giới chức Nhật Bản.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng không phải nước duy nhất phát triển và triển khai drone trong khu vực. Tháng 5 năm nay, Mỹ đã điều chuyển tạm thời 2 chiếc drone MQ-4C Triton từ đảo Guam tới căn cứ Misawa ở miền Bắc Nhật Bản – hoạt động chưa từng có tiền lệ của quân đội Mỹ kể từ khi các drone này được triển khai tới Guam hồi đầu năm ngoái.

Và theo như một báo cáo hồi cuối tháng 8 đăng tải trên tờ Asahi của Nhật, Tokyo đã quyết định thêm nhiều drone vào lực lượng bảo vệ bờ biển của họ để tăng cường khả năng quản lý các vùng biển thuộc chủ quyền của Nhật Bản.

2 chiếc drone MQ-4C Triton của Mỹ, do hãng Northrop Grumman chế tạo (Ảnh: Handout)

2 chiếc drone MQ-4C Triton của Mỹ, do hãng Northrop Grumman chế tạo (Ảnh: Handout)

Nhật Bản trong năm nay cũng bắt đầu kế hoạch phát triển một hệ thống chống drone, với mục tiêu ngăn chặn các cuộc tấn công bằng drone nhờ vào các vũ khí laser lắp đặt trên phương tiện di chuyển vào năm 2025.

Sự tập trung vào công nghệ drone đã thêm phần bất ổn cho mỗi quan hệ giữa Trung Quốc, Nhật BẢn và Mỹ, vốn đã căng thẳng do các tranh chấp chủ quyền giữa Tokyo và Bắc Kinh ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, cũng như quan hệ quốc phòng giữa Tokyo và Washington, đối thủ chiến lược lớn nhất của Trung Quốc.

Timothy Heath – chuyên gia an ninh cấp cao thuộc tổ chức Rand Corporation – nói rằng Trung Quốc có khả năng sẽ triển khai thêm nhiều máy bay không người lái trong tương lai bởi sự linh hoạt của chúng, trong khi rủi ro thấp, mang lại được nhiều lợi ích về quân sự và chính trị.

“Drone đặc biệt hữu dụng ở những khu vực mà trong đó sự tổn thất một thành viên của quân đội Trung Quốc (PLA) có thể gây nên một cuộc khủng hoảng – ví dụ như, cái chết của một phi công PLA trong lúc đang làm nhiệm vụ ở không phận tranh chấp gần Đài Loan, Nhật Bản hay Biển Đông có thể gây ra một cuộc khủng hoảng” – ông Heath nói.

Cũng theo Heath, một chiếc drone, không giống như con người, có thể hữu dụng hơn về mặt chính trị bởi nó có thể được giảm nhẹ tầm quan trọng hay làm căng vấn đề lên, tùy theo ý định của Trung Quốc.

“Những bầy drone đông đảo có thể đẩy các đối thủ của Trung Quốc vào chỗ tiến thoái lưỡng nan. Nếu như họ tha thứ cho hành động này, họ coi như đã trao cho Trung Quốc quyền được áp đặt sự hiện diện ở các vùng biển tranh chấp và cho phép cái có thể gọi là “sự hiện diện thường xuyên” của Trung Quốc. Nhưng nếu họ lựa chọn tấn công, họ không chắc Trung Quốc sẽ đáp trả như thế nào” – theo Heath.

Vị chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng drone ở các nước nằm dọc “Vành đai và Con đường”, nơi mà các lợi ích kinh tế của Trung Quốc chịu rủi ro từ những cuộc xung đột bên trong những nước đó.

Nghiên cứu drone và cả cách chống drone

Trung Quốc hiện là một nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới, và drone chính là một mặt hàng tiềm năng mà họ xuất khẩu sang nhiều nước. Một nghiên cứu về xuất khẩu drone của Trung Quốc, được viết bởi các nhà nghiên cứu đến từ ĐH Pennsylvania và Texas A&M cho thấy 18 quốc gia, trong đó có Pakistan, đã mua drone vũ trang của Trung Quốc trong khoảng thời gian 2011 – 2019.

Các mẫu drone quân sự của Trung Quốc như Wing Loong – Thằn lằn bay – có thể bay với vận tốc 370 km/giờ và ở độ cao tối đa 9.144 m, trong khi mang theo được hàng chục tên lửa.

Trung Quốc không chỉ tích cực phát triển drone, mà họ còn nghiên cứu cả cách để chống lại drone; theo như tiết lộ của Tổng công ty Đóng tàu nhà nước Trung Quốc đưa ra hồi năm ngoái khi công bố bản đánh giá về sức mạnh của drone trong cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan.

Ridzwan Rahmat – chuyên gia phân tích quốc phòng tại tạp chí quốc phòng Janes – cho hay drone rất hữu dụng trong các nhiệm vụ do thám quân sự kéo dài, một hoạt động rất dễ bị ảnh hưởng bởi lỗi của con người. “Việc triển khai drone sẽ giúp giảm lỗi của con người trong hoạt động này, làm tăng độ hiệu quả và chính xác của các nhiệm vụ do thám”, Rahmat nhận định.

Nguy cơ từ drone của Trung Quốc

Trong lúc ngày càng có thể nhiều drone tham gia “trò chơi quyền lực”, và quyết tâm của Trung Quốc trong việc bảo vệ các lợi ích quốc gia, giới chuyên gia cho rằng toàn bộ khu vực sẽ chịu rủi ro bất ổn.

Heath cho rằng quyết tâm thay đổi hiện trạng của Trung Quốc bằng chiến lược “Vùng xám” sẽ khiến cho các nước láng giềng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đầu tư để tăng cường khả năng chống lại sự hiện diện cũng như khả năng quân sự của Trung Quốc. “Hậu quả là một cuộc chạy đua vũ trang và tình trạng căng thẳng trong khu vực”, vị chuyên gia nhận định.

Grant Newsham – chuyên gia nghiên cứu thuộc Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản – nói rằng các drone quân sự của Trung Quốc sẽ khiến nhiều quốc gia khác báo động.

“Drone sẽ được triển khai như một phần của chiến lược “gây rối” mà họ từng áp dụng với các lực lượng phòng vệ của Nhật Bản đang bảo vệ lãnh thổ ở các đảo Nansei Shoto phía Nam và biển Hoa Đông” – Newsham nói – “Hành vi hung hăng của Trung Quốc nhằm áp đảo và chiếm lãnh thổ của nước khác đã được nhiều nước trong khu vực xác nhận. Drone chỉ là một công cụ khác mà Trung Quốc sử dụng để thực hiện chiến lược hung hăng đó”.