Đồng USD mạnh làm dấy lên lo ngại về 'núi nợ' ở châu Á

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng ở Philippines, Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan trở nên 'đắt đỏ' hơn trong bối cảnh đồng tiền của các quốc gia này trượt giá mạnh so với đồng USD.

Sự mất giá của các đồng tiền ở khu vực châu Á so với USD đã làm dấy lên nhiều quan ngại trên thị trường tài chính toàn cầu về gánh nặng nợ đang tăng ở nhiều quốc gia trong khu vực.

Nhiều quốc gia châu Á đang tăng lãi suất với nhịp độ thấp hơn so với Mỹ. Điều này, kết hợp với thế cân bằng thương mại đang bị suy giảm, đã khiến cho một số đồng tiền của châu Á trượt giá 10% so với đồng bạc xanh tính từ cuối tháng 3 đến nay.

Đồng won của Hàn Quốc đã trượt giá 17% so với đồng USD trong khoảng thời gian 7 tháng qua. Đồng peso của Philippines trượt giá 12%. Đồng rupee của Ấn Độ giảm 10%, xuống dưới cả mức khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997.

Để đối phó với sự biến động của VND, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng nới biên độ tỷ giá từ ±3% lên ±5%.

Chính phủ và doanh nghiệp ở các nền kinh tế mới nổi thường nhận các khoản nợ dưới dạng USD hay các loại ngoại tệ khác. Tổng nợ ở Hàn Quốc, Ấn Độ và Thái Lan có tới 70% dư nợ vay là bằng đồng ngoại tệ, theo dữ liệu của World Bank và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Ở Philippines, tỷ lệ này là 97%.

Khoản nợ bằng ngoại tệ thường chiếm tỷ lệ cao hơn so với khoản nợ bằng đồng tiền trong nước, bởi nó thường có lãi suất thấp hơn. Trên hết, khoản nợ bằng ngoại tệ sẽ có khả năng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hơn vì họ sẽ giảm bớt rủi ro tỷ giá.

Các quỹ được huy động bằng cách phát hành nợ thường được chuyển đổi sang đồng nội tệ. Nhưng khi đến lúc phải thanh toán nợ, đồng nội tệ cần phải được chuyển đổi ngược lại đồng ngoại tệ. Nếu đồng nội tệ bị suy yếu, chính phủ hay công ty cần phải chi thêm đồng nội tệ để thanh toán nợ.

Giữa lúc có nhiều lo ngại về các khoản nợ sẽ phồng lên, các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng cũng tăng. Đây chính là thước đo mức độ quan ngại về nguy cơ không thể thanh toán nợ.

Chi phí hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) 5 năm đối với trái phiếu chính phủ đã bắt đầu tăng. CDS của Philippines và Indonesia ở mức 1,3% và 1,4% theo thứ tự, gần gấp đôi so với thời điểm cuối tháng 3 năm nay và đạt mức cao chưa từng thấy trong vòng 2 năm rưỡi.

CDS đối với trái phiếu chính phủ Hàn Quốc đã đạt 0,7%, mức cao nhất kể từ tháng 11/2017.

Chi phí CDS đối với nợ doanh nghiệp cũng tăng. Mức phí hoán đổi rủi ro tín dụng đối với 40 công ty châu Á bên ngoài Nhật Bản đã đạt mức cao nhất trong vòng 11 năm, 2,3%.

“Các nhà đầu tư đang tỏ ra thận trọng trước tình trạng suy giảm uy tín tín dụng, do nhiều đồng tiền trượt giá,” Toru Nishihama, trưởng kinh tế gia đến từ Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life, nói.

Các thị trường vốn cổ phần ở châu Á đã trở nên ì ạch một cách rõ ràng. Chỉ số MSCI ex Japan giảm 28% so với thời điểm cuối năm 2021. Trong khi chỉ số MSCI thế giới giảm 18%.

Khi xu hướng giá cổ phiếu như vậy kết hợp với các khoản thanh toán nợ tăng cao, nhiều công ty sẽ ít được tiếp cận với các nguồn vốn để đầu tư cho tăng trưởng.

Đối với các nhà đầu tư giao dịch các loại tài sản bằng đồng USD, sự giảm giá của các đồng tiền châu Á tương đương với việc lợi nhuận bằng đồng USD của họ bị giảm.

“Nếu một đồng tiền được dự báo sẽ trượt giá, các nhà đầu tư sẽ giảm mong muốn đầu tư vào các mã chứng khoán ở nước đó do lo ngại thua lỗ,” Kota Hirayama đến từ SMBC Nikko Securities, cho hay.

Do châu Á là một trung tâm sản xuất toàn cầu, các đồng tiền của khu vực suy yếu thường sẽ dẫn tới xuất khẩu tăng và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng. Nhưng những đợt nâng lãi suất trên toàn thế giới đã làm dấy lên quan ngại về một cuộc suy thoái, có thể ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.

Ở Trung Quốc, đối tác thương mại lớn của một số quốc gia, các lệnh phong tỏa do COVID đã dẫn tới đà giảm kinh tế.

Các công ty công nghệ vốn nổi tiếng là dễ chịu ảnh hưởng bởi đà suy giảm kinh tế. Chỉ số Taiwan Weighted Index đã giảm 29% so với thời điểm cuối năm 2021. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc đã giảm 23% trong cùng giai đoạn.

Sức ép do sự trượt giá của các đồng tiền châu Á được tin là sẽ không thể kết thúc trong tương lai gần. Các thị trường giờ đang tập trung vào vấn đề dự trữ ngoại hối trên khắp khu vực châu Á. Dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc đã giảm khoảng 12% so với thời kỳ đỉnh điểm vào tháng 7 năm ngoái. Dự trữ ngoại hối của Ấn Độ, Indonesia và Malaysia giảm khoảng 10% so với mức đỉnh.

Dự trữ ngoại hối của Thái Lan đã giảm 30% so với đỉnh vào tháng 12/2020 và giảm 20% so với thời điểm cuối năm 2021. Có luồng ý kiến cho rằng đây là hậu quả từ việc Thái Lan can thiệp để bảo vệ đồng baht.

Dự trữ ngoại hối được dự báo là sẽ tiếp tục được duy trì ở một mức độ nhất định bởi các quỹ này cũng được sử dụng để thanh toán nợ nước ngoài.

“Lượng dự trữ này sẽ chỉ ở mức hạn chế trong một khoảng thời gian đủ dài, có thể được sử dụng để can thiệp,” Teppei Ino đến từ ngân hàng MUFG, nói.

Các thị trường tài chính châu Âu đang dần ổn định lại sau khi ông Rishi Sunak nhậm chức Thủ tướng Anh. Điều này có thể gây thêm sức ép đối với các đồng tiền của châu Á.

“Các nhà đầu tư có thể chuyển hướng tập trung về bán tháo từ châu Âu sang châu Á,” Eiichiro Tani đến từ Daiwa Securities, nói.

Theo Nikkei Asia