[ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN] Mỹ - Trung và cuộc đua song mã thống trị nền sản xuất toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nếu ví ngành sản xuất toàn cầu như Thế vận hội, thì Trung Quốc sẽ giành huy chương vàng hoặc huy chương bạc ở mọi bộ môn thi đấu. Nhưng cũng đừng bỏ qua những nỗ lực của Mỹ...

Các nhà sản xuất chip NVIDIA và AMD vừa cho biết giới chức Mỹ đã yêu cầu các công ty này ngưng xuất khẩu một số loại chip AI (trí tuệ nhân tạo) sang Trung Quốc.

Nếu không có chip từ NVIDIA và AMD, các doanh nghiệp Trung Quốc được cho là sẽ không thể phát triển các công nghệ phức tạp như nhận diện hình ảnh, giọng nói bằng AI một cách hiệu quả và tiết kiệm.

Theo Joseph Quinlan - chuyên gia chiến lược thị trường làm việc tại Merrill and Private Bank, Bank of America, và Lauren Sanfilippo - chiến lược gia đầu tư kỳ cựu của Bank of America, đã và đang có cuộc đua 'song mã' giành vị trí thống trị sản xuất toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bài dịch sau của VietTimes xin giới thiệu tới độc giả quan điểm của 2 chuyên gia này được đăng tải trên tờ Barron's.

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đang diễn ra với nhịp độ nhanh nhất từ trước đến nay (Ảnh: FT)

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đang diễn ra với nhịp độ nhanh nhất từ trước đến nay (Ảnh: FT)

Mỹ là một cường quốc chế tạo, nắm giữ những vị trí hàng đầu trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, từ sản xuất giấy cho tới dược phẩm. Đó là tin tốt. Còn tin xấu là ngành sản xuất của Trung Quốc có thể tiếp tục phát triển và vượt qua Mỹ ở một số lĩnh vực quan trọng như trang thiết bị điện tử, hóa chất và máy tính.

Kết luận này càng được củng cố khi tham chiếu với số liệu được nêu trong "International Yearbook of Industrial Statistics" (tạm dịch: Biên niên Thống kê Công nghiệp Quốc tế) của Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Trung Quốc đứng thứ nhất xét về tỷ lệ đóng góp cho sản lượng toàn cầu trong 16 trên tổng số 22 hạng mục chế tạo mà LHQ theo dõi, và đứng thứ hai trong 6 hạng mục khác. Các số liệu này được thống kê từ năm 2019 và là dữ liệu sẵn có mới nhất.

Trung Quốc tiếp tục thống trị các ngành công nghiệp nhẹ như dệt may, các lĩnh vực như sản xuất các loại kim loại cơ bản và thiết bị điện tử, các sản phẩm cấp cao hơn như máy tính và trang thiết bị vận tải. Khó có một lĩnh vực nào mà Trung Quốc không đóng góp ít nhất là 20% thị trường toàn cầu, trong khi thiết bị điện tử, kim loại cơ bản và máy tính của họ chiếm tới hơn 40%. Trong lĩnh vực dệt may, thêu và da, Trung Quốc đóng góp hơn một nửa.

Nếu ví ngành sản xuất toàn cầu như Thế vận hội, thì Trung Quốc sẽ giành huy chương vàng hoặc huy chương bạc ở mọi bộ môn thi đấu.

Ấn tượng hơn, và ngược hẳn với ngày nay, Trung Quốc từng đứng đầu chỉ ở 3 hạng mục trong năm 2000 – thuốc lá, dệt may và da. Trong vòng 2 thập kỷ, các chính sách công nghiệp nhà nước định hướng kết hợp với lao động giá rẻ, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đã làm biến đổi một nền kinh tế từng có thời tập trung vào nông nghiệp, lạc hậu thành một trong những nhà sản xuất xuất sắc của thế giới.

Bất chấp đại dịch Covid-19, vị thế của Trung Quốc trong ngành sản xuất vẫn rất vững chắc. Các chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng phân tán hơn và ít tập trung vào Trung Quốc hơn. Nhưng so sánh với phần còn lại của thế giới, không có nền kinh tế nào lại có lực lượng lao động có kỹ năng lớn cùng hệ thống cơ sở hạ tầng hiệu quả như Trung Quốc, hoặc đưa ra được những khoản trợ cấp nhà nước và khuyến khích nhiều hơn quốc gia này.

Cuộc đua 'song mã' Mỹ - Trung Quốc

Theo dữ liệu của LHQ, Trung Quốc chiếm 29% sản lượng sản xuất toàn cầu trong năm 2019, trong khi Mỹ chiếm 17%. Nhật Bản 8% và Đức 5%, lần lượt chiếm vị trí thứ ba và thứ tư.

Điều này cũng có nghĩa rằng cuộc cạnh tranh để giành thế thống trị sản xuất toàn cầu giờ chỉ còn 2 ứng viên là Mỹ và Trung Quốc. Đây là một cuộc đua song mã với tầm quan trọng chiến lược rất lớn.

Đất nước nào giành chiến thắng sẽ nhận được lợi thế lớn trong một số ngành công nghiệp chủ chốt, đứng ở vị trí đỉnh chóp để có thể thiết lập các tiêu chuẩn công nghiệp toàn cầu, và đảm bảo được chỗ đứng trên các thị trường thứ ba quan trọng như Ấn Độ, Trung Đông và châu Phi.

Nhiều nhà đầu tư đang cho rằng khả năng sản xuất của Mỹ hoặc là đã bị hao mòn hoặc đã bị chuyển sang nước ngoài. Nhưng thực tế không phải như vậy.

Mỹ là một cường quốc sản xuất. Trong số 22 hạng mục sản xuất được LHQ thống kê, Mỹ đứng thứ nhất ở 6 hạng mục và thứ hai ở 13 hạng mục khác, điều này cho thấy sức cạnh tranh của ngành sản xuất Mỹ. Chỉ trong 3 lĩnh vực – xe motor, may mặc và da – là Mỹ không đứng ở thứ hạng đầu hoặc hai. Trong khi đó, trong khoảng từ năm 200 – 2019, tỷ lệ đóng góp cho ngành sản xuất toàn cầu của Mỹ thực sự cao hơn nhiều trong một số lĩnh vực – bao gồm đồ uống, các sản phẩm giấy, và các sản phẩm dầu tinh chế. Sức mạnh của Mỹ trong lĩnh vực chế tạo bán dẫn, và tổng quan ngành sản xuất của Mỹ nhìn chung là khá khỏe mạnh.

Điều này cũng có nghĩa rằng, cuộc đua song mã còn lâu mới kết thúc.

Thế dẫn đầu của ngành sản xuất Trung Quốc hiện nay không phải là không thể vượt qua. Lực lượng lao động của Trung Quốc đã đạt đỉnh, lương đang tăng, và việc nước này thắt chặt hơn sự quản lý của nhà nước đối với các ngành công nghiệp cuối cùng có thể ảnh hưởng tới sức đổi mới và đà tăng trưởng sản xuất.

Nhớ lại thập kỷ 70 và 80, công nghiệp Mỹ hầu như rất mờ nhạt do đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng của Đức, và đáng chú ý nhất là Nhật Bản. Tuy nhiên, các công ty Mỹ đã thiết lập lại và giành lại thị phần trong những thập kỷ sau đó.

Các khu vực công và tư nhân của Mỹ đã 'bừng tỉnh' trước thách thức từ Trung Quốc và đang tập trung vào việc vực dậy các hoạt động sản xuất trong nước. Đạo luật CHIPs và Khoa học, và Đạo luật Giảm Lạm phát được thông qua mới đây chính là những chương trình khu vực công nhằm giải quyết vấn đề vị thế của Mỹ trong ngành sản xuất đang bị suy giảm.

Cũng cần có thêm các chính sách nhập cư tự do hơn để thu hút những lao động tốt nhất và có kỹ năng nhất tới Mỹ; sự tham gia tích cực hơn của phụ nữ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học; tái đào tạo và tăng cường kỹ năng cho lực lượng lao động Mỹ; tạo điều kiện tốt hơn cho những lao động trẻ tuổi trong hoạt động sản xuất; và đại tu lại hệ thống cơ sở hạ tầng đang xuống cấp của Mỹ, đặc biệt tập trung vào mạng 5G và trí tuệ nhân tạo.

Những khó khăn về chuỗi cung ứng xuất hiện mới đây đã cho thấy rõ rằng, sản xuất hàng hóa vật chất vẫn đóng vai trò chủ chốt đối với sức khỏe của nền kinh tế trong tương lai.

Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh các nguồn cung thực phẩm, trang thiết bị y tế, vũ trang, bán dẫn...đang khan hiếm và ngày càng trở thành mục tiêu của những người dân tộc chủ nghĩa.

Cuối cùng, việc tái tập trung vào hoạt động sản xuất của Mỹ vào thời điểm bây giờ là chủ chốt./.

Theo Barron's