[ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN] Một cú ‘hạ cánh mềm’ đã nằm ngoài tầm với...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ông Lawrence H. Summers – người đã cảnh báo từ sớm về hậu quả của các gói kích thích tài chính khổng lồ nhằm ứng phó tác động của đại dịch Covid-19 – tin rằng việc ‘hạ cánh mềm’ đã nằm ngoài tầm với của FED.

Mức lạm phát kỷ lục ở Mỹ và ‘bước nhảy’ lãi suất 0,75% của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang là tâm điểm bàn luận của giới tài chính toàn cầu và Việt Nam. Liệu Fed có giúp nền kinh tế Mỹ tránh được một cú ‘hạ cánh cứng’ như nhiều người lo ngại (!?).

Bài dịch dưới đây của VietTimes sẽ giới thiệu tới độc giả quan điểm của cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence H. Summers trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Barron’s.

Nhà kinh tế học Lawrence H. Summers (Lawrence Summers) chưa từng hùa vào cùng các nhà kinh tế học, các chiến lược gia đầu tư hay thành viên của Fed để cho rằng lạm phát cao sẽ chỉ là trạng thái tạm thời. Trái lại, ông đã cảnh báo từ sớm và liên tục nhấn mạnh rằng các gói kích thích tài chính và kích thích tiền tệ khổng lồ mà chính phủ Mỹ đưa ra nhằm phản ứng trước tác động của đại dịch Covid-19 sẽ gây ra hậu quả cho nền kinh tế.

Và ông đã đúng: Chỉ số lạm phát ở Mỹ tăng 8,6% trong tháng 5, cao nhất trong vòng 40 năm qua.

Ông Summers hiện là Giáo sư tại trường ĐH Charles W. Eliot, trực thuộc ĐH Harvard, cựu Bộ trưởng Tài chính dưới thời Tổng thống Bill Clinton, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Từ lâu đã lo lắng về tình trạng kinh tế đình trệ, đánh dấu bởi lạm phát thấp và đà tăng trưởng chậm chạp, Summers giờ quan ngại rằng nền kinh tế Mỹ sẽ có một cú “hạ cánh cứng” trong bối cảnh Fed đang cố gắng chống lạm phát.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence H. Summers (Ảnh: Barron's)

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence H. Summers (Ảnh: Barron's)

Ông đã đúng về lạm phát ngay từ lúc đầu. Làm sao ông có thể đưa ra nhận định đúng như vậy trong khi Fed và phần lớn các nhà kinh tế học Phố Wall sai lầm?

Tôi đã sử dụng một phương pháp rất trực quan. Tôi nhìn vào kích thước của khoảng cách sản lượng (output gap), hay sự thâm hụt của nền kinh tế so với mức sản lượng tiềm năng tối đa, và tôi nhìn vào mức độ kích thích đang được áp dụng.

Điều mà tôi thấy là sự thâm hụt của thu nhập bằng lương [cũng chính là sức mua của người lao động] chỉ khoảng 30 tỉ USD/tháng trong khi các gói kích thích tài chính lại lên tới 150 tỉ USD, thậm chí là 200 tỉ USD/tháng.

Tôi thấy sự dư thừa tiết kiệm ở mức lớn sẽ xảy ra trong năm 2021, cùng với đó là hệ quả của lãi suất thực ở mức âm, và việc Fed mở rộng bảng cân đối.

Tôi thực hiện một số tính toán để so sánh sự dư thừa của gói kích thích hiện nay với trong quá khứ, bao gồm cả giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.

Nếu nhìn lại quá khứ, gói kích thích lúc đó được áp dụng là quá ít. Nhưng gói kích thích hiện nay lại lớn gấp 5 lần so với năm 2008-2009, và không ai tin được rằng chúng ta lại nên có gói kích thích lớn gấp 5 lần thời điểm 2008-2009. Sau đó, tôi dự đoán sẽ có rủi ro, là trong môi trường hậu Covid-19, nguồn cung sẽ giảm [trong khi tổng cầu tăng do các gói kích thích]. Giữa các yếu tố cầu và cung, vốn củng cố lẫn nhau, lạm phát ở mức cao đáng kể là hoàn toàn có thể xảy ra.

Trước đại dịch, ông quan ngại về thiếu lạm phát và đà tăng trưởng dài hạn chậm chạp. Vậy điều đó ảnh hưởng thế nào tới quan điểm của ông về lạm phát?

Tôi bị ảnh hưởng bởi cái thực tế là tôi đã bỏ qua những báo động về lạm phát trong nhiều giai đoạn trước đây, khi mà một số người bảo thủ và người theo chủ nghĩa tiền tệ tỏ ra hết sức quan ngại về lạm phát.

Khi ông Ben Bernanke – cựu Chủ tịch Fed, khởi xướng nới lỏng định lượng (QE), hay kế hoạch mua trái phiếu với quy mô lớn trong năm 2009, ông ta đã bỏ qua khả năng lạm phát do chính các chính sách này gây ra. Chính tôi cũng đã bỏ qua những điều đáng lo đó.

Khi bà Janet Yellen – trên cương vị Chủ tịch Fed, đã phải nâng tỷ lệ lãi suất vào năm 2017, mà tôi cũng vẫn chưa nhận ra nguy cơ lạm phát.

Sau khi chính quyền phản ứng với đại dịch lần này, tôi mới bắt đầu nhận thấy mối đe dọa lạm phát mà chúng ta chưa từng thấy trong suốt 40 năm qua; nhận thấy tôi cũng chưa phải là người lúc nào cũng có thể nhận ra ngay nguy cơ lạm phát.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen mới đây nói rằng bà đã hiểu lầm về lạm phát. Liệu có phải vấn đề hiện tại của ta bắt nguồn từ nhiệm kỳ của bà ta ở Fed, hoặc là do người tiền nhiệm của bà, Ben Bernanke, hay không?

Có nhiều người tin rằng chúng ta đã trải qua giai đoạn nới lỏng tiền tệ quá đà kéo dài hàng thập kỷ, và rằng chính điều đó đã gây ra những vấn đề hiện tại. Tôi phản bác điều đó.

Theo tôi, cho đến tận lúc Covid-19 xảy ra, nền kinh tế vẫn ở trong tình trạng mà tôi cho là đình trệ trường kỳ (Secular Stagnation), khi mà số tiền tiết kiệm lớn hơn các khoản đầu tư một cách dai dẳng, có nghĩa rằng anh cần có tỷ lệ lãi suất rất thấp để giữ cho nền kinh tế vận hành và tăng trưởng. Rủi ro nếu có, chính là nguy cơ giảm phát. Tôi trông thấy một khoảng chênh lệch mà tôi không bao giờ có thể lượng hoá một cách chính xác, có lẽ là khoảng 4% - 5% giữa tổng tiết kiệm và tổng đầu tư. Vấn đề xuất hiện khi – trong lúc đối phó với đại dịch – chúng ta lại quyết định bơm những 12% GDP, hoặc hơn, trong các gói kích thích tài chính.

Ông luôn hoài nghi rằng Fed có thể tạo ra được một cú ‘hạ cánh mềm’, hay làm giảm lạm phát mà không gây ra suy thoái. Tại sao?

Đánh giá của tôi không phải là về khả năng điều hành của Fed. Mà nó là đánh giá về mức độ khó của nhiệm vụ này. Thực tế đáng buồn là khi anh có tỷ lệ thất nghiệp dưới 4% và lạm phát trên 4%, suy thoái bao giờ cũng xuất hiện chỉ trong vòng 2 năm.

Lịch sử cho thấy, khi lạm phát cao đáng kể, nền kinh tế thực khó tránh khỏi suy thoái. Chính sách tiền tệ thường có độ trễ, sau một khoảng thời gian từ 9 đến 18 tháng.

Tôi muốn so sánh vấn đề của Fed với sự khó chịu trong việc điều chỉnh cái vòi hoa sen trong một khách sạn cũ, nơi mà chúng ta bật nước lên mà phải 20 - 30 giây sau nước nóng mới bắt đầu ra. Rất khó để bạn tránh khỏi dòng nước lạnh tê tái. Anh bật nước nóng, chả có điều gì xảy ra, vậy anh phải vặn cho nóng hơn rồi đột nhiên, anh nhảy dựng lên và thoát ra khỏi dòng nước. Đó chính là kiểu vấn đề mà Fed đang gặp phải.

Báo cáo mới nhất về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã cho thấy rõ ràng lạm phát không đơn giản sẽ hạ xuống như mong muốn. Chắc chắn nền kinh tế sẽ có một khoản thời gian trì trệ – tỷ lệ thất nghiệp tăng và đà tăng trưởng GDP giảm – mới có thể khiến cho lạm phát – hiện đang trên 8% và tiếp tục tăng – giảm xuống mức có thể chấp nhận được.

Trụ sở FED. (Ảnh: Internet)

Trụ sở FED. (Ảnh: Internet)

Khả năng Fed nâng mục tiêu lạm phát 2% lên mức cao hơn, để kết thúc việc thắt chặt tiền tệ sớm hơn, nhằm có pha hạ cánh mềm, là bao nhiêu?

Fed đã đặt cược vào mục tiêu lạm phát 2%. Nói thẳng ra, trước đây tôi chưa từng nghĩ rằng việc đặt ra một mục tiêu bằng con số là khôn ngoan. Tôi vẫn thích kiểu cam kết mang tính định tính về bình ổn giá hơn. Nhưng đó là trước đây, lâu rồi. Còn bây giờ tôi cho rằng nên tránh xa nó, bởi trong bối cảnh hiện nay rất khó đạt được điều đó. Bởi vậy, ở thời điểm này, tôi sẽ không tán thành việc từ bỏ mục tiêu 2%.

Ông vẫn luôn chỉ trích khung làm việc mới của Fed về mục tiêu lạm phát trung bình. Đó có phải thứ ẩn đàng sau vấn đề hiện tại?

Tôi cho rằng khung làm việc năm 2020 đã có vấn đề ngay từ lúc nó được công bố. Nó dường như là một phản ứng trước một tập hợp những điều kiện trì trệ trường kỳ vốn đã xảy ra ở thời điểm đó.

Suy nghĩ trường kỳ của ngân hàng trung ương là điều mà cựu Chủ tịch Fed William McChesney Martin từng ví von như thể đá bát rượu đi ngay khi buổi tiệc vừa mới bắt đầu. Tôi lo ngại rằng khung làm việc mới của Fed giống như kiểu bát rượu sẽ đổ tự do vào cốc mọi người cho đến khi anh trông thấy người ta quay cuồng vì say.

Tại sao tôi nói vậy?

Đầu tiên, họ nói rằng họ cảm thấy hài lòng với mức lạm phát trên 2% bởi trước đây chưa từng đạt được mục tiêu đó. Thứ hai, họ nói rằng họ sẽ hạn chế chính sách không chỉ dựa trên mức lạm phát được dự đoán, mà còn để phản ứng với mức lạm phát mà họ đã và đang nhìn thấy. Thứ ba, họ nói rằng ngay cả khi họ thấy lạm phát, họ sẽ không có động thái gì trừ khi họ bị thuyết phục rằng nền kinh tế toàn dụng lao động (Full Employment). Ba bước đi này được đưa ra cùng nhau dường như là một toa đưa nền kinh tế đến chỗ "quá nóng". Khá chắc, chỉ trong vòng 2 năm, đó là điều chúng ta có.

Ảnh: THX/TTXVN.

Ảnh: THX/TTXVN.

Vậy đâu là con đường tốt nhất nếu như cơ chế để giải quyết lạm phát hiện tại không có tác dụng?

Có một cụm từ mà con cái tôi hay dùng: TMI (too much information), hay quá nhiều thông tin. Đó là ý tưởng mà các ngân hàng trung ương có thể muốn áp dụng để thêm thắt vào tiết mục của họ, Fed nên tập trung hơn vào một kế hoạch khiêm tốn sát hơn với các mục tiêu về bình ổn giá và toàn dụng lao động, khi đối mặt với những con số đang biến đổi.

Họ nên tránh đưa ra những ý tưởng chung chung về định hướng thị trường tiền tệ (Forward Guidance), điều mà tôi cho rằng là một trong số những ý tưởng học thuật nghe thì rất cao nhã song không có bao nhiêu tác dụng thực tiễn, bởi các ngân hàng trung ương không và không thể biết được điều mà họ sẽ làm trong tương lai. Bởi vậy mà phần lớn các định hướng thị trường tiền tệ kiểu này là nực cười.

Thị trường không tin tưởng những định hướng, thế nên "định hướng" không tạo được hiệu ứng tích cực khi được phát đi. Mà khi đã phát phát đi, anh sẽ cảm thấy căng thẳng khổ sở để ứng xử nhất quán với "định hướng", bởi vậy mà chính "định hướng" lại khiến anh chệch hướng con đường tối ưu.

Làm thế nào để Fed phục hồi lại niềm tin mà họ đã để mất trong những năm gần đây?

Như một câu đùa thường thấy, dự báo là điều rất khó, đặc biệt là dự báo tương lai. Và mặc dù dự báo của tôi về lạm phát cách đây 1 năm là khá đúng, nhưng tôi vẫn từng đưa ra vô số dự báo sai trong cuộc đời của mình. Tôi nghĩ đó là điều quan trọng để nhận thức được độ khó trong nhiệm vụ này.

Sẽ thật giá trị khi Fed xem lại quy trình lập mô hình và dự báo của họ. Một số kỹ thuật được sử dụng trong những bối cảnh khác, như việc sử dụng phương pháp "hợp tác đối kháng" (Adversarial Collaboration) khi mà các đội ngũ khoa học khác nhau đánh giá những giả thuyết khác nhau và đưa ra kết luận cho những giả thuyết đó, cần phải được đảm bảo kỹ lưỡng. Lỗi lầm của Fed nằm ở phần lỗi đáng kể mà cộng đồng chuyên gia dự báo đều chỉ ra. Trong 6 hoặc 8 tháng đầu tiên của năm 2021, có một sự nhất trí đáng kể về điều mà Fed đã nói, vậy nên việc hiểu những mô hình lỗi là quan trọng. Sau đó, Fed cứ bám lấy luận điểm cho rằng lạm phát chỉ là nhất thời, để rồi sau đó bị cộng đồng dự báo tẩy chay.

Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nói rất thật về việc Fed hiểu ít như thế nào về việc thắt chặt định lượng, hay thu hẹp bảng cân đối kế toán, trong khi họ đảo ngược một phần gói QE. Ông dự đoán kết quả sẽ ra sao?

Không thể biết được. Và khi anh không biết nhiều về vị trí mà mình đặt chân lên, thì tốt nhất là nên giẫm nhẹ thôi. Tôi khá ấn tượng về một bản nghiên cứu mà tôi bắt gặp, mà trong đó nói rằng các nhà nghiên cứu tại các ngân hàng trung ương thường thấy nới lỏng định lượng hiệu quả hơn so với góc nhìn của các chuyên gia bên ngoài, và những chuyên gia nghiên cứu đó thường là được các ngân hàng trung ương trọng dụng.

Nghiên cứu đó cho tôi thấy rằng, xu hướng đó có thể sẽ đánh giá quá cao sức mạnh của nới lỏng định lượng hay thắt chặt định lượng, xét về tầm ảnh hưởng kinh tế.

Một trong những lý do mà bản năng của tôi mách bảo rằng chúng ta cần phải tăng tỷ lệ lãi suất chính là vì, tôi không cho rằng tầm ảnh hưởng độc lập của thắt chặt định lượng sẽ lớn đến như vậy.

(Chú thích: Cuộc phỏng vấn này được thực hiện trước khi Fed tăng lãi suất 0,75% vào ngày 15/6. Barron’s đã tiếp xúc với Summers một lần nữa sau quyết định của Fed để xem phản ứng của ông ra sao)

Ông thấy động thái mới của Fed như thế nào?

Fed đang thể hiện sự quyết tâm. Tôi hiểu rằng quyết định tăng 0,75 điểm phần trăm là một bước đi chính sách đáng kể. Nhưng tôi vẫn không tin rằng Fed có một kế hoạch thực tiễn.

Tháng 3 vừa qua, tôi đã nói rằng biểu đồ Dot Plot của Fed (biểu đồ vạch ra triển vọng của các nhà hoạch định chính sách về việc lãi suất sẽ ở đâu trong tương lai) còn lâu mới sát thực tế. Mặc dù lần này nó đã được điều chỉnh đáng kể, nhưng đáng tiếc là tôi vẫn cho rằng nó không sát thực tế.

Tại sao người ta lại có thể nghĩ rằng lạm phát sẽ giảm từ khoảng 8% xuống còn khoảng 2%, mà trong khi tỷ lệ thất nghiệp lại không tăng lên trên mức ước tính của Fed?

Tôi đoán rằng lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp và lãi suất sẽ cao hơn so với mức dự báo.

Tôi nghĩ rằng động thái tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm chỉ là một nước đi mà Fed mong muốn để phục hồi lại uy tín của họ, tôi không cho rằng Fed có thể tự giúp mình bằng đề án hay tuyên bố mới mà họ đưa ra. Chúng ta vẫn đang hướng đến một cú “hạ cánh cứng”.

Xin cảm ơn ông