[ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN] 'Lá bài' khí đốt của Nga sẽ làm cả Châu Âu ớn lạnh?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Ngay cả khi đang hứng chịu một đợt nắng nóng của mùa hè, khả năng Nga cắt nguồn cung khí đốt có thể khiến toàn nước Đức phải ớn lạnh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AsiaTimes)
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AsiaTimes)

Những đặc điểm địa lý và lịch sử, vô tình hay hữu ý, đã giúp hình thành 'phương trình khí đốt' giữa Nga và nhiều nước thành viên khối Liên minh châu Âu (EU).

Thông qua các đường ống dẫn, một bên có được nguồn khí đốt dồi dào, ổn định để chống chọi lại mùa đông khắc nghiệt. Đổi lại, phía bên kia cũng thu về hàng tỉ USD ngoại tệ từ việc bán khí hoá lỏng.

Nhưng mối quan hệ ấy đã ngưng lại kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xung đột với Ukraine. Trong khi các nhà lãnh đạo EU ra sức tìm kiếm nguồn cung để thay thế nguồn khí đốt từ Nga, thời gian không chờ đợi họ, nhất là khi một mùa đông khắc nghiệt nữa đang chờ đón lục địa già.

Theo Margarita M. Balmaceda - giáo sư tại Trường ngoại giao và quan hệ quốc tế thuộc Seton Hall University, Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đã đạt được mục tiêu khiến Châu Âu phải hoảng sợ vì thiếu hụt nguồn cung khí đốt.

Bài dịch của VietTimes sẽ giới thiệu tới độc giả quan điểm của Margarita M. Balmaceda về nội dung này.

Đúng 6h sáng ngày 11/7 (theo giờ Berlin), công tác bảo trì đường ống dẫn dầu Nord Stream 1 bắt đầu. Đây là đường ống dẫn cung cấp hơn một nửa nhu cầu khí tự nhiên cho nước Đức.

Công tác bảo trì dự kiến sẽ kết thúc vào 6h00 sáng ngày 21/7. Công việc này diễn ra định kỳ 2 năm/lần và bình thường thì không chẳng có lý do gì phải lo ngại.

Đường ống dẫn Nord Stream 1 cần phải được làm rỗng trước quá trình bảo trì. Thông thường, một lượng khí đốt đủ lớn cần phải được dự trữ sẵn trong kho chứa trong những dịp như vậy. Nhưng mọi chuyện giờ đã khác.

Không chỉ nhiều cơ sở dự trữ không được lấp đầy sau mùa đông 2020-2021, mà cả cơ sở ở Rehden ở Đức – thuộc sở hữu của Tập đoàn dầu khí nhà nước Nga Gazprom – cũng gần như trống rỗng. Với lượng khí đốt dự trữ quá thấp, nhiều người quan ngại về điều sẽ xảy ra một khi Gazprom quyết định không cung cấp khí đốt thông qua đường ống dẫn Nord Stream 1 nữa.

Trớ trêu thay, quá trình bảo dưỡng được bắt đầu đúng 1 năm sau khi Mỹ và Đức ký một thỏa thuận ủng hộ việc hoàn thành đường ống dẫn Nord Stream 2.

'Lá bài' khí đốt của Nga

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine hiện nay đang gây tình trạng bất ổn chính trị và kinh tế trầm trọng ở Sri Lanka, nơi mà giá thực phẩm và nhiên liệu đã khiến người dân bất bình và phản đối chính phủ của họ.

Và Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như cũng đang áp dụng cách thức tương tự đối với châu Âu.

Điều này không phải là chưa từng có tiền lệ. Năm 2007, sau khi có kế hoạch sửa chữa khẩn cấp nhánh đường ống dẫn dầu của Druzhba nhánh nằm trên lãnh thổ Lithuania, hãng điều hành đường ống dẫn dầu của Nga, Transneft, đã quyết định không sử dụng nhánh đường ống này nữa.

Trong tháng 6/2022, Nga đã giảm lượng cung khí đốt thông qua đường ống Nord Stream, đầu tiên là 40% và sau đó là 60% so với lượng thường thấy, trong khi không tăng lượng cung thông qua các đường ống khác, ví dụ như thông qua Ukraine. Nhiều người ở Đức lo ngại rằng đường ống này sẽ không bao giờ được lấp đầy lần nữa, sau khi công tác bảo trì hoàn tất.

“Trò chơi” này dường như đang diễn ra ở Liên minh châu Âu (EU) sau khi Nga tấn công toàn lực vào Ukraine. Ai sẽ thua trước? Ai sẽ thất thủ trước? Liệu EU sẽ tự ngừng mua khí đốt của Nga, hay Nga sẽ ngừng cung cấp cho EU trước?.

Mặc dù một số nước thành viên EU như Ba Lan và Lithuania đã tự nguyện ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga, nhưng Đức lại ở trong một tình huống khác. Trong năm 2011, 32% tổng nguồn cung khí đốt của Đức là mua từ Nga. Trong năm 2021 – ngay cả sau khi Crimea trở lại một phần lãnh thổ Nga, và Moscow hứng nhiều đòn trừng phạt – con số này vẫn tăng lên 52% thay vì giảm đi, theo dữ liệu của tờ Handelsblatt.

Vậy làm thế nào mà Đức lại rơi vào tình trạng phải phụ thuộc vào chỉ một nhà cung ứng và chỉ một cách vận chuyển khí đốt như vậy (!?). Điều này là bởi vì sự hấp dẫn khi tham gia vào các chuỗi cung ứng năng lượng của Nga.

Mua khí đốt của Nga, sau đó được phân phối tới Đức một cách trực tiếp thay vì gián tiếp – ví dụ như thông qua Ukraine – là dịch vụ quá hấp dẫn đối với nhiều nước.

Nó đủ sức để lôi cuốn bất cứ ai, từ các chính trị gia cho tới chính quyền địa phương nằm trong các khu vực sát với đường ống dẫn, và các công ty của Đức cũng như châu Âu đều được hưởng lợi nhuận nhờ là thành viên của liên doanh Nord Stream AG.

Nó thậm chí còn quá hấp dẫn đối với cả một số nhà lãnh đạo chủ trương theo đuổi năng lượng xanh, những người coi khí tự nhiên (và khí đốt mà Nga cung cấp) như một cây cầu nối giữa than đá/dầu khí tạo lượng lớn khí thải hướng tới một hệ thống năng lượng tái sinh của tương lai.

Tất cả những người đó giờ như bừng tỉnh trước những mối nguy hiểm do sự phụ thuộc năng lượng vào nước Nga.

Trên cả những mối quan ngại của họ, có một số điều cần phải ghi nhớ. Đầu tiên, ngay cả những kế hoạch khẩn cấp tốt nhất nhằm đối phó với khả năng Nga ngừng nguồn cung – chủ yếu là phân phối theo nhu cầu, và chuyển mức giá bị đội lên sang các khách hàng đầu cuối – vẫn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Nếu chính phủ Đức không nhanh chóng đối phó với những rủi ro đó, sẽ có rủi ro xảy ra xung đột xã hội thực sự với tác động rất nghiêm trọng.

Thách thức khó khăn nhất đến từ các ngành công nghiệp. Mặc dù thay thế khí tự nhiên bằng điện trong sản xuất là điều khá dễ dàng, nhưng thay thế được tính năng của khí tự nhiên trong công nghiệp. Các ngành công nghiệp Đức tiêu thụ 37% tổng lượng khí tự nhiên của nước này, một số tính năng của khí đốt không thể đơn giản là được thay thế bằng điện bởi sử dụng điện sẽ cần các biện pháp sản xuất khác.

Chính xác là các ngành công nghiệp sẽ là bên thua lỗ nếu như Nga đột ngột ngừng nguồn cung khí đốt. Ví dụ, tập đoàn hóa chất BASF tiêu thụ 4% tổng lượng khí đốt của Đức. Nó chủ yếu sử dụng khí đốt trong các quy trình công nghiệp như xử lý ở nhiệt độ cao để biến dầu thô thành các chất hóa học, ngoài ra cũng sử dụng khí đốt như một nguyên liệu thô để sản xuất Ammoniac và Acetylene – dùng để chế tạo các sản phẩm nhựa và phân bón.

Khả năng Nga sẽ không khởi động lại nguồn cung ứng khí đốt thông qua đường ống dẫn Nord Stream 1 đang gây ra nỗi quan ngại lớn trong những ngày này ở Đức. Thậm chí không cần dùng tới cụm từ “Nga” hay “khả năng ngừng nguồn cung khí đốt” – thì những cụm từ này đã sẵn trong tâm trí mọi người.

Ngay cả khi đang hứng chịu một đợt nắng nóng, khả năng Nga cắt nguồn cung khí đốt cũng vẫn khiến toàn nước Đức phải ớn lạnh.

Sự bất trắc và hoang mang này chính xác là điều mà ông Putin mong muốn tạo ra ở châu Âu. Bởi vậy, ngay cả khi nguồn cung được tái khởi động vào ngày 21/7 tới như dự kiến, thì châu Âu đã hứng tổn thất rồi. Bởi vậy, mục tiêu của ông Putin đã đạt được./.

Theo Barron's