Tuy nhiên, trải qua hai năm tập đoàn của tỉ phú Thái Lan tiến hành các bước đi, thị trường tài chính và tình hình đầu tư FDI ở Việt Nam bị tác động mạnh.
|
Việc BeerCo tiến hành mua lại số cổ phần của Vietnam Berevage chỉ là một hình thức kỹ thuật để chuyển khoản đầu tư trước đây cho các cổ đông trong nước đứng tên. Ảnh minh họa Sabeco |
Điều chỉnh của một doanh nghiệp làm thay đổi thị trường
Khi Sabeco tiến hành bán hơn 53% số cổ phần nhà nước và giới hạn tỉ lệ sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp ở mức 49% vào năm 2017, Tập đoàn ThaiBev lúc đó đã thành lập Công ty TNHH Vietnam Berevege với 49% cổ phần nước ngoài, phần còn lại do các cổ đông trong nước đứng tên để trở thành doanh nghiệp nội mua cổ phần Sabeco.
Sau đó hơn một năm, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) chấp thuận nới tỉ lệ sở hữu nước ngoài tại Sabeco lên mức 100%.
Tháng 12-2018, UBCKNN không hạn chế tỉ lệ đầu tư nước ngoài tại Sabeco và chấp thuận cho doanh nghiệp điều chỉnh tỉ lệ nhà đầu tư nước ngoài từ 49% lên 100% thì Thaibev (thông qua công ty Beerco Limited - Hồng Kông, công ty con do ThaiBev sở hữu 100% vốn) tiến hành mua lại toàn bộ 51% số cổ phần do người Việt đứng tên tại Vietnam Beravege (giá trị vốn góp là 3,85 tỉ đô la) để chuyển Vietnam Beravege thành công ty 100% vốn nước ngoài. Và doanh nghiệp này hiện là cổ đông chi phối tại Sabeco so với tỉ lệ 36% vốn của nhà nước tại doanh nghiệp.
Lẽ ra Bộ Công Thương nên giải thích rõ điều này tại cuộc họp báo Chính phủ cách đây vài ngày, để cho dư luận hiểu rõ quy trình mua lại cổ phần Sabeco của công ty Hồng Kong, khiến cổ đông lớn nhất là Vietnam Berevege thành công ty 100% vốn FDI, chứ không phải Sabeco thành công ty 100% vốn ngoại.
Việc BeerCo tiến hành mua lại số cổ phần của Vietnam Berevage chỉ là một hình thức kỹ thuật để chuyển khoản đầu tư trước đây của doanh nghiệp cho các cổ đông trong nước đứng tên, hạch toán dưới khoản cho vay trong thời gian quy định chưa cho phép, thành khoản đầu tư chính thức.
Tất cả các bước đi của doanh nghiệp đều khó có thể bắt bẻ gì. Nhưng cũng vì khả năng “áp” quy định của pháp luật một cách có lợi nhất của doanh nghiệp, thị trường tài chính của Việt Nam năm 2017 bị tác động rất mạnh khi khoản vay hợp vốn nước ngoài 3,85 tỉ đô của Vietnam Beravege tại các ngân hàng ngoại song lại bị tính vào nợ công của Việt Nam, khiến nợ công năm 2017 tăng vọt, chạm ngường 50% GDP. Nó khiến cho mức nợ nước ngoài của doanh nghiệp năm 2018 bị Chính phủ hạn chế chỉ được vay ở mức không quá 5,8 tỉ đô la.
Hay nói khác đi là doanh nghiệp trong nước muốn đi vay nợ nước ngoài phải lách qua khe cửa hẹp hơn, rà soát kỹ hơn từ Ngân hàng Nhà nước do khoản vay hợp vốn của Vietnam Beravege vẫn còn đứng đó dưới tên doanh nghiệp nội.
Thay đổi lớn đến đầu tư FDI nhưng không thực chất
Thứ hai là khi BeerCo thực hiện động tác mua lại số cổ phần của Vietnam Berevage, đăng ký tại Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội theo quy định của Luật Đầu tư đã khiến cho thống kê FDI 9 tháng đầu năm bị tác động mạnh qua những con số sau:
(1) vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp trong nước là 10,4 tỉ đô la, tăng 82,3% so với cùng kỳ năm 2018 nhưng là tăng trưởng không thực chất vì chỉ là nhà đầu tư “chuyển từ tay trái sang tay phải”.
(2) Hà Nội thành địa phương thu hút vốn đầu tư FDI lớn nhất qua 9 tháng với tổng số vốn đăng ký 6,15 tỉ đô la song thực chất cũng chỉ là thu hút đầu tư trên giấy vì thực chất cũng là xử lý số liệu như trên.
(3) Những e ngại hay đánh giá khả quan về tình hình góp vốn tăng mạnh của doanh nghiệp ngoại vào doanh nghiệp nội qua hình thức mua cổ phần, góp vốn do nhìn những số liệu thống kê trên cũng không có cơ sở, bởi như đã nói là doanh nghiệp trong cùng hệ sinh thái ThaiBev chuyển đổi vốn cho nhau. Còn thực chất, 9 tháng đầu năm, vốn đăng ký FDI cấp mới không có dự án lớn nào vượt quá 300 triệu đô la.
Góp vốn, mua cổ phần và chuyện rà soát quy định
ThaiBev thông qua BeerCo và Vietnam Berevage đã hoàn tất việc mua cổ phần Sabeco từ 2 năm nay nhưng với những tác động kéo dài và mang tính bị động cho thị trường tài chính/đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong suốt 2 năm qua, các cơ quan quản lý cần nhìn nhận đây như một ví dụ điển hình trong việc hoàn thiện đồng bộ các quy định của pháp luật về đầu tư, chứng khoán, quản lý ngoại hối theo hướng phân định rõ giữa đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp, thống nhất giữa các quy định pháp luật về mua bán, chuyển nhượng cổ phần, như Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng đầu tư nước ngoài đến 2030.
Nghị quyết này cũng yêu cầu rà soát, hoàn thiện các quy định khi doanh nghiệp FDI góp vốn, mua cổ phần, sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam.
Vì không chỉ có một trường hợp góp vốn, mua cổ phần như Sabeco vừa qua mà thực tế tại Thông tư 231/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) trên thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ công nhận doanh nghiệp FDI là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam có 100% vốn góp nước ngoài. Hoặc doanh nghiệp là quỹ thành viên, công ty chứng khoán riêng lẻ mà bên nước ngoài được sở hữu 49% vốn điều lệ cũng được công nhận.
Song tại Nghị định 01/2014 của Chính phủ về việc mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần thành lập tại Việt Nam với trên 49% vốn góp đã được gọi là doanh nghiệp FDI mà không cần 100% vốn ngoại như Thông tư 213.
Với những khái niệm doanh nghiệp nội - ngoại còn nhiều quy định khác nhau, thiếu rõ ràng như thế, khi thay đổi từ doanh nghiệp nội sang ngoại và ngược lại sẽ gặp nhiều lúng túng, ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính và toàn cảnh FDI tại Việt Nam, như vụ chuyển đổi cổ phần nội - ngoại tại Sabeco.
Theo TBKTSG