FDI vào Việt Nam tăng vọt nhờ thương vụ Beerco mua cổ phần Vietnam Beverage

VietTimes -- Số liệu thống kê của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy có sự gia tăng mạnh của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 2 tháng đầu năm 2019. Trong đó, thương vụ mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào công ty TNHH Vietnam Beverage (VietBev) với giá trị vốn góp là 3,85 tỷ USD, đóng góp tới hơn 45%.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo đó, tính đến ngày 20/2/2019, nguồn vốn FDI tăng mạnh ở cả 3 hợp phần là đăng ký cấp mới, điều chỉnh vốn và góp vốn cổ phần với tổng giá trị đạt 8,47 tỷ USD, tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Cụ thể, đối với hoạt động cấp mới, cả nước có 514 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới là 2,44 tỷ USD, tăng 75,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Về hoạt động điều chỉnh vốn, số liệu cho thấy có 176 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư theo hướng tăng thêm với giá trị đạt 854,8 triệu USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có sự gia tăng đột biến với tổng giá trị vốn góp là 5,17 tỷ USD, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ 2018 và chiếm 61% tổng vốn đăng ký.

Đáng chú ý, chỉ riêng thương vụ góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào Công ty TNHH Vietnam Beverage đã đóng góp tới 3,85 tỷ USD, với mục tiêu chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội. Được biết, Beerco Limited là một trong những công ty con do tập đoàn đồ uống nước ngoài là Thai Beverage PLC (ThaiBev) sở hữu 100% vốn.

Động thái góp vốn của Beerco Limited tại VietBev có liên quan đến hoạt động tái cơ cấu khoản nợ và lãi vay có giá trị lên tới gần 5 tỷ USD được ThaiBev dùng để tài trợ cho thương vụ thâu tóm cổ phần của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, Mã CK: SAB).

Tham vọng “Sabeco 4.0” của Thaibev: Thống lĩnh thị trường, bứt phá lợi nhuận

Việc chuyển đổi khoản vay giữa Vietnam Beverage và BeerCo giúp nợ nước ngoài của Việt Nam giảm 5 tỷ USD. Cần lưu ý rằng, khoản nợ này được tính vào nợ quốc gia nhưng Chính phủ không có nghĩa vụ phải trả.

Ngoài ra, trong 2 tháng đầu năm 2019, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 6,93 tỷ USD, chiếm 81,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 44 tỉnh thành phố, trong đó Hà Nội là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nhất với tổng số vốn đăng ký hơn 4 tỷ USD (chiếm 47,3%), TP. HCM đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký hơn 1 tỷ USD (chiếm 12% tổng vốn đầu tư).

Theo đối tác đầu tư, trong số 66 quốc gia và vũng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 4,3 tỷ USD, chiếm 51% tổng vốn đầu tư.

Trong 2 tháng đầu năm 2019, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 2,58 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2018. Đây cũng là mức tăng cao nhất của 2 tháng đầu năm trong vòng 3 năm trở lại đây cả về giá trị và tốc độ tăng.

Tính lũy kế đến ngày 20/02/2019, cả nước có 27.900 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 344,9 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 194 tỷ USD, bằng 56,2% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực./.