|
Năm 2014, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2013 của 249 doanh nghiệp thuộc 38 tập đoàn, tổng công ty (riêng 4 doanh nghiệp thuộc VTC còn kiểm toán báo cáo tài chính năm 2012); 3 chuyên đề.
Quản lý nợ thiếu chặt chẽ
Kết quả kiểm toán cho thấy, có 36/38 tập đoàn, tổng công ty kinh doanh có lãi năm 2013; 2 tổng công ty kinh doanh lỗ là TCT Thép Việt Nam - CTCP lỗ 222,43 tỷ đồng và TCT cổ phần Sông Hồng lỗ 4,42 tỷ đồng.
Các tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán có tổng tài sản, nguồn vốn tại thời điểm 31/12/2013 là 507.998 tỷ đồng. Nợ phải trả 264.671 tỷ đồng, chiếm 52,1% tổng nguồn vốn.
Qua rà soát, Kiểm toán Nhà nước cho biết, trong năm 2013 còn tình trạng nhiều Tập đoàn, Tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn. Cụ thể, TCT cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel có nợ phải thu quá hạn 1.960 tỷ đồng, chiếm 17,9% nợ phải thu. Tại TCT Vật liệu Xây dựng số 1 - TNHH MTV, Công ty mẹ có 318,5 tỷ đồng nợ quá hạn chiếm 41,64% nợ phải thu. Hay Công ty mẹ SONADEZI có 17,5 tỷ đồng nợ quá hạn, chiếm 52,17% nợ phải thu...
Nợ khó đòi tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (thuộc TCT Thép Việt Nam – CTCP) lên tới 594,87 tỷ đồng (chiếm 93% nợ phải thu); Công ty mẹ Tổng công ty Thép cũng có 54,9 tỷ đồng nợ khó đòi, chiếm 8,3% nợ phải thu. Khoản nợ khó đòi tại VEAM là 293 tỷ đồng, chiếm 18,87% nợ phải thu...
Một số đơn vị xóa nợ phải thu khi chưa đủ điều kiện, như Công ty mẹ - TCT Xây dựng Đường thủy - CTCP 1,26 tỷ đồng; Công ty VTC Dịch vụ truyền hình số 1,09 tỷ đồng.
Ngoài ra, Kiểm toán cũng chỉ ra, một số Tập đoàn, Tổng công ty còn trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định, chưa xây dựng và ban hành quy chế quản lý các khoản nợ phải thu; nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm với số tiền lớn chưa được thu hồi; nợ trong nội bộ một số TCT với số tiền lớn, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm.
Âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế lớn
Một số tổng công ty đầu tư tài sản sử dụng không hiệu quả gây lãng phí vốn, thua lỗ. Bên cạnh một số tổng đầu tư tài chính có hiệu quả thì vẫn còn nhiều tổng công ty đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, nhiều doanh nghiệp có vốn góp của các tổng công ty kinh doanh thua lỗ, mất vốn, phá sản, ngừng hoạt động hoặc làm thủ tục giải thể. Một số đơn vị trích dự phòng giảm giá đầu tư tài chính không đúng quy định, cho vay vốn không đúng chức năng, nhiệm vụ.
Tại một số doanh nghiệp, thậm chí có vốn chủ sở hữu âm như Công ty Nạo vét và Xây dựng đường thủy I (thuộc TCT Xây dựng Đường Thủy) âm vốn chủ sở hữu 217,9 tỷ đồng. Công ty cổ phần Thép tấm miền Nam (thuộc TCT Thép Việt Nam ) âm 11,33 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp khác, lỗ lũy kế lớn hơn vốn đầu tư của chủ sở hữu như Công ty cổ phần Vật liệu Tự dính Việt Nam (thuộc TCT Công nghiệp In - Bao bì Liksin) có lỗ lũy kế 488,49 tỷ đồng trong khi vốn đầu tư của chủ sở hữu chỉ là 252,656 tỷ đồng.
Một số đơn vị có lỗ lũy kế lớn, như VICEM Tam Điệp lỗ lũy kế tới 915,68 tỷ đồng, VICEM Hải Phòng 427,52 tỷ đồng, VICEM Bút Sơn 262,82 tỷ đồng, VICEM Bỉm Sơn 33,37 tỷ đồng, VICEM Đá xây dựng Hòa Phát 12,88 tỷ đồng. Tại HANDICO, Công ty Tài chính cổ phần Handico có lỗ lũy kế 135,52 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng hạ tầng và Giao thông đô thị 33,46 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng số 9 Hà Nội 16,85 tỷ đồng...
Tại SAMCO, Công ty Vận tải Sông Sài Gòn có quyết định phá sản còn Công ty Xây dựng Giao thông Sài Gòn lỗ mất vốn đang làm thủ tục giải thể...
Hầu hết tổng công ty có hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản còn dự án chậm tiến độ làm giảm hiệu quả đầu tư , một số dự án phải tạm dừng triển khai gây lãng phí vốn đầu tư. Thêm vào đó, do vốn chủ sở hữu thấp nên nhiều đơn vị hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay của các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, dẫn đến hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, có đơn vị chưa góp đủ vốn điều lệ theo quy định, trong khi một số đơn vị có vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ được phê duyệt chưa được xử lý.
Tại TCT Giấy Việt Nam, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Công ty TNHH MTV Nguyên liệu Giấy miền Nam lên tới 36,2 lần. Tại Tổng công ty 36 - Bộ Quốc phòng: Công ty mẹ có hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 11,22 lần, Công ty TNHH MTV 36.55 là 15,62 lần. Tại TCT cổ phần Sông Hồng, hệ số nợ phải trả của toàn tổng công ty và một số đơn vị được kiểm toán đều vượt mức khống chế theo quy định (Công ty mẹ vượt 0,59 lần, Công ty cổ phần Xây dựng số 1 Sông Hồng vượt 3,31 lần, Công ty cổ phần Xây dựng và Đô thị Sông Hồng vượt 20 lần, Công ty cổ phần Sông Hồng Sài Gòn 35 lần, Công ty cổ phần Sông Hồng miền Trung 2,86 lần).
Một số Tổng công ty quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp chưa chặt chẽ, xây dựng đơn giá tiền lương, trích quỹ lương chưa hợp lý, chưa nộp kịp thời các khoản trích theo lương.
Chẳng hạn, Công ty mẹ - SATRA chi quỹ lương vượt 20,68 tỷ đồng; Công ty cổ phần Phụ tùng máy số 1 (thuộc VEAM) chi vượt 10,31 tỷ đồng; Công ty Giấy Tissue Sông Đuống (thuộc TCT Giấy Việt Nam) chi vượt 5 tỷ đồng...
Theo: Dân Trí