Cụ thể, DATC thông báo bán đấu giá 200.000 cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đường thủy kèm giá trị nợ phải thu 22,5 tỉ đồng. Giá khởi điểm bán nguyên lô là 12,07 tỉ đồng.
Theo bản công bố thông tin được DATC công bố, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Đường thủy có vốn thực góp gần 9,8 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế năm ngoái vài trăm triệu đồng. Không biết nhà đầu tư nào sẽ quan tâm đến “mặt hàng” mà nợ phải thu lớn gấp 2,2 lần vốn điều lệ cộng với hiệu quả kinh doanh “bèo”?
Trên thực tế, trong quá trình cổ phần hóa, trước khi bán cổ phần ra công chúng (IPO) và chuyển đổi thành công ty cổ phần, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thường được xử lý sạch sẽ nợ nần theo hướng hoặc được xóa hoặc trừ vào phần vốn nhà nước khi xác định giá trị doanh nghiệp.
Giới đầu tư hầu như không có “cảm tình” với những đơn vị nợ đọng cao, vay nhiều trừ những trường hợp đặc thù. Nếu người mua phải gánh thêm khoản nợ, thì giá IPO chắc chắn sẽ không thể cao được.
Là người chuyên đi mua nợ, tham gia vào quá trình tái cơ cấu nợ của doanh nghiệp, thậm chí cả mua cổ phần để “bơm” vốn cho doanh nghiệp, DATC hiểu rất rõ thương lượng mua/bán nợ khó như thế nào. Bên mua cố gắng mua với giá thấp nhất có thể, bên bán nỗ lực bán với giá cao nhất trong khả năng. Chỉ đến khi thuận mua vừa bán theo giá thị trường, các thương vụ mua bán nợ mới mang lại kết quả.
Tuần qua giới quan sát không thể không ngạc nhiên khi DATC có văn bản gửi Bộ Tài chính (DATC trực thuộc Bộ Tài chính) về việc trì hoãn mua bán nợ ở Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) do các ngân hàng chủ nợ đòi mức giá cao hơn hẳn giá mua dự kiến của DATC. Tổng giá trị sổ sách các khoản nợ mà các ngân hàng gồm HSBC, Natixis, VietinBank, Vietcombank, VPBank, Đại Dương, Tiên Phong... cho Vinalines vay trước đây lên tới trên 5.000 tỉ đồng. DATC chỉ mới ký hợp đồng mua lại được một phần nhỏ nợ từ Vietcombank và HSBC Việt Nam. Phần còn lại “tắc nghẽn”.
Một số ngân hàng cho biết trước đây họ được đề nghị bán lại nợ của Vinalines cho DATC với giá khoảng bằng 30% giá trị nợ gốc. Mức 30% ở thời điểm bấy giờ có thể chấp nhận được ở một góc độ nào đó. Tuy nhiên tình hình hiện nay đã khác.
Thứ nhất dòng tiền của Vinalines đang được cải thiện nhờ việc bán cổ phần các cảng biển và thoái vốn khỏi các công ty con. Một số cảng biển đang hứa hẹn sẽ bán được toàn bộ hoặc một tỷ lệ lớn như cảng Hải Phòng, cảng Quảng Ninh, cảng Nha Trang, cảng Sài Gòn và số tiền thu về hoàn toàn không nhỏ. Một ngân hàng ước tính với tiền bán các cảng trên Vinalines thừa sức trả nợ cả gốc và lãi cho các tổ chức tín dụng. Đấy là chưa kể phương án chuyển nợ thành vốn góp được các ngân hàng chuộng hơn bán nợ với mức chiết khấu cao.
Thí dụ VPBank năm 2009 hợp vốn với một ngân hàng khác cho Vinalines vay 36 triệu đô la Mỹ để tổng công ty mua tàu Vinalines Sunrise. Đầu tháng 3-2015, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất Chính phủ cho phép gán nợ bằng cổ phần của cảng container quốc tế Cái Lân cho VPBank.
Thứ hai, như chính DATC thừa nhận, giá trị doanh nghiệp của Vinalines được xác định để cổ phần hóa cao hơn so với dự tính của các chủ nợ.
“Giá trị doanh nghiệp của Vinalines được Nhà nước xác định cao hơn hàng ngàn tỉ đồng, như thế triển vọng trả được nợ của Vinalines đã được nâng lên, đồng nghĩa khả năng đòi được nợ của chúng tôi lớn hơn”, đại diện một ngân hàng đề nghị không nêu tên nhận xét. Ông cho biết trong lúc xử lý nợ xấu đang quyết liệt như hiện nay, ngân hàng có thể thu hồi được nợ càng nhiều, càng phải tận dụng tối đa. “Bán nợ bằng 30% giá gốc cho vay, chúng tôi sẽ phải trích lập dự phòng “cháy túi” luôn”, ông nói.
Với lập luận trên, các ngân hàng chủ nợ đã nâng giá bán nợ lên 50% giá gốc. Mức này, như đánh giá của một công ty tư vấn tài chính doanh nghiệp, vẫn thấp. Giá mua bán nợ phải dựa trên nhiều yếu tố, mà một trong những yếu tố đó là thời điểm. Khả năng cân đối dòng tiền của Vinalines chính là điểm gút quyết định giá nợ. Không loại trừ khả năng một khi thương lượng giữa DATC và các chủ nợ kéo dài, các ngân hàng sẽ còn nâng giá bán và có thể cả từ chối bán.
Những chuyển biến về mặt tài chính của Vinalines, DATC tất nhiên cũng tường tận không kém các ngân hàng. Khi khả năng tìm kiếm được lợi nhuận từ việc mua nợ của Vinalines tăng lên, DATC đáng lẽ nên hành động theo cung cầu thị trường, tức là điều chỉnh giá mua để hai bên gặp nhau. Đằng này DATC lại báo cáo cơ quan chủ quản để Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các chủ nợ ưu tiên xử lý nợ theo phương án bán nợ cho DATC.
Thêm nữa DATC đề nghị Chính phủ giới hạn tỷ lệ góp vốn bằng nợ ở Vinalines và nếu các chủ nợ được chuyển nợ thành vốn góp, có cơ chế yêu cầu họ tham gia xử lý các vướng mắc tài chính ở đây. Đòi hỏi này là can thiệp quá sâu vào quyền tự do kinh doanh của các chủ nợ và của chính Vinalines.
Hàng loạt doanh nghiệp niêm yết (và cả không niêm yết) đã phát hành cổ phần, cấn trừ nợ. Khối lượng cổ phiếu được phát hành và số nợ được cấn trừ hoàn toàn do hai bên tự quyết định theo quy định pháp luật, không cơ quan quản lý nào can thiệp cả. DATC mua nợ bằng cách “báo cáo” Bộ Tài chính và kiến nghị Chính phủ, có khác nào ép các chủ nợ ? Và thế là không công bằng, không “chơi đẹp” trong cơ chế thị trường !
Theo TBKTSG