“Lũ tin giả” gây hoảng loạn
“Xác người chết như ngả rạ nằm la liệt trên đường phố Vũ Hán”, “virus Corona bị “xổng” ra từ phòng thí nghiệm vũ khí sinh học của Chính phủ Trung Quốc”, “hàng chục triệu người sẽ bị nhiễm bệnh”, hay “dùng máy sấy tóc khử trùng tay và mặt, uống nước nóng 60 độ để chống virus Corona”, v.v. Đó là những dạng thông tin sai lệch đã tràn ngập mạng xã hội suốt mấy tuần qua, góp phần thổi bùng lên bầu không khí hoang mang và hoảng loạn cho người dân nhiều nước.
Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Tràn ngập trên facebook, youtube, các nhóm chat là những thông tin thổi phồng và hoàn toàn sai lệch về số người mắc bệnh ở tỉnh này tỉnh kia, mà mới đây nhất là hoang tin “33 người chết vì virus Corona ở bệnh viện Chợ Rẫy". Những thông tin chưa được kiểm chứng, thậm chí “nghe đã thấy vô lý” như kiểu “Nhà nước Việt Nam sẽ cho máy bay phun thuốc khử trùng từ trên trời xuống trên khắp cả nước đêm nay” cũng được hàng nghìn người chia sẻ.
“Lũ tin giả” càn quét khắp mạng xã hội, đến mức mà nhiều người phải thốt lên: Chúng ta có thể chưa chết vì dịch Corona virus mà đã chết vì hoảng loạn bởi tin giả!
Mặc dù đây chỉ là câu nói đùa nhưng nó cũng nói lên phần nào “mặt trái đồng xu” của mạng xã hội trong thời buổi mà nhà báo Mỹ Chris Matthews từng mô tả “người người, nhà nhà đều có thể trở thành phóng viên”, chỉ bằng một tài khoản trên mạng xã hội, họ có thể dễ dàng phát tán những thông tin thất thiệt, thao túng dư luận.
Dịch viêm phổi do virus corona mới bùng phát tạo điều kiện để tin giả tràn ngập, gây hoảng loan.
|
Khó có thể chứng minh mối liên kết rõ ràng giữa “dịch tin giả” và hàng dài những người đang lao ra ngoài kia để gom hàng chục, thậm chí hàng trăm hộp khẩu trang y tế, góp phần tạo nên tình trạng “cháy hàng” và giá cả tăng vọt.
Hay chuyện hàng trăm người gọi đến đường dây nóng của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương trong một đêm, trong khi chỉ có 3 cuộc gọi thực sự nóng xin tư vấn về dịch, giữa lúc bác sĩ trực đường dây đang cấp cứu bệnh nhân. Nhưng sự hoảng loạn của cả xã hội những ngày qua, không thể phủ nhận, có sự tiếp tay “đổ dầu vào lửa” của cơn lũ tin giả.
Sự sợ hãi và bất an còn trở thành mảnh đất màu mỡ giúp những tư tưởng và định kiến kì thị, phân biệt chủng tộc có cơ hội lan xa. Một video không được kiểm chứng ghi lại hình ảnh một người phụ nữ Trung Quốc đang ăn món súp dơi được lan truyền rộng rãi trên mạng với hàng trăm bình luận cho rằng nhu cầu thưởng thức các động vật kỳ lạ của người Trung Quốc đã tạo nên dịch bệnh.
Ở Australia, các nhà chức trách đã phải lên tiếng đính chính về cảnh báo giả, được phao tin là đến từ Bộ Y tế Australia, yêu cầu người dân hạn chế đi lại tới các khu vực có nhiều người Hoa sinh sống.
Còn ở Việt Nam, một du khách Trung Quốc trở về từ bệnh viện đã bị khách sạn đuổi ra đường giữa đêm hôm khuya khoắt, một ứng xử thiếu tình người nhưng lại được không ít cư dân mạng ủng hộ với lý do “để bảo vệ nhân viên và khách khác không bị nhiễm bệnh”!
Hội chứng đám đông thời @
Khi theo dõi mạng xã hội, có lẽ không ít người trong chúng ta tự hỏi, vì sao những thông tin thất thiệt, giả mạo, đầy thuyết âm mưu, thậm chí vô lý mà nhiều người, ngay cả những người được cho là có hiểu biết, lại dễ dàng tin theo đến thế?
Những gì diễn ra vừa qua cho thấy, “hội chứng tâm lý đám đông” có thể chi phối, thao túng xã hội mạnh mẽ đến thế nào trong kỷ nguyên thông tin này. Như nhà tâm lý học người Pháp Gustave Le Bon từng chỉ ra, những đám đông luôn bị vô thức tác động, “họ xử sự như người nguyên thủy, không còn khả năng suy nghĩ, suy luận, mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng liên kết các ý tưởng; họ rất thất thường, có thể đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn đến ngây dại ngớ ngẩn nhất; họ cần một người thủ lĩnh, người cầm đầu, kẻ có thể dẫn dắt họ và cho bản năng của họ một ý nghĩa...”
Sự bùng nổ của mạng xã hội, khi bất cứ ai cũng có thể phát tán thông tin lên mạng, xuyên biên giới, xuyên quốc gia, một cá nhân có thể dễ dạng tạo ra quanh mình một đám đông và thao túng đám đông đó.
Giáo sư triết học nổi tiếng Michael Puett (Đai học Harvard) làm rõ hơn cách mà công nghệ có thể chi phối, thao túng các cá nhân, và từ đó, tin giả dễ dàng được phát tán và tìm thấy đám đông hâm mộ của mình.
Theo ông, vì bản chất con người là thường suy nghĩ, hành động theo một khuôn mẫu, mô thức đã được định hình từ rất lâu. “Vì theo khuôn mẫu định sẵn, hành vi trở nên rất dễ đoán với các công ty công nghệ lớn. Từ đó, họ tận dụng tính dễ đoán này của mỗi người để định vị, dự đoán hành vi của người dùng”.
Chỉ một lần lỡ click chuột, newsfeed của bạn sẽ chỉ tràn ngập các tin tức theo chủ đề đó, và thậm chí, chỉ theo một quan điểm nhất định, bởi các thuật toán AI đã ghi nhận và lưu lại hành vi trước đó của bạn.
Đó là lý do khiến nhà báo kì cựu Chris Matthews từng lo ngại về nguy cơ “độc tài thông tin” trong “kỷ nguyên tự do thông tin”, khi người đọc chỉ tiếp cận thụ động một dạng thông tin, một luồng quan điểm trên mạng xã hội, thay vì lắng nghe và suy xét từ nhiều chiều.
Để sinh tồn một cách hiểu biết và tử tế trong thời đại số
Nhìn ở khía cạnh tích cực, có lẽ chính sự tràn lan của thông tin thất thiệt xoay quanh virus Corona vừa qua đã tạo áp lực hối thúc các bên, từ chính quyền, báo chí chính thống, cho tới các cá nhân có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, phải hành động một cách mạnh mẽ và quyết liệt hơn.
Hiếm khi nào mà từng thông tin về số người nhiễm và nghi nhiễm virus corona, các cảnh báo và chỉ dẫn phòng chống được các cơ quan chức năng cập nhật hàng giờ. Những thông tin chính thức, đáng tin cậy và có thể kiểm chứng nhanh chóng được chia sẻ bởi các cơ quan truyền thông chính thống và thậm chí một số cá nhân có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã góp phần chặn đà leo thang của nạn tin giả.
Sự minh bạch, kịp thời và xác thực thông tin là một vũ khí hữu hiệu để đối phó với nạn tin đồn, tin giả.
Nhưng quan trọng hơn, câu chuyện “dịch tin giả” thời dịch viêm phổi Vũ Hán một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo: đã đến lúc mỗi chúng ta phải ý thức rõ ràng về nguy cơ bị thao túng, để từ đó, tỉnh táo hơn và hành xử có trách nhiệm hơn trên mạng xã hội.
Sự mạnh tay của chính quyền, như việc Thái Lan bắt những người phao tin giả về virus Corona, hay cơ quan chức năng của Việt Nam phạt tiền những cá nhân lan tin đồn nhảm trên mạng có thể tạo ra hiệu ứng răn đe nhất định, nhưng xét cho cùng vẫn không thể “trị bệnh tận gốc”.
Bởi, nếu không xuất phát từ ý thức cá nhân, người ta luôn dễ dàng tìm ra cách lách luật.
Vậy làm thế nào để học cách trở thành những công dân mạng tử tế và hiểu biết? Giáo sư Michael Puett, người đứng lớp khóa học nổi tiếng ở Harvard giúp sinh viên chuyển hóa và thay đổi bản thân từng đưa ra lời khuyên rằng: mỗi người có thể bắt đầu từ những việc đơn giản nhất như thay đổi trang web truy cập mỗi ngày, cách đọc tin tức online - tránh vào cùng một trang tin ngày này qua ngày khác, hay cách tương tác trên mạng xã hội - tránh theo dõi, tương tác các diễn đàn có cùng một chủ đề v.v.
Nói như nhà báo Chris Matthews: “Hãy lắng nghe, đọc từ nhiều phía. Giống như khi bạn nằm ngủ và cảm thấy chiếc gối của mình bị quá nóng, hãy thử lật nó lại, có thể mặt bên kia sẽ mát và dễ chịu hơn. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng đó là cơ hội để bạn nhìn nhận mọi thứ một cách đúng đắn. Nó giống như việc “Tôi đã nghe đủ quan điểm của bên này rồi, tôi muốn biết quan điểm đối nghịch ra sao?”.
Đó là lý do vì sao mà giờ đây khả năng biết lắng nghe nhiều chiều, tiếp nhận thông tin có chọn lọc, với tư duy phản biện ngày càng được xem là một kĩ năng sống còn trong thời đại số.
Sau cùng, những gì đang diễn ra cũng cho thấy: đã đến lúc chúng ta không thể lảng tránh những cuộc tranh luận nghiêm túc và sòng phẳng về những vấn đề liên quan đến đạo đức công dân, các giá trị luân lý, đúng – sai, những chủ đề tưởng chừng như đã lỗi thời nhưng giờ đây, trước sự phát triển mang tính phá hủy cái cũ của công nghệ mới, đang ngày càng trở nên cấp bách và thiết thực hơn bao giờ hết.
Cho dù ta có không trả lời trọn vẹn được những vấn đề thế giới đang đối mặt thì việc đặt câu hỏi là vô cùng cần thiết. Bởi nếu chúng ta không đặt câu hỏi, không tranh cãi để đi đến xác định một ranh giới mà toàn bộ cộng đồng, xã hội chấp nhận thì rất có thể, viễn cảnh “đáng sợ” về một thế giới tương lai nơi công nghệ phát triển nhưng con người thì ngày một tham lam, mù quáng, bị thao túng và hành xử mất nhân tính không còn chỉ là tưởng tượng của các nhà làm phim Hollywood.