Dịch tay chân miệng tăng mạnh ở Hà Nội và nhiều nơi khác, phòng bệnh thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Số ca mắc tay chân miệng ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác đang tăng cao so với cùng kỳ, trong khi dự báo, thời kỳ đỉnh dịch chưa tới.

TCM.jpg
Bệnh tay chân miệng gia tăng ở Hà Nội và nhiều nơi dù chưa phải đỉnh dịch

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước đã có hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Số ca mắc tay chân miệng ghi nhận chủ yếu ở các cơ sở giáo dục mầm non, có đến trên 90% trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh.

Theo Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc tay chân miệng ở thủ đô cũng đã là gần 800 ca, tăng 85% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tuần qua, Hà Nội đã có 186 ca mắc tay chân miệng, tăng 25 ca mắc so với tuần trước. Bệnh nhân phân bố tại 26 quận, huyện, thị xã. Trong đó địa phương có số ca mắc nhiều nhất là Ba Vì (20 ca); tiếp đó là Sóc Sơn, Thanh Oai (17 ca); Hà Đông (15 ca); Mê Linh, Hoàng Mai (14 ca); Chương Mỹ, Thanh Trì (12 ca).

Theo nhận định của Sở Y tế Hà Nội, tháng 4 và 5 là cao điểm bệnh tay chân miệng nên trong thời gian tới sẽ tiếp tục có thêm người ca mắc và ổ dịch. Do đó, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa y tế và nhà trường để phòng chống dịch, kịp thời phát hiện, điều trị ca mắc và xử lý ổ dịch nhanh chóng, hiệu quả.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường giám sát phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh tay chân miệng, đặc biệt tại trường mầm non, tiểu học. Tổ chức hoạt động vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng chống bệnh tay chân miệng tại trường mầm non, mẫu giáo khi có ca bệnh, ổ dịch.

Theo các chuyên gia, hai nhóm tác nhân gây bệnh tay chân miệng thường gặp là Coxsackie virus A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71). Các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà. Còn chủng EV71 gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể gây tử vong.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo: Khi trẻ còn triệu chứng bệnh tay chân miệng, không cho phép tham gia các hoạt động, gặp gỡ đông trẻ em khác như đến lớp, đi bơi, cho đến khi hết loét miệng và các phỏng nước.

Khi trẻ đến lớp có sốt, loét miệng, phỏng nước, phải thông báo cho gia đình và cơ quan y tế. Khi có từ 2 trẻ trở lên trong một lớp bị mắc bệnh trong vòng 7 ngày, thì cho lớp nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng.

Các cơ sở giáo dục cần làm sạch dụng cụ học tập, đồ chơi và các dụng cụ khác bằng chloramin B 2%. Dụng cụ ăn uống như bát, đũa, cốc; ngâm, tráng nước sôi trước khi ăn, sử dụng.

Bộ Y tế lưu ý hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ, vì vậy, vấn đề phòng bệnh là hết sức quan trọng.