Hai công ty bị thu hồi tới 9 phiếu công bố mỹ phẩm
Công ty TNHH Phát Anh Minh và Công ty TNHH Dược phẩm Toàn cầu Đông Nam là hai đơn vị bị Cục Quản lý Dược xử lý mạnh tay trong đợt này, với tổng cộng 9 sản phẩm mỹ phẩm bị thu hồi phiếu công bố và đình chỉ lưu hành.
Đối với Công ty TNHH Phát Anh Minh, Cục Quản lý Dược yêu cầu thu hồi hai sản phẩm là Aquafresh Soft Mint và Aquafresh Clear Mint, do nhãn sản phẩm ghi sai lệch nguồn gốc và không đúng như hồ sơ công bố. Công ty này cũng bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm trong vòng 6 tháng kể từ ngày 2/7/2025, vì hành vi kê khai không trung thực.
Cùng thời điểm, Cục Quản lý Dược cũng ra các quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi 7 sản phẩm của Công ty TNHH Dược phẩm Toàn cầu Đông Nam. Các sản phẩm bị thu hồi bao gồm ME LINE 01 Caucasian Skin, INNOAESTHETICS INNO-TDS Xeroskin-ID, và 5 sản phẩm khác thuộc dòng Innoaesthetics. Lý do thu hồi là do công thức sản phẩm lưu hành không đúng với hồ sơ công bố.

7 sản phẩm của Công ty TNHH Dược phẩm Toàn cầu Đông Nam bị thu hồi
Cả hai công ty đều phải gửi thông báo thu hồi tới các điểm phân phối, tiếp nhận hàng trả lại và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm vi phạm. Sở Y tế TP Hà Nội được giao nhiệm vụ giám sát quá trình thu hồi và báo cáo kết quả về Cục Quản lý Dược trước ngày 30/6.
Cục An toàn thực phẩm thu hồi giấy công bố của 4 doanh nghiệp
Khác với những đợt thu hồi trước, các quyết định mới nhất do Cục An toàn thực phẩm ban hành lần này không nêu rõ lý do các công ty vi phạm gì, hay tự ý đề nghị thu hồi, dù các sản phẩm bị thu hồi không còn đủ điều kiện để tiếp tục lưu hành hợp pháp.
Theo các quyết định của Cục ATTP, Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Vinh Thịnh Vượng bị thu hồi giấy công bố sản phẩm TPBVSK Kingphar Super Kids; Công ty TNHH Thương mại & Dược phẩm Nguyễn Minh bị thu hồi sản phẩm TPBVSK Enterovina; Công ty CP Kingphar Việt Nam bị thu hồi 4 sản phẩm TPBVSK, gồm: Nato Thông huyết – Kingphar, Menmoren ginkgo Plus Q10, Ống uống Men tiêu hoá và Omega 3-6-9 Plus Q10 Kingphar. Công ty CP Dược phẩm Nano Pharma bị thu hồi hai sản phẩm: Nano IQ Mama Care và Nano IQ Aquamin F.
Dù không công bố lý do trong văn bản, việc thu hồi hiệu lực giấy công bố - đồng nghĩa các doanh nghiệp sẽ không thể tiếp tục đưa sản phẩm ra thị trường, nếu không làm lại thủ tục từ đầu theo quy định hiện hành.
Cảnh báo về chất lượng kiểm soát sản phẩm tự công bố
Việc các công ty bị thu hồi giấy công bố hoặc đình chỉ lưu hành sản phẩm cho thấy những lỗ hổng nghiêm trọng trong khâu tự công bố và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Hầu hết các sản phẩm bị thu hồi đều là mỹ phẩm và thực phẩm chức năng – hai nhóm hàng hóa không cần cấp phép tiền kiểm, mà chỉ cần doanh nghiệp tự kê khai theo mẫu.
Tuy nhiên, khi các cơ quan chức năng tiến hành hậu kiểm, nhiều doanh nghiệp bị phát hiện kê khai sai lệch, công thức không đúng, ghi nhãn sai nguồn gốc hoặc thông tin nhà sản xuất. Đáng nói hơn, có trường hợp vi phạm lặp lại nhiều lần hoặc bị xử lý đồng thời ở cả hai địa chỉ kinh doanh.
Việc Bộ Y tế đồng loạt ra quyết định xử lý trong cùng một thời điểm là động thái kiên quyết để chấn chỉnh lại thị trường. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng cần tăng cường hậu kiểm và minh bạch thông tin vi phạm để răn đe hiệu quả hơn.

Hà Nội thu hồi 190 số công bố thiết bị y tế loại A, B: Một loạt công ty dược đứng đầu danh sách

Thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố mỹ phẩm do Công ty TNHH quốc tế Hyunjin C&T đưa ra thị trường

Công ty FAO bị tước quyền chỉ định kiểm nghiệm thực phẩm, buộc thu hồi kết quả đã cấp
