Bộ Y tế cho phép kê đơn thuốc 3 tháng, bệnh nhân và bệnh viện cùng hưởng lợi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Lần đầu tiên, Bộ Y tế cho phép kê đơn thuốc tối đa 3 tháng với 252 bệnh, nhóm bệnh mãn tính. Quy định mới không chỉ giúp người bệnh giảm số lần đi khám, tiết kiệm thời gian, chi phí, mà còn góp phần giảm áp lực quá tải cho các cơ sở y tế.

VT_KCB1.JPG
252 bệnh, nhóm bệnh mãn tính được kê đơn thuốc ngoại trú tối đa 90 ngày.

Bệnh nhân mãn tính ổn định được kê đơn thuốc tối đa 3 tháng

Chiều 2/6, Bộ Y tế cho biết đã ban hành Thông tư số 26/2025/TT-BYT quy định về đơn thuốc và kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm điều trị ngoại trú với điểm đáng chú ý là ban hành Danh mục 252 bệnh, nhóm bệnh được kê đơn thuốc ngoại trú tối đa 90 ngày. Theo đó, bác sĩ sẽ căn cứ tình trạng lâm sàng, mức độ ổn định của người bệnh để quyết định thời gian dùng thuốc, nhưng không quá 3 tháng (90 ngày).

Trước sự thay đổi này, một số ý kiến cho rằng nhiều bệnh viện sẽ không muốn kê đơn 3 tháng, vì sẽ làm giảm số lần khám của bệnh nhân đồng nghĩa với việc giảm doanh thu, giảm thu nhập.

Tuy nhiên, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang - đơn vị đã triển khai việc kê đơn thuốc 3 tháng nhưng theo hướng cá thể hoá điều trị, cho hay: “Với bệnh nhân mắc bệnh mãn tính ổn định, việc cho phép kê đơn 3 tháng giúp giảm số lần tái khám, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí đi lại cho người bệnh. Đặc biệt, nhóm bệnh nhân tiểu đường có thể tái khám 3 tháng/lần, phù hợp với quy trình xét nghiệm định kỳ.”

Tuy nhiên, ông Thường nhấn mạnh cần cá thể hóa điều trị: “Mỗi bệnh nhân có tình trạng bệnh khác nhau. Nhóm bệnh chưa ổn định vẫn cần khám, dò liều thường xuyên; nhóm có nhiều bệnh phối hợp phải điều chỉnh thuốc kịp thời; chỉ nhóm thực sự ổn định mới nên áp dụng khám 2-3 tháng/lần. Vì vậy, bác sĩ cần đánh giá kỹ lưỡng, không áp dụng cứng nhắc”.

Theo ông Thường, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang hiện quản lý khoảng 13.000 bệnh nhân mắc bệnh mãn tính. Bệnh viện đã giao nhiệm vụ cho đội ngũ nhân viên y tế cá thể hóa điều trị cho từng bệnh nhân, đảm bảo tuân thủ chuyên môn, bởi “không thể chỉ dựa vào văn bản”.

Ở góc độ quản lý bệnh viện, việc cho phép kê đơn dài ngày cũng giúp giảm áp lực cho bác sĩ và cơ sở y tế.

Ông Thường phân tích: “Hiện nay, nếu bệnh viện chỉ khám hàng tháng, không kê đơn dài ngày, mỗi bác sĩ chỉ khám tối đa 40 bệnh nhân/ngày, mỗi tháng khám 20-22 ngày. Trong khi đó, chi phí lương cho 2 nhân viên phục vụ tại mỗi bàn khám rồi hàng loạt bộ phận khác, đã là đã 50 triệu đồng/tháng. Thực tế, bệnh viện đang bù lỗ lớn vì bệnh nhân phải đến tái khám thường xuyên".

Theo tính toán của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, nếu triển khai khám 3 tháng/lần cho bệnh nhân mãn tính ổn định, bệnh viện có thể giảm lỗ khoảng 20% chi phí vận hành. Điều này rất cần thiết, nhất là khi mỗi năm bệnh viện phải chi khoảng 25 tỉ đồng cho nhân sự, với quy mô hơn 1.000 người.

VT_Kcb.jpg
Quy định mới giúp người bệnh giảm số lần đi khám, tiết kiệm thời gian, chi phí

Bổ sung nhiều quy định mới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Ngoài quy định về thời gian kê đơn tối đa 90 ngày, Thông tư 26/2025 còn bổ sung các trường thông tin bắt buộc trong đơn thuốc, như số định danh cá nhân, số lượng thuốc mỗi lần dùng, số lần dùng trong ngày, số ngày sử dụng… nhằm minh bạch, rõ ràng thông tin, giảm nguy cơ sai sót khi sử dụng thuốc. Với công dân Việt Nam đã có số định danh cá nhân, không cần ghi các thông tin như giới tính, ngày sinh, địa chỉ thường trú, nhằm thuận tiện cho việc liên thông dữ liệu điện tử.

Một thay đổi quan trọng khác là Bộ Y tế bỏ mẫu sổ khám bệnh. Người bệnh đến khám hoặc kết thúc điều trị nội trú sẽ được kê đơn trên mẫu đơn thuốc riêng, đồng thời thông tin được quản lý qua hồ sơ bệnh án, phù hợp với chuyển đổi số trong y tế.

Thông tư cũng điều chỉnh quy định về khám nhiều chuyên khoa trong một lượt: bệnh viện được quyết định người kê đơn duy nhất để bệnh nhân chỉ có một đơn thuốc tổng hợp, tránh trùng lặp, tương tác bất lợi giữa các thuốc.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Bộ Y tế kỳ vọng sẽ góp phần sẽ nâng cao chất lượng kê đơn, bảo đảm quyền lợi và sự an toàn cho người bệnh, đồng thời giảm thiểu lạm dụng thuốc, tránh trùng lặp trong kê đơn ngoại trú tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Đồng thời, quy định mới sẽ đáp ứng nhu cầu điều trị lâu dài của bệnh nhân mãn tính, giúp giảm tải cho các bệnh viện, tối ưu nguồn lực y tế và tạo thuận lợi cho quá trình chăm sóc sức khỏe liên tục, an toàn, hiệu quả.