|
Dư luận và người dân Đà Nẵng mấy ngày nay lo lắng về chất lượng nước sinh hoạt khi chứng kiến cặn bẩn và vị lợ. (Ảnh: Nguyệt Cát) |
Dân bức xúc, hoang mang vì nước sinh hoạt quá bẩn
Liên tiếp tuần nay, người dân ở các quận Cẩm Lệ, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn hoang mang lẫn bức xúc khi phát hiện nước sinh hoạt tại vòi nhà mình bị đục đen và có vị lợ. Sự việc được người dân phản ánh đến báo giới và cả trên trang facebook quản lý đô thị của Đà Nẵng.
Chị Nguyệt Cát (trú quận Cẩm Lệ) cho biết, tình trạng nước đục và có mùi tanh xuất hiện liên tục mấy này nay khiến sinh hoạt của gia đình bị ảnh hưởng, tâm lý hoang mang. Để có nước để sử dụng, chị Cát đã dùng khăn quấn bịt vòi lọc nước trước khi sử dụng và kiểm tra xem chất lượng nước ra sao.
“Sau hai ngày, chiếc khăn được mở ra thì cả nhà tá hỏa. Không thể tin vào mắt mình, chiếc khăn trắng tinh đã đổi màu đen như nhọ nồi”- chị Nguyệt Cát cho biết.
Trước sự việc, chị Nguyệt Cát đã trình báo đến các cơ quan chức năng và phản ánh trên cộng đồng mạng để cơ quan chức năng sớm vào cuộc và trả lời thỏa đáng.
|
Nước sinh hoạt tại hộ dân trên địa bàn quận Cẩm Lệ có cặn bẩn, đục đen, kèm nhiễm mặn khiến người dân lo lắng
|
Cũng giống chị Cát, rất nhiều trường hợp đã phản ánh với báo giới về tình trạng nước sinh hoạt có vị lợ và cáu bẩn. Tất cả đều chung tâm trạng bức xúc và hoang mang khi phải sử dụng nguồn nước như vậy, nhất là sau khi sự vụ thiếu nước sinh hoạt xảy ra vào thời điểm cuối năm 2018 vừa lắng xuống.
Đều đảm bảo tiêu chuẩn nước sinh hoạt theo quy chuẩn của Bộ Y tế(?!)
Chiều ngày 18/2, thừa ủy quyền của ông Hồ Hương - Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), ông Bùi Thọ Ninh - Trưởng Ban Cố vấn của Dawaco cho biết, việc nước có vị lợ là do tình trạng nhiễm mặn nước đầu nguồn sông Cầu Đỏ diễn ra nghiêm trọng, kéo dài gần nửa tháng qua. Cho dù Dawaco đã nỗ lực bơm nước từ trạm bơm An Trạch để pha loãng những vẫn không tránh khỏi.
“Mặc dù vậy, độ mặn của nước sinh hoạt cấp đến người dân vẫn đảm bảo ở giới hạn cho phép. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu hóa sinh đều đảm bảo tiêu chuẩn nước sinh hoạt theo quy chuẩn của Bộ Y tế”, ông Bùi Thọ Ninh - Trưởng Ban Cố vấn của Dawaco nói.
Cũng theo ông Bùi Thọ Ninh, số liệu quan trắc tại cửa thu nước Cầu Đỏ cho thấy độ mặn cao nhất ghi nhận được trong khoảng thời gian từ ngày 2/2-16/2 ở mức báo động, với chỉ số lên tới 1.640 mg/l - vượt mức cho phép để sản xuất nước sinh hoạt.
Mặc dù khi độ mặn ở sông Cầu Đỏ ở mức 1.000 mg/l thì việc khai thác nước ở đây không thể thực hiện được, nhưng Dawaco đã nỗ lực bơm nước hoàn toàn từ đập dâng An Trạch và chuyển tải về xử lý tại Nhà máy nước Cầu Đỏ để đảm bảo nguồn nước cấp cho người dân.
Liên quan đến hiện tượng nước bị đục, có cặn đen, Trưởng Ban Cố vấn của Dawaco cho biết, định kỳ hệ thống ống cấp nước đều được súc xả, vệ sinh vào thời điểm 15/11 hàng năm. Tuy nhiên, sau thời gian dài nghỉ Tết, việc tăng lưu lượng nước sử dụng trở lại cùng với việc nhiễm mặn đã xảy ra tình trạng cặn bẩn tại các đường ống cấp bằng sắt lâu cũ xáo lên đã gây nên tình trạng này.
“Việc người dân phản ánh nước bị lợ và vẩn đục là có và đúng với thực tế. Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến phản ánh và đang phối hợp tất cả lực lượng khắc phục tình trạng này. Chúng tôi thành thật xin lỗi người dân vì đây gần như là sự cố bất khả kháng, dù chúng tôi đã rất nỗ lực trong suốt thời gian qua” - ông Bùi Thọ Ninh nói.
|
Ông Bùi Thọ Ninh-Trưởng Ban cố vấn Dawaco tại buổi làm việc với VietTimes liên quan đến tình trạng nước sinh hoạt trên địa bàn Đà Nẵng bị cáu bẩn, nhiễm mặn
|
Trưởng Ban Cố vấn của Dawaco khẳng định: “Liên quan đến chất lượng nước cấp thì tôi khẳng định, nước cấp luôn đảm bảo chất lượng và tuân thủ các tiêu chuẩn của Bộ Y tế đưa ra đối với nước sinh hoạt. Cụ thể, các chỉ tiêu sinh hóa đều được chúng tôi giám sát hàng giờ bằng thiết bị tự động và tất cả đều được công khai trên website của đơn vị lẫn báo cáo với cơ quan chức năng. Nên nói về chất lượng nước đưa đến cho người dân thì người dân có thể yên tâm, bởi tôi cũng đang dùng nước sinh hoạt mà người dân toàn TP đang dùng”.
Đến khi nào nước mới hết đục bẩn, hết nhiễm mặn?
Trả lời câu hỏi của VietTimes liên quan đến tình trạng nước sinh hoạt bị nhiễm mặn và cặn bẩn, ông Bùi Thọ Ninh cho biết: “Khó có thể nói chính xác đến khi nào nước mới hết nhiễm mặn và hết cặn bẩn. Chúng tôi chỉ có thể làm hết sức để đem đến chất lượng nước tốt nhất cho người dân TP".
Lý giải cho việc này, ông Ninh cho biết, việc nhiễm mặn là do yếu tố thời tiết và vận hành hồ chứa thủy điện phía thượng lưu. Việc sớm xây dựng, đưa các nhà máy nước mới vào vận hành giúp năng công suất phục vụ cũng chỉ là một giải pháp, bởi căn cơ vẫn là vấn đề nguồn nước thô bị nhiễm mặn. “Nỗ lực của Dawaco là giảm đến mức thấp nhất việc nước bị nhiễm mặn và giữ đảm bảo các chỉ tiêu sinh hóa đối với nước sinh hoạt ở mức tốt nhất”- ông Bùi Thọ Ninh nói.
Về tình trạng nước sinh hoạt bị cáu bẩn, rỉ sắt, Trưởng Ban cố vấn Dawaco thừa nhận: “Trước tiên chúng tôi xin nhận lỗi về mình và rất mong người dân chia sẻ, vì vấn đề cần có thời gian để khắc phục. Trước mắt, tất cả các xí nghiệp cấp nước và bộ phận chăm sóc khách hàng sẵn sàng túc trực, tiếp nhận thông tin phản ánh. Bất cứ có phản ánh về tình trạng nước cáu bẩn, chúng tôi sẽ cho lực lượng đến phối hợp súc xả sạch đường ống và kiểm nghiệm chất lượng nước để người dân được rõ và yên tâm”.
Nói về nguyên nhân và biện pháp lâu dài, Trưởng Ban cố vấn Dawaco cho biết: “Đây là vấn đề cần có thêm thời gian, dù Dawaco đã nỗ lực thay thế ống thép tráng kẽm cũ bằng ống HDPE tiêu chuẩn trong suốt thời gian qua”.
Theo Trưởng Ban cố vấn, hiện Dawaco đang quản lý, vận hành hơn 3.000km ống cấp nước các loại. Trong đó có khoảng trên 100km ống thép, tập trung tại các điểm qua đường và nhiều phụ tùng thép. Phía Dawaco cũng đã có kế hoạch thay thế và đang thay dần nhưng việc thay bằng ống nhựa HDPE. Trong thời gian qua, đơn vị này đã thay thế đến 70% hệ thống đường ống thép tráng kẽm cũ bằng ống HDPE và gần như 100% đường ống nhánh nối vào nhà dân đã sử dụng ống HDPE.
|
Theo đại diện Dawaco, chất lượng nước sinh hoạt cung cấp cho người dân đàm bảo tiêu chuẩn về nước sinh hoạt và được kiểm soát chất lượng tự động hàng giờ
|
Cũng theo Trưởng Ban cố vấn Dawaco, mấu chốt của vấn đề là trên toàn hệ thống ống cấp, còn một số vị trí cục bộ vẫn đang dùng ống thép cũ như: vị trí các các khớp nối, khu vực đường ống băng qua đường, phụ tùng,… Nên khi độ mặn trong đường ống lên cao, cộng với thay đổi áp lực nước cấp đã làm cho cặn rỉ sắt tại các đường ống này bong tróc, quấy đục và gây nên tình trạng cặn bẩn cục bộ tại một số khu vực như người dân đã phản ánh.
“Chúng tôi cũng đã có kế hoạch thay thế toàn bộ hệ thống ống thép này để đảm bảo chất lượng nước cung cấp cho người dân. Tuy nhiên việc thi công lắp đặt đường ống thay thế, khớp nối tại các khu dân cư đã hình thành rất khó, phụ thuộc nhiều yếu tố, thủ tục như: giấy phép đào đường, đào vỉa hè để lắp đặt đường ống thay thế. Và việc này cần có thời gian, cũng như sự chấp thuận của các cơ quan chức năng, nên dù nỗ lực nhưng đến nay vẫn chưa thay thế đồng bộ sớm được.
Trong thời gian tới, Dawaco sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, thay thế tất cả đường ống thép cũ này. Nhanh nhất cũng mất 3-5 năm, nên trong thời gian này, rất mong người dân cùng hợp tác với Dawaco trong việc xử lý tình huống khi phát sinh. Hãy báo cho Dawaco theo địa chỉ các xí nghiệp cấp nước. Chúng tôi sẽ có trách nhiệm khắc phục, súc xả, kiểm tra chất lượng nước và tư vấn đề người dân được sử dụng nước tốt nhất” - ông Bùi Thọ Ninh nói./.