Nguồn nước vẫn đảm bảo, "giải pháp vận hành của nhà máy" mới là lý do khiến Đà Nẵng thiếu nước vì nhiễm mặn!

VietTimes -- Đó là kết luận của Trưởng Đoàn công tác của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT) tại buổi làm việc với các cơ quan liên quan đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại Đà Nẵng trong thời gian qua.
Theo ông Châu Trần Vĩnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Đà Nẵng thiếu nước sinh hoạt trong thời gian qua là do giải pháp vận hành của nhà máy.
Theo ông Châu Trần Vĩnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Đà Nẵng thiếu nước sinh hoạt trong thời gian qua là do giải pháp vận hành của nhà máy.

Ngày 15/11, Đoàn công tác của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT) do ông Châu Trần Vĩnh - Phó Cục trưởng làm trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với các bên liên quan về tình trạng thiếu nước sạch của Đà Nẵng trong thời gian qua.

Tại buổi làm việc, đại diện các nhà máy thủy điện trên khu vực thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn cho rằng, đây là đợt khô hạn lịch sử, kéo dài nhất trong suốt 40 năm qua. Việc khô hạn khiến lưu lượng nước về các hồ chứa đạt thấp, thậm chí chỉ bằng 20-30% so những năm trước đây.  Bên cạnh đó, theo dự báo, tình hình thiếu nước trong năm 2019 sẽ còn diễn biến nghiêm trọng hơn.

Tổng Giám đốc Dawaco chính thức xin lỗi người dân và cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hồ Hương - Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) thừa nhận việc công suất trạm bơm chống mặn An Trạch chỉ đạt 210.000m3/ngày đêm là do tuyến đường ống dẫn nước từ An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ có nhiều dấu hiệu hư hỏng, nên công suất của trạm này không đủ đáp ứng với nhu cầu sử dụng nước thô.

Cũng theo đại diện Dawaco, phía doanh nghiệp cũng đã đưa ra các đề xuất chống mặn. Tuy nhiên các sở, ngành TP vẫn chưa được quyết định. Và để chờ các giải pháp lâu dài, hiện Dawaco đang phải triển khai thêm một tuyến ống nước thô từ An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các bên, ông Châu Trần Vĩnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Trưởng đoàn công tác cho rằng, qua thực địa, cho thấy không thiếu nước tại Trạm bơm An Trạch, nguồn nước trong thời gian vừa qua cho hạ du và cho nhà máy nước Cầu Đỏ là đảm bảo. Nên việc nhà máy nước thiếu nước vì nhiễm mặn cao là do giải pháp vận hành của nhà máy.

Chính vì vậy, ông Châu Trần Vĩnh yêu cầu các bên liên quan có giải pháp nâng cao hiệu quả vận hành, bảo đảm cấp nước sinh hoạt liên tục cho người dân. Đồng thời đề nghị Dawaco có giải pháp nâng công suất lấy nước thô từ trạm bơm An Trạch về nhà máy nước, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân TP. Ngoài ra, Dawaco cần có giải pháp ngắn hạn lẫn dài hạn nhằm bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân.

Về phía các chủ hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, ông Châu Trần Vĩnh yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi tỉnh Quảng Nam và Dawaco có sự phối hợp chặt chẽ, thông tin kịp thời, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm nhất, hợp lý, hiệu quả và tích được mực nước tối đa trong hồ chứa thủy điện.

Trước đó, Bộ TN-MT cũng đã có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phù Yên, Sở TN-MT các địa phương, các công ty quản lý, vận hành thủy điện trên địa bàn về việc đảm bảo nguồn nước cấp cho hạ du trong mùa cạn cuối năm 2018 và đầu năm 2019 do những diễn biến tiêu cực về lưu lượng nước trên lưu vực các sông trên địa bàn các tỉnh khiến mực nước tại hầu hết các hồ chứa lớn, quan trọng đều ở mức rất thấp.

Các cơ quan chức năng Đà Nẵng cần có giải pháp căn cơ nhằm hạn chế tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân Đà Nẵng
Các cơ quan chức năng Đà Nẵng cần có giải pháp căn cơ nhằm hạn chế tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân Đà Nẵng 

Vì vậy, Bộ TN-MT đề nghị UBND các tỉnh, thành trên các lưu vực sông kể trên chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa và các đơn vị quản lý, vận hành các công trình khai thác, sử dụng nước phía hạ du thực hiện một số giải pháp trước mắt nhằm đảm bảo nguồn nước. 

Về nhà đầu tư chiến lược của Dawaco: CTCP Đầu tư Đà Nẵng - Miền Trung
Đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình mưa lũ trên lưu vực, dòng chảy trên sông, dòng chảy đến hồ, giám sát chặt chẽ việc vận hành các hồ chứa để đảm bảo các yêu cầu về phòng lũ, giảm lũ cho hạ du (trong trường hợp có lũ về). Ưu tiên việc tích nước của các hồ chứa để phòng ngừa, hạn chế nguy cơ các hồ chứa không tích đủ lượng nước tối thiểu vào cuối mùa lũ, đầu mùa cạn.

Bên cạnh đó, yêu cầu rà soát cụ thể yêu cầu sử dụng nước từ nay đến cuối mùa lũ ở hạ du các hồ chứa và có phương án bố trí kế hoạch, thời gian lấy nước phù hợp nhằm hạn chế các hồ phải xả nước để cấp nước cho hạ du trong mùa mưa lũ để nâng cao khả năng tích nước của các hồ chứa (trong trường hợp không có lũ về), bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và dự trữ nguồn nước cho mùa cạn cuối năm 2018 đến đầu năm 2019.