Đà Nẵng "khát nước" giữa mùa mưa:

Tổng Giám đốc Dawaco chính thức xin lỗi người dân và cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng

VietTimes -- "Dù việc thiếu nước thời gian qua do bất kỳ nguyên nhân gì thì Dawaco vẫn có trách nhiệm. Thay mặt Dawaco, tôi xin gửi lời xin lỗi đến người dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Xin mọi người thông cảm và chia sẻ", ông Hồ Hương - Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng gửi lời qua VietTimes.

Như VietTimes đề cập ở kỳ trước, dư luận Đà Nẵng đã đặt ra nghi ngờ, rằng liệu Dawaco có đang sử dụng người dân và tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng của thành phố để gây áp lực, nhằm đẩy nhanh việc xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên theo ý của mình.

Bài 1: Không ai, tổ chức, đơn vị nào có thể lấy người dân Đà Nẵng làm “con tin“!
"Quan điểm của tôi đó là cho dù với bất kỳ lý do gì thì không ai, không tổ chức, đơn vị nào có thể lấy người dân Đà Nẵng làm con tin. Hành động đó sẽ bị pháp luật nghiêm trị", Tổng Giám đốc Dawaco khẳng định khi VietTimes đặt vấn đề.

Vậy nhưng việc xây dựng nhà máy nước Hòa Liên liệu đã phải là "lời giải" thấu đáo cho bài toán cấp nước của đô thị lớn nhất miền Trung; Và những vấn đề xung quanh dự án nhà máy nước này cụ thể ra sao (?!). VietTimes tiếp tục trao đổi với ông Hồ Hương - Tổng Giám đốc Dawaco.

Với những gì đang diễn ra, liệu Nhà máy nước Hòa Liên có phải là lời giải cho bài toán cấp nước sinh hoạt cho TP Đà Nẵng hay không?

- Bên cạnh những vấn đề đã đề cập, dư luận cũng đang cho rằng Dawaco đã thiếu trách nhiệm trong vận hành trạm bơm An Trạch cứu mặn cho Nhà máy nước Cầu Đỏ. Cụ thể như: vận hành không đủ công suất, máy bơm hư, sợ tốn điện… Ông nói gì về những vấn đề này?

Trạm bơm An Trạch thiết kế với công suất 210.000m3/ngày đêm, với số lượng máy bơm hiện nay là 6 chiếc, mỗi chiếc có công suất 2.882,4 - 3.392,0 m3/giờ. Khi độ mặn tại Cầu Đỏ từ 250mg/l - 1.000mg/l thì vận hành trạm bơm An Trạch với số lượng bơm từ 1, 2 hoặc 3 bơm sẽ tùy theo việc quan trắc nước tại hồ sơ lắng giữ mức dưới 250mg/l.

Tuy nhiên, như thời điểm vừa qua, khi độ mặn trên 1.000mg/l thì vận hành 3 bơm, mỗi bơm có công suất là 2.882,4 - 3.392,0 m3/giờ. Như vậy là đảm bảo theo công suất trạm bơm.

Cũng phải khẳng định rằng việc phản ánh có 2 máy bơm hư đang sữa chữa là đúng, tuy nhiên, số máy bơm đang hoạt động vẫn đảm bảo theo công suất của trạm bơm này.

Về tiền điện, Điểm 5 Điều 3 Quyết định 06/2014/QĐ-UB ban hành biểu giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt và phê duyệt phương án giá tiêu thụ nước sách cho các mục đích khác trên địa bàn Tp. Đà Nẵng quy định: Phương án giá nước đã có dự kiến chi phí mua nước thô và tiền điện chạy máy bơm nước thô từ đập An Trạch về nhà máy nước Cầu Đỏ. Hằng năm, nếu không xảy ra hạn hán hoặc chi phí mua nước thô, tiền điện thấp hơn chi phí tính vào phương án giá nước thì Công ty có trách nhiệm nộp vào ngân sách số tiền chênh lệch. 

Như vậy, việc nghi ngờ của dư luận là không đúng bản chất sự việc.

- Dư luận cũng cho rằng có sự liên quan giữa HĐQT Dawaco và 2 nhà máy thép vừa bị UBND TP Đà Nẵng đình chỉ hoạt động. Mối quan hệ này khiến Dawaco hành xử như kiểu “bắt người dân Đà Nẵng làm con tin”. Ông có thể cho biết có tác động gì từ phía HĐQT đến việc điều hành cấp nước cho người dân Đà Nẵng hay không? Và liệu có chuyện này hay không?

HĐQT thực hiện chức năng theo điều lệ, giao kế hoạch sản xuất và giám sát việc thực hiện kế hoạch của ban điều hành.

Dawaco không liên quan gì đến 2 nhà máy thép đó. Và như tôi đã khẳng định: Không ai, không người nào, không đơn vị nào được phép lấy người dân Đà Nẵng làm con tin với bất cứ vì lý do gì. Bởi vì hành động đó đồng nghĩa với việc tự kết liễu mình.

Sự thực việc Đà Nẵng từ chối khoản vay không hoàn lại từ Nhật Bản

- Một vấn đề nữa vừa được báo chí đưa ra, đó là tại sao Dawaco kiến nghị TP từ chối khoản vay không hoàn lại của Nhật Bản để tự đầu tư Nhà máy nước Hòa Liên. Liệu có yếu tố lợi ích nhóm và khuất tất gì hay không thưa ông?

Để hiểu rõ hơn lý do từ chối khoản vay không hoàn lại của Nhật Bản để tự đầu tư nhà máy nước Hòa Liên, chúng tôi xin báo cáo một số điểm chính về quá trình đầu tư nhà máy nước Hòa Liên như sau:

Trước tiên, năm 2012, nhà máy nước Hòa Liên công suất 120.000 m3/ngày và các công trình phụ trợ như tuyến ống nước thô và trạm bơm nước thô được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt đầu tư xây dựng tại Quyết định 1379/QĐ-UBND ngày 28/2/2012 thuộc phân kỳ 2 Dự án mở rộng Hệ thống cấp nước Đà Nẵng sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Công ty Cấp nước Đà Nẵng khi đó còn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được giao làm chủ đầu tư. 

Tháng 03/2012, UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất cho JICA nghiên cứu khả thi Nhà máy nước Hòa Liên và đường ống nước thô theo hình thức Hợp tác công tư.

Theo đó, đến tháng 06/2014, JICA đã nộp Báo cáo khả thi cho UBND TP Đà Nẵng theo hướng đề xuất đầu tư theo mô hình: thành lập một doanh nghiệp dự án (SPC) gồm các công ty Nhật bản và các nhà đầu tư khác sử dụng vốn vay từ ADB, JICA và các nhà tài trợ khác để xây dựng nhà máy và cung cấp nước với giá bán sỉ tại nhà máy cho Dawaco.

Đà Nẵng "khát nước" giữa mùa mưa: Thường trực Thành ủy “vào cuộc”, đề nghị xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan
Giá bán sỉ năm đầu tiên được đề xuất tại Báo cáo khả thi là 7.690 đồng/m3 và hoàn toàn không có viện trợ không hoàn lại. Mức giá này không phù hợp để đầu tư, vì theo đó, giá bán lẻ đến người tiêu dùng lên đến 10.980 đồng/m3 - lớn hơn giá nước đã đề xuất tại Dự án vay vốn ADB là 7.918 đồng/m3.

Sau đó, Chính phủ Nhật Bản đồng ý cung cấp cho Doanh nghiệp dự án (SPC) nói trên một khoản vay từ nguồn tài chính đầu tư khu vực tư nhân để thực hiện xây dựng nhà máy nước Hòa Liên, đồng thời cũng cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại để xây dựng tuyến ống nước thô và công trình thu nước nhằm giảm giá nước và đảm bảo tính khả thi của dự án.

Theo đó, giá nước bán sỉ năm đầu tiên là 5.690 đồng/m3 và giá bán ra cho người tiêu dùng là 8.782 đồng/m3. Do đó, đến tháng 09/2014, Thành ủy Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương thực hiện đầu tư Dự án nhà máy nước Hòa Liên theo hình thức PPP với phương án có sử dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật cho các công ty Nhật Bản. Tuy nhiên, JICA đã từ chối viện trợ không hoàn lại cho Dự án này.

Đến tháng 3/2015, ADB thông báo không tài trợ cho phân kỳ 2 Dự án để đầu tư nhà máy nước Hòa Liên. Còn các công ty Nhật đề xuất lại giá nước mới là 6.260 đồng/m3 với phương án không có viện trợ không hoàn lại của JICA nên chưa được chấp thuận.

Ngày 24/6/2015, Dawaco (khi đó là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) đã xin chủ trương đầu tư nhà máy nước Hòa Liên theo phương án Dawaco tự đầu tư từ nguồn vốn vay trong nước với giá nước là 4.800 đồng/m3. Nhưng phương án này cũng chưa được chấp thuận.

Đến đầu năm 2016, các công ty Nhật Bản đề xuất lại phương án đầu tư mới: dự án sẽ được thực hiện theo hình thức PPP đối với Nhà máy nước Hòa Liên, trong đó chỉ lựa chọn nhà đầu tư giữa các công ty Nhật Bản và Chính phủ Nhật sẽ viện trợ không hoàn lại cho phần đập ngăn mặn, tuyến ống nước thô và trạm bơm và tiền viện trợ sẽ được chuyển cho công ty Nhật Bản trúng thầu. Tổng chi phí đầu tư xây dựng dự án khoảng 5.429 tỷ đồng và giá nước mới giảm chỉ còn 5.410 đồng/m3 cho năm đầu tiên nhà máy đưa vào sử dụng. Doanh nghiệp SPC Nhật Bản này sẽ vận hành nhà máy nước Hòa Liên trong thời gian 25 năm, vốn sẽ góp từ các doanh nghiệp tham gia đầu tư và vay từ các ngân hàng Nhật Bản, JICA…

Tháng 10/2016, UBND TP Đà Nẵng đã giao cho Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng là cơ quan chuẩn bị dự án theo hình thức PPP. Phương án này đã được UBND TP thống nhất và trình Chính phủ phê duyệt dự án. Dự án này dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào đầu năm 2022.

Đến ngày 09/02/2017, Công ty Cổ phần Cấp nước có Công văn số 119/CTCN-BQLDA và hồ sơ kèm theo gửi UBND TP Đà Nẵng đề nghị đầu tư dự án Xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên bằng nguồn vốn tự cân đối của Dawaco. Dự án có Tổng mức đầu tư án là 1.243,71 tỷ đồng, giá nước tại nhà máy dự kiến năm 2020 là 4.600 đồng/m3. 

Phương án đầu tư dự án xây dựng nhà máy nước Hòa Liên theo đề xuất của Dawaco sử dụng nguồn vốn trong nước, chi phí đầu tư thấp hơn, giá nước rẻ hơn và thời gian triển khai dự án sớm hơn so với phương án đầu tư dự án sử dụng viện trợ không hoàn lại của phía Nhật Bản. Đặc biệt, phương án này đáp ứng nhu cầu cấp bách về việc dùng nước của thành phố Đà Nẵng giai đoạn hiện nay.

Ngày 25/5/2017, Văn phòng Chính phủ đã đồng ý không sử dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản để đầu tư các công trình phụ trợ Nhà máy nước Hòa Liên.

Tiếp đến, ngày 24/7/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công hàm gửi Bộ Ngoại giao Nhật Bản về việc xin không nhận viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản. 

Như vậy, khoản viện trợ không hoàn lại (khoảng 40 triệu đô la Mỹ) mà chính phủ Nhật Bản cấp là cấp cho doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư xây dựng nhà máy nước Hòa Liên nhằm đưa giá nước từ 6.260 đồng/m3 xuống còn 5.410 đồng/m3 - chứ không phải viện trợ cho Đà Nẵng. Số tiền để đầu tư và vận hành nhà máy mà các công ty Nhật lập khoảng 5.429 tỷ đồng được các công ty Nhật Bản vay từ các Ngân hàng Nhật Bản và JICA.

Về phía Dawaco, phương án đề xuất của Dawaco xây dựng Nhà Máy với  kinh phí khoảng 1.243,71 tỷ bằng vốn tự có và vay trong nước và giá nước 4.600 đồng/m3.

Như vậy phương án của Dawaco có lợi cho các doanh nghiệp trong nước và giá nước thấp là có lợi cho xã hội.

Vì vậy tôi thấy không có gì là khuất tất, vấn đề là mọi người không được thông tin đầy đủ và kịp thời.

Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng-Dawaco
Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng-Dawaco 

"Tôi xin gửi lời xin lỗi đến người dân và cộng đồng doanh nghiệp"

- Sau tất cả những gì đang diễn ra, với tư cách là Tổng Giám đốc Dawaco, ông nhận thấy trách nhiệm của mình như thế nào với người dân Đà Nẵng?

Tôi xin trân trọng cảm ơn các cơ quan báo chí, truyền thông thời gian qua đã đưa tin và phản ánh kịp thời các hoạt động cấp nước trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng để người dân có thông tin.

Dù việc thiếu nước thời gian qua do bất kỳ nguyên nhân gì thì Dawaco vẫn có trách nhiệm. Thay mặt Dawaco, tôi xin gửi lời xin lỗi đến người dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Xin mọi người thông cảm và chia sẻ!

- Xin cảm ơn ông!