Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 9/6, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021, gần gấp đôi so với con số 4,8% cùng thời điểm năm trước, phù hợp với diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế. Diễn biến này đã góp phần kích hoạt các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.
Ngay từ đầu năm 2022, NHNN đã có chỉ đạo, định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
|
Tín dụng tăng 8% so với cuối năm trước. Ảnh: L.H |
Đồng thời, ngành ngân hàng tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ tại các tổ chức tín dụng (TCTD) theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 và các Thông tư sửa đổi, bổ sung; chính sách giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng; chương trinh cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất, các giải pháp về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán...
Theo kết quả khai thác tại hệ thống báo cáo tập trung của NHNN, đến cuối tháng 4, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ khi ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN hơn 695.000 tỷ đồng cho trên 1,1 triệu khách hàng. Dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ hiện còn hơn 198.000 tỷ đồng của gần 680.000 khách hàng. Lũy kế giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ là gần 91.000 tỷ đồng cho gần 490.000 khách hàng. Dư nợ miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ còn gần 18.000 tỷ đồng của hơn 166.000 khách hàng.
Trong 6 tháng cuối năm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết có nhiều yếu tố khó lường gây bất lợi nền kinh tế. NHNN sẽ kết hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ uyển chuyển, tích cực nhất, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.
NHNN sẽ hướng đến giải ngân cho vay các lĩnh vực ưu tiên, cần thiết để khôi phục nền kinh tế giúp doanh nghiệp trở lại sản xuất bình thường, khởi động các chuỗi hoạt động về hàng không, du lịch tạo hiệu quả chung, tăng trưởng ổn định nền kinh tế. Mặt khác, NHNN cũng sẽ kiểm soát các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro trong chứng khoán, bất động sản tạo sự ổn định kinh tế nói chung.
Theo NDH