Thống đốc NHNN: Kiểm soát tín dụng bất động sản để ngăn rủi ro cho các tổ chức tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo Thống đốc NHNN, cho vay bất động sản cần vốn lớn, dài hạn, nếu không kiểm soát thì có thể dẫn đến việc khách hàng muốn rút tiền mà ngân hàng chưa đòi được tiền ở các khoản nợ dài hạn, mất thanh khoản.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng (Ảnh: VGP)
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng (Ảnh: VGP)

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội chiều nay (8/6), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng khẳng định NHNN luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm các quy định về cho vay, trích lập dự phòng rủi ro để chủ động trong trường hợp nợ xấu phát sinh.

Trong thời gian qua, khi doanh nghiệp gặp khó khăn, hệ thống các ngân hàng đã thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ và cho phép giữ nguyên nhóm nợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục được vay. Tuy nhiên, NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động trích lập dự phòng để có giải pháp xử lý khi xảy ra nợ xấu.

Về tín dụng bất động sản, Thống đốc NHNN cho biết thị trường này bao gồm nhiều chủ thể, nhiều nguồn đầu tư khác nhau và tín dụng ngân hàng chỉ là một kênh tham gia vào thị trường. Quan tâm của ngân hàng là rủi ro mất vốn, rủi ro tín dụng, và quan trọng hơn cả là rủi ro thanh khoản.

“Bản chất của tín dụng bất động sản là giá trị lớn và kỳ hạn dài, trong khi tiền gửi trong hệ thống ngân hàng là ngắn hạn. Nếu các tổ chức tín dụng cho vay không kiểm soát thì có thể có thời điểm khách hàng muốn rút tiền nhưng ngân hàng chưa đòi được tiền ở các khoản nợ dài hạn”, Thống đốc NHNN nói.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, những quy định mà NHNN đề ra xuyên suốt nhiều năm qua chính là kiểm soát những rủi ro như vậy. Còn việc cho vay đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản là do tổ chức tín dụng thỏa thuận với khách hàng, nhưng phải đảm bảo an toàn hoạt động của cả hệ thống.

Về áp lực lạm phát, Thống đốc NHNN cho rằng mặc dù lạm phát 5 tháng đầu năm tăng 2,52% nhưng chủ yếu là do tác động của yếu tố giá, chưa tính đến những tác động của các gói hỗ trợ trong chương trình phục hồi kinh tế.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ phối kết hợp các công cụ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô cũng như diễn biến của các gói hỗ trợ để đưa ra những giải pháp điều hành phù hợp.

Thống đốc NHNN cũng cho rằng cần phối hợp thêm chính sách kiểm soát giá các mặt hàng quan trọng do Nhà nước quản lý như giá xăng dầu, dịch vụ y tế, giáo dục… đây là những mặt hàng chiếm tỉ trọng lớn trong rổ hàng hóa tính CPI.

Về phương án xử lý các ngân hàng 0 đồng, bà Hồng cho rằng việc xử lý các ngân hàng yếu kém vốn đã khó, trong điều kiện nền kinh tế chịu tác động bởi dịch Covid-19, thực hiện tái cơ cấu các ngân hàng 0 đồng càng khó hơn.

“Vừa qua, NHNN đã chủ trì, có báo cáo về chủ trương tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém này, tiếp tục triển khai với mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo yên tâm cho người gửi tiền” bà Hồng nói.

Như VietTimes từng đề cập, Vietcombank và MB là hai ngân hàng có chủ trương tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém. Trong đó, MB được tin là sẽ tiếp quản Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank), còn Vietcombank đã từng tham gia hỗ trợ Ngân hàng Xây dựng (CBBank) tái cơ cấu.

Giới chuyên gia cho rằng, khi tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém, các nhà băng nhận sứ mệnh sẽ được hưởng một số cơ chế đặc thù, mà quan trọng hơn cả là những ưu ái về ‘room’ tín dụng. Trong một báo cáo BVSC đánh giá, MB có thể được nới ‘room’ tín dụng lên 30 – 35%, trong khi Vietcombank cũng được dự báo dư nợ cho vay khách hàng sẽ tăng trưởng 16%.

Chủ tịch Quốc hội: Chính sách đối với thị trường chứng khoán, trái phiếu phải thông suốt, nhất quán

Phát biểu điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh thông điệp của nhà điều hành đều khẳng định không siết thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản nhưng thực tế 5 tháng đầu năm 2022, thị trường này chững lại.

Đối với thị trường trái phiếu, nhiều nhà đầu tư có tiềm lực, muốn huy động vốn để hoạt động, rất khó khăn. “Phải thanh tra, kiểm tra, giám sát từ sớm, từ xa, tránh trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng” thì rất dở. Nhưng để xảy ra trường hợp mất bò rồi mà không dám làm lại chuồng để nuôi bò tiếp nữa, thì còn dở hơn”, ông bình luận.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị đề nghị cần phải chấn chỉnh, xử lý những cái méo mó, hư hỏng của thị trường chứ không phải là đóng cửa, hạn chế thị trường phát triển. Do đó, chính sách đối với tài chính, đối với kinh tế không thể giật cục, phải nhất quán, thông suốt, phải có dự phòng nhiều nội dung khác nhau./.