Ngân hàng 'thừa tiền' vì cạn 'room' tín dụng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việc các ngân hàng hết ‘room’ tín dụng đã khiến cho tín dụng không đẩy thêm được ra ngoài trong những ngày cuối tháng 5/2022. Diễn biến này khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh.
Ngân hàng 'thừa tiền' vì cạn 'room' tín dụng?
Ngân hàng 'thừa tiền' vì cạn 'room' tín dụng?

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 27/5/2022 ước đạt 7,75%, mức cao nhất trong 10 năm qua và tăng gần gấp đôi so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm ngoái.

CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, việc các ngân hàng đều đã hết ‘room’ tín dụng trong khi NHNN vẫn chưa thực hiện thực hiện nới ‘room’ đã khiến tín dụng không được đẩy ra ngoài trong những ngày cuối tháng 5.

“Diễn biến này đã khiến cho lãi suất suất trên thị trường liên ngân hàng có diễn biến giảm mạnh, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021 tới nay”, BVSC cho hay.

Mặt khác, gói hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỉ đồng (tương đương số vốn 2 triệu tỉ đồng lãi suất thấp) đã chính thức được thông qua trong tháng 5 và NHNN bắt đầu triển khai thực hiện với các ngân hàng thương mại.

Theo BVSC, khi NHNN thực hiện nới ‘room’ tín dụng cho các ngân hàng, gói cấp bù lãi suất này sẽ là động lực giúp tín dụng tiếp tục tăng trưởng mạnh trong nửa sau của năm 2022.

Đồng quan điểm, bộ phân nghiên cứu của CTCP Chứng khoán SSI (SSI) cho rằng việc tín dụng chậm lại đã giảm bớt áp lực về mặt thanh khoản và giúp mặt bằng lãi suất liên ngân hàng có thể duy trì ở mức thấp, trong bối cảnh đồng VND chịu áp lực mất giá.

Tuy nhiên, theo SSI, việc giải ngân tín dụng liên quan đến chương trình hỗ trợ lãi suất có thể không đạt tiến độ như kỳ vọng nếu NHNN không cấp thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng trong thời gian tới.

Trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) - nhận định việc nới 'room' là cần thiết để ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.

Tuy nhiên, với mục tiêu điều hành là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát của NHNN, chủ trương nới 'room' phải trên cơ sở phân tích, đánh giá thận trọng, linh hoạt. NHNN sẽ phải rà soát kỹ hoạt động tín dụng cũng như tình hình tài chính của các ngân hàng, cần nới ‘room’ tín dụng có chọn lọc với các ngân hàng mạnh, có độ tuân thủ cao về an toàn vốn./.