Chưa hết nửa đầu năm 2022, nhiều ngân hàng đã cạn 'room' tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tính đến cuối tháng 5/2022, tăng trưởng tín dụng tại hầu hết các ngân hàng lớn đã gần chạm mức trần tín dụng mà NHNN đặt ra đầu năm.
Chưa hết nửa đầu năm 2022, nhiều ngân hàng đã cạn 'room' tín dụng (Ảnh minh hoạ - Nguồn; Internet)
Chưa hết nửa đầu năm 2022, nhiều ngân hàng đã cạn 'room' tín dụng (Ảnh minh hoạ - Nguồn; Internet)

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tính đến ngày 25/5, tín dụng trong hệ thống ghi nhận mức tăng 7,75% so với cuối năm 2021, tương đương tăng 16,5% so với cùng kỳ.

Mặc dù tín dụng tăng gần gấp đôi so với mức tăng của cùng kỳ năm ngoái, nhưng tốc độ tăng trưởng đã có phần chậm lại khi tính theo tháng (tháng 3/2022 tăng 16,9% so với cùng kỳ).

Trong báo cáo thị trường tiền tệ, trái phiếu tuần 23-27/5/2022, bộ phận nghiên cứu của CTCP Chứng khoán SSI (SSI) cho rằng, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nêu trên là do thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trong giai đoạn chững lại (giao dịch trái phiếu doanh nghiệp cũng được tính trong tăng trưởng tín dụng).

Một phần khác, tăng trưởng tín dụng tại hầu hết các ngân hàng lớn đã chạm mức trần tín dụng mà NHNN đặt ra đầu năm. Do vậy, việc giải ngân tín dụng mới sẽ được các ngân hàng cân nhắc hơn.

Nguồn: Bloomberg, SBV, SSI tổng hợp
Nguồn: Bloomberg, SBV, SSI tổng hợp

Trong bối cảnh đó, NHNN được tin rằng sẽ thực hiện đợt nới ‘room’ tín dụng mới trong quý 2/2022.

Năm ngoái, NHNN đã có 2 đợt nới ‘room’ tín dụng đáng chú ý, diễn ra vào tháng 7 và tháng 11. Việc nới ‘room’ sẽ dựa trên chất lượng tài sản, quy mô hoạt động của từng ngân hàng.

TPBank được cho là nhà băng được cấp ‘room’ tín dụng cao nhất năm 2021, lên tới 23,4%. Tiếp đến là các ngân hàng Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MB (21%).

Bên cạnh việc hỗ trợ nền kinh tế, câu chuyện nới ‘room’ tín dụng năm 2022 còn phải kể đến những nhà băng tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém, cụ thể là Vietcombank và MB.

Theo BVSC, MB có thể được nới ‘room’ tín dụng lên 30 – 35%, trong khi Vietcombank cũng được dự báo dư nợ cho vay khách hàng sẽ tăng trưởng 16%.

Việc tín dụng chậm lại đã giảm bớt áp lực về mặt thanh khoản và giúp mặt bằng lãi suất liên ngân hàng có thể duy trì ở mức thấp, trong bối cảnh đồng VND chịu áp lực mất giá.

Thanh khoản dồi dào giúp lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng trong tuần từ 23-27/5/2022 có thời điểm giảm xuống dưới 1% - mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021 và bật tăng nhẹ trở lại vào cuối tuần./.