Theo FB Nguyễn Hồng Lam chiều 18/3, "Đình Tự Đông ở khu dân cư số 4, phường Cẩm Thượng, TP Hải Dương, là Di tích Văn hóa Lịch sử Quốc gia. Khởi dựng từ thời hậu Lê, được tu sửa nhiều lần, đến nay, di tích vẫn giữ được kiến trúc nghệ thuật căn bản thời Lê thế kỷ XVIII, khá đồng bộ từ cảnh quan, tiền bái, hậu cung. Theo báo Hải Dương ra ngày 18/3, suốt 3 tuần qua, đoàn viên thanh niên ở đây đã vận động tổng kinh phí 40 triệu đồng phủ sơn toàn bộ đầu hồi và 40m tường rào của đình. Mục đích là vẽ “Con đường bích hoạ” lên di tích cấp quốc gia để hưởng ứng… Tháng Thanh niên năm 2022!"
Ngay lập tức, ngày 19/3, được biết do “dư luận phản ánh”, TP. Hải Dương đã chỉ đạo lập tức xoá sạch bức “bích hoạ" này.
Ai dễ tính có thể khen ngợi TP. Hải Dương đã nhanh chóng ghi nhận và sửa sai.
Và may là đây là sơn vẽ trên tường có thể cứu vãn tẩy xoá được. Còn rất nhiều chuyện phá hỏng, thay đổi biến dạng di sản, di tích khác diễn ra hàng ngày, mà chẳng thể kể ra hết.
Tuy vậy, từ sự việc này, một vài câu hỏi nên được đặt ra.
Cần phổ cập kiến thức di sản
Đây là những hiểu biết cơ bản nhất về trách nhiệm bảo tồn, giữ gìn, hiểu thế nào là xâm phạm di sản vẫn còn mù mờ trong xã hội. Ngay cả những tầng lớp có chút kiến thức và đoàn thể nhà nước (ở đây là Đoàn Thanh Niên và các học sinh - sinh viên tại địa phương).
Ảnh tranh tường ở Paris (Pháp) do tác giả chụp. |
Việc bàn và giáo dục về di sản không phải là chính sách vĩ mô, không chỉ là một chuyên ngành riêng, không phải lúc nào cũng cần kinh phí lớn. Mỗi làng xã đều có đình, có chùa,... Di sản nằm khắp nơi, chính những người dân sống ngay cạnh đó cần hiểu, yêu quý và biết giữ gìn đúng đắn. Người dân cần biết những khái niệm đơn giản và giải thích dễ hiểu, ví dụ “giữ gìn tối đa nguyên trạng” có nghĩa là: “không làm thay đổi hình dáng, vật liệu, màu sắc, không thêm bớt các chi tiết, hình khối mới”.
Những hội thảo bảo tồn có lẽ nên bớt long trọng trong hội trường lớn, giữa những nhà chuyên môn, mà nhiều phần cần thay bằng những tóm tắt đơn giản, giao lưu với người dân, tại chính địa điểm những di sản, không chỉ ở TP. lớn, mà tại từng địa phương trên khắp cả nước. Có được như thế, chính người dân mới nhận thức đúng để “canh gác” di sản đình chùa, miếu mạo của cha ông, tổ tiên, làng xóm của chính mình, tránh những sự “nhiệt tình” không đúng cách biến thành “phá hoại”.
"Bích hoạ” - làm đẹp hay làm bẩn mỹ quan?
Quay lại vụ việc này, động cơ của Đoàn Thanh niên giải thích là muốn "làm sạch bức tường bị sơn, dán quảng cáo lem nhem". Đây cũng là một trong các lý do hay gặp trong vài năm gần đây khi các bức tranh tường mọc lên khắp nơi. Vàng thì ít, thau thì nhiều. Nhưng trong một xã hội mà giới nghệ sĩ tham gia vào nghệ thuật đường phố còn khiêm tốn, hay nói cách khác, nghệ thuật tranh tường đô thị còn mới mẻ thì những sản phẩm tranh tường hiện nay đang phản ánh thực tế thị hiếu thẩm mỹ của người dân.
Ảnh tranh tường ở Paris (Pháp) do tác giả chụp. |
Bản thân nghệ thuật đường phố mang tính tạm thời, có thể liên tục thay đổi, như những tấm màn sân khấu. Nó có thể mang tính thời sự, sự kiện, hoặc được giữ lâu dài nếu giá trị nghệ thuật được khẳng định, được người dân yêu thích và trở nên nổi tiếng.
Từ khía cạnh xã hội, thiết kế đô thị hoạch định từ trên cao đã bộc lộ những hạn chế khi xa rời người sử dụng, thiếu tính địa phương và tinh thần nhân văn. Những tầng lớp người dân (thanh thiếu niên, trẻ em, hội phụ nữ, hội cựu binh, các nghệ sĩ nghiệp dư,..) được thực hiện các tác phẩm nghệ thuật đường phố là một hướng đi nên được chào đón. Nó phù hợp với quan niệm ngày nay về xây dựng không gian công cộng có sự tham gia của cộng đồng.
Không khó để kể ra nhiều ví dụ thành công của những tác phẩm tranh tường đã thay đổi những góc phố tối tăm, nhếch nhác, những khu vực bỏ hoang… như những vòm cầu phố Phùng Hưng (Hà Nội), nhiều đoạn tranh gốm sứ có giá trị dọc bờ đê sông Hồng, những tác phẩm tái chế khu vực ngoài đê Phúc Tân - Hà Nội.
Con đường bích hoạ ở khu vực làng chài ở Quảng Nam cũng giàu giá trị nghệ thuật, là địa điểm check in của nhiều du khách, làm sống động làng chài và thu hút khách tham quan. Nhỏ hơn, những bốt điện “nở hoa” hay sự hiện diện của những bức tranh tường nơi những chân toà nhà tập thể tối tăm trước là nơi phóng uế hay góc tối nguy hiểm được người dân và trẻ em vui mừng chào đón, khiến họ yêu quý và cảm thấy an toàn tại khu phố mình hơn.
Tuy vậy, sự việc vẽ tranh lên tường đình chùa (hoặc tô màu sắc sặc sỡ, nhiều khi với hình ảnh giống pa-nô cổ động hơn là một bức tranh nghệ thuật) lại gây phản cảm. Nó vô hình trung cũng là một sự ô nhiễm thị giác. Những bức vẽ này làm xấu mỹ quan đô thị, làng xóm. Giống như vấn nạn những biển quảng cáo khổng lồ trên mặt tiền các toà nhà bị chỉ trích nhiều năm trước.
Ảnh tranh tường ở Paris (Pháp) do tác giả chụp. |
Đâu là giới hạn của “tranh tường - nghệ thuật đường phố”?
Về nguồn gốc, bản thân lối vẽ Graffiti là một loại hình không chính thống, không xin phép. Ra đời vào những năm 60 của thế kỷ 20 tại Mỹ, đó là những tranh vẽ ở những vị trí khó tiếp cận như tường đường cao tốc, cầu vượt, tường toà nhà cao tầng, trong hầm tàu điện ngầm, tường công trường xây dựng,... thường được vẽ lén lút về đêm hoặc tránh bị bắt gặp. Người vẽ thì ẩn danh. Dần dần khi nó nở rộ thì đôi khi các hoạ sĩ vẽ thể hiện những thông điệp xã hội, chính trị trên những công trình công cộng lớn, hay những toà nhà có chủ sở hữu. Nhưng những hành động này bị xếp vào việc phá hoại tài sản tư nhân hoặc công cộng, bị cấm và có thể bị truy tố.
Khi lan sang châu Âu, đôi khi Graffiti được xếp chung vào loại hình “street art – nghệ thuật đường phố”. Những bức tranh “không hợp pháp” vẫn được chào đón, nhưng thường ở những khu dân cư, những bức tường khu phố nhỏ hay công trường,.. Những tác phẩm đa dạng cách thể hiện đã vượt xa khỏi giới hạn loại hình Graffiti vẽ bằng các bình sơn xịt. Nổi danh bởi giá trị nghệ thuật và thông điệp của nó, những bức tranh “không hợp pháp” đó được yêu thích, giữ gìn, và thậm chí trở thành điểm tham quan, thành dấu ấn đương đại của các TP.. Nhiều nghệ sĩ được mời vẽ tranh trên những bức tường trống lớn để làm sinh động hơn hình ảnh những toà nhà cao tầng buồn tẻ.
Ở Pháp, nhiều TP. lớn như tại quận 13 Paris hay Vitry sur Seine nơi tôi ở, là những khu vực nổi tiếng về nghệ thuật tranh tường. Số lượng tranh lên tới hàng ngàn, do hàng trăm nghệ sỹ nổi tiếng hoặc nghiệp dư vẽ. Họ vẽ lên khắp hòm thư, tường nhà, có bức lớn trải trên tường toà nhà cao tầng. Trông thì thật tự do nhưng mọi thứ đều có một số tiêu chí cơ bản:
+ Trên những công trình công cộng thì không cho phép vẽ, vì thường là những công trình có kiến trúc đặc thù riêng. Việc vẽ tranh hãn hữu có thể xảy ra thì cũng là được lựa chọn nghệ sĩ hoặc loại hình tác phẩm nhân những sự kiện đặc biệt.
+ Với công trình di tích lịch sử, việc này hoàn toàn không được phép.
+ Trên những công trình có chủ sở hữu, thường những bức tranh tường được vẽ với sự đồng ý của chủ quản lý toà nhà, hoặc được họ mời sáng tác. Ở những khu vực có tính biểu tượng hoặc ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, việc vẽ lên tường cần sự cho phép của lãnh đạo địa phương. Tuy vậy nội dung bức tranh không cần được phê duyệt mà được nghệ sĩ tự do sáng tác.
+ Còn lại, mọi loại hình vẽ lên tường, lên các trang thiết bị công cộng, trên lý thuyết, đều là không hợp pháp. Nhưng như nói ở trên, nó vẫn được « bao dung » cho hiện diện nếu không xâm hại vào các công trình công cộng, di sản hay những vị trí có ảnh hưởng cảnh quan đô thị cao.
***
Nhìn về phong trào đang nở rộ ở Việt Nam, thiết nghĩ cũng dần nên có những quy định, quy ước cơ bản. Các địa phương nên hướng tới mời những hoạ sĩ, nghệ sĩ cùng tham vấn sáng tác với người dân, đoàn thể. Để tránh việc cái gọi là “bích hoạ đường phố”, trở thành “thảm hoạ đường phố”, màu sắc loè loẹt, nội dung sáo rỗng, không đúng vị trí, vừa tốn tiền bạc, công sức thực hiện, vừa gây ô nhiễm thị giác người dân, làm mất mỹ quan từ đô thị đến nông thôn.
(*) Tác giả TS. KTS Bùi Uyên là Kiến trúc sư quy hoạch, Công ty AEV Architectures - Vùng Ile de France, Paris, Pháp.