Đất nước hùng cường, nhìn từ 2 đại dự án

Tùng Lâm
Tùng Lâm

Nhà báo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam

Thực tiễn cho thấy đất nước phát triển nhanh hay chậm đều do thể chế. Thể chế vì người dân và doanh nghiệp thì đất nước phát triển nhanh, nếu thể chế vì quyền, lợi ích của cán bộ công quyền thì sẽ ngăn cản, kéo lùi sự phát triển.

1. Hôm nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng, lễ khánh thành Dự án Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) được tổ chức trực tiếp, bắt đầu lúc 8h30 tại tỉnh Hưng Yên và kết nối trực tuyến đến các điểm cầu tại 8 tỉnh có đường dây đi qua gồm: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên.

Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư khoảng 22.300 tỷ đồng đi qua 9 tỉnh, với tổng chiều dài 519 km. Dự án có quy mô 1.177 cột, trong đó cột nặng nhất 415 tấn, cao nhất là 145 m.

Dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong điều phối truyền tải điện liên miền Bắc - Trung - Nam, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho miền Bắc và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Theo đại diện chủ đầu tư, với dự án quy mô như trên, thông thường công tác chuẩn bị đầu tư mất từ 2-3 năm mới có thể khởi công. Tuy nhiên, dự án này chỉ mất chưa đầy 5 tháng từ khi trình lần đầu. Sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, tháng 10/2023, chủ đầu tư Tổng Công ty Truyền tải điện Việt Nam đã khởi công dự án cung đoạn Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 - Thanh Hóa và đến ngày 18/1/2024 triển khai thi công đồng loạt 3 dự án còn lại.

Như vậy, tính từ khi khởi công gói thầu cuối cùng, đến nay chỉ mất hơn 7 tháng để thi công, hoàn thành công trình, thay vì từ 2-3 năm so với trước đây. Đây là điều chưa từng có, một kỳ tích trong xây dựng công trình điện tại Việt Nam.

2. Một công trình khác là cao tốc Bắc-Nam. Năm 2004, đoạn tuyến cao tốc đầu tiên của Việt Nam là TP Hồ Chí Minh - Trung Lương được khởi công, với chiều dài 62km, và trong 20 năm sau đó Việt Nam mới xây dựng được gần 1.200 km cao tốc. Nhưng sau khi có chủ trương xây dựng cao tốc Bắc - Nam, 3 năm qua, Việt Nam đã hoàn thành thêm được 858 km cao tốc.

Ngày 18/8/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động đợt cao điểm 500 ngày đêm thi đua hoàn thành mục tiêu để cả nước có 3.000 km cao tốc năm 2025 như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra.

Ngày 27/8/2024, tại lễ trao giải báo chí viết về ngành GTVT, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết với tiến độ hiện nay, đến 30/4/2025 có thể thông được toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam (từ Hà Nội đến TP.HCM) và đến 31/12/2025, sẽ thông toàn tuyến cao tốc đến mũi Cà Mau.

img1300-17078188533891351355275.jpg
Thủ tướng nhiều lần kiểm tra tiến độ thi công các dự án thành phần đường bộ cao tốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

3. Nhìn vào hai đại dự án trên, có thể thấy đất nước đang có một cơ hội để bứt tốc, phát triển nhanh. Đối với một quốc gia, việc phát triển cơ sở hạ tầng quyết định đến phát triển kinh tế. Nhưng vì sao hai dự án trên lại triển khai thần tốc được, trong khi tình trạng giải ngân vốn đầu tư công nhiều năm qua vẫn là nút thắt, nhiều bộ ngành, địa phương phải trả lại tiền ngân sách do vướng mắc không thể tiêu hết? Vì sao cùng trong hệ thống vận hành, cùng chung một hệ thống pháp luật nhưng hiệu quả lại khác nhau?

Không thể phủ nhận, cả hai dự án trên đều nhận được sự quan tâm và chỉ đạo đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Gần như tháng nào ông cũng họp rà soát tiến độ, hoặc trực tiếp đến công trường chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc cho dự án. “Việc giao trách nhiệm giải phóng mặt bằng (GPMB) cho địa phương rõ ràng, dứt khoát nên chưa có công trình nào GPMB nhanh như vậy, mặt bằng chờ thi công chứ không phải thi công chờ mặt bằng như trước. Hơn nữa, sự quan tâm của người đứng đầu Chính phủ khiến không ai dám lơ là công việc”, lãnh đạo một đơn vị là chủ đầu tư dự án chia sẻ.

Ngoài sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng, công trình cao tốc Bắc Nam còn được Quốc hội cho triển khai theo cơ chế đặc thù như chỉ định thầu, nhà thầu được chủ đầu tư, chính quyền địa phương lo nguồn vật liệu, thay vì phải đi mua gom qua chủ mỏ…

4. Trên diễn đàn Quốc hội, gần đây có xu hướng nhiều tỉnh thành xin cơ chế riêng. Nếu như trước đây chỉ có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lấy lý do đô thị đặc biệt xin cơ chế riêng thì nay, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An cũng xin cơ chế riêng. Nhiều dự án muốn làm nhanh cũng phải xin cơ chế đặc thù. Xu hướng này nói lên một thực tế, các khung khổ pháp luật mà Quốc hội ban hành đang có xu hướng “trói” hơn là “cởi”, dẫn tới phải xin cơ chế riêng để vận hành.

5. Tại Hội nghị các đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 27/8, dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, báo Pháp luật TP.HCM tường thuật, khi ông Mẫn tiếp chủ tịch Đảng Tự do của Nhật, họ cho hay một kỳ họp Quốc hội của nước này làm 230 luật, một luật 1-2 trang. Còn luật của Việt Nam mấy trăm trang, trên 100 điều.

Vẫn theo lời ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định vừa đi Trung Quốc học tập kinh nghiệm thì thấy rằng Trung Quốc một năm họp Quốc hội 2 kỳ, mỗi kỳ họp khoảng 3-7 ngày. “Như vậy, việc làm luật là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ủy viên chuyên trách của Quốc hội làm. Tới đây chúng ta phải đổi mới như thế nào?” - Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Từ thực tiễn trên cho thấy, đất nước phát triển nhanh hay chậm đều do thể chế. Thể chế tốt, vì người dân và doanh nghiệp thì đất nước phát triển nhanh, thể chế vì quyền và lợi ích của cán bộ công quyền thì ngăn cản, kéo lùi sự phát triển.

Tuy nhiên, hiện việc xây dựng pháp luật vẫn do các cơ quan bộ, ngành của bộ máy hành chính soạn thảo, Quốc hội chỉ cho ý kiến rồi bấm nút. Khi nào chính những công chức nhà nước đang nắm quyền quản lý lại là người soạn thảo pháp luật thì khi đó người dân và doanh nghiệp khó mà “dễ thở” hơn.

Nên cái gốc của đổi mới, cái gốc của phát triển để Việt Nam thành nước hùng cường vào năm 2045 là phải đổi mới cách thức xây dựng pháp luật, như Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa trăn trở!