Đằng sau việc Fed tạm ngừng tăng lãi suất

VietTimes – Sau 10 lần liên tiếp tăng lãi suất, ngày 14/6, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định tạm ngừng nâng lãi suất để có thêm thời gian đánh giá tác động của các đợt tăng trước đó.

fed-meeting-recap-june-2023.png
Giới chức Fed quyết định tạm ngừng nâng lãi suất (Ảnh: Bankrate)

Tạm ngừng, có thể tiếp tục trong tương lai

Sau 10 lần tăng lãi suất liên tiếp, Fed đã quyết định duy trì lãi suất ở mức hiện tại. Tuy nhiên, họ đã đưa ra tín hiệu sẵn sàng tăng lãi suất trong tháng tới nếu nền kinh tế và lạm phát không hạ nhiệt.

Các dự báo kinh tế, được công bố trong hôm 14/6 (giờ Mỹ), cho thấy giới chức Fed đang thiên về giảm nhịp độ nâng lãi suất thay vì ngừng hẳn. Hầu hết các quan chức đều ủng hộ nâng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay – có khả năng lên mức cao nhất trong vòng 22 năm – và thúc đẩy kỳ vọng về tăng trưởng và kiềm chế lạm phát.

“Họ thực sự cần phải đưa ra tín hiệu rõ ràng rằng đây chưa phải kết thúc, và họ đã làm như vậy”, Diane Swonk, Kinh tế trưởng đến từ KPMG, cho hay.

Trong tuyên bố sau cuộc họp, Fed ngụ ý rằng quyết định giữ nguyên lãi suất tham chiếu trong khoảng 5%-5,25% có thể chỉ là tạm thời.

Sau khi duy trì mức lãi suất gần 0 sau đại dịch COVID-19, Fed đã nâng lãi suất tại mọi cuộc họp chính sách kể từ tháng 3/2022 với tổng cộng 5 điểm phần trăm, nhịp độ tăng nhanh nhất kể từ những năm 1980. Fed đã giảm nhịp độ trong năm nay, chỉ nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong 3 cuộc họp trước đó, gần đây nhất là trong tháng 5.

1.png
Mụ tiêu lãi suất tham chiếu (Ảnh: Fed)

Quyết định không nâng lãi suất “là sự nối tiếp của tiến trình đó”, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói tại cuộc họp báo. Do các quan chức tin rằng họ đã ở gần điểm đến cuối cùng như thế nào “thì việc đi chậm hơn là điều bình thường”.

Fed chống lạm phát bằng cách hạ nhiệt nền kinh tế thông qua nâng lãi suất, tạo ra các điều kiện tài chính bị siết chặt như chi phí vay mượn tăng, giá cổ phiếu giảm và đồng USD mạnh hơn.

Bất đồng trong nội bộ Fed

Trước đó, giới chức Fed đã vấp phải sự bất đồng trong nội bộ về việc có giữ nguyên lãi suất hay không. Tình trạng này kéo dài suốt nhiều tuần lễ.

Trong tháng 3, một số quan chức tỏ rõ sự hoài nghi về việc nâng lãi suất sau khi chứng kiến sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), kéo theo sự đổ vỡ của 2 ngân hàng cỡ trung khác. Họ cho rằng tăng chi phí vay mượn với nhiều ngân hàng sẽ gây rủi ro khủng hoảng tín dụng, từ đó khiến họ tăng lãi suất ít hơn.

“Chúng tôi chưa hiểu hết được mức độ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng ngân hàng mà chúng tôi đã chứng kiến”, ông Powell thừa nhận. “Vẫn còn sớm để đưa ra kết luận”.

Một số quan chức khác lại bày tỏ quan ngại về việc lạm phát, hoạt động thuê nhân công và chi tiêu tiêu dùng vẫn không giảm đi như mong muốn.

Ông Powell và một số đồng nghiệp đã gợi ý về một sự thoả hiệp trong tháng trước, trong đó các quan chức sẽ bỏ qua một đợt nâng lãi suất trong tháng 6 và có khả năng sẽ tiếp tục nâng trong cuộc họp tổ chức ngày 25 và 26/7.

2.png
Sự thay đổi của các chỉ số giá lõi, cùng với dự báo (Ảnh: WSJ)

“Những cú sập ngân hàng trong tháng 3 đã khiến Fed giảm nhịp độ nâng lãi suất so với dự kiến”, Dean Maki, Kinh tế trưởng đến từ quỹ phòng hộ Point72 Asset Management, nhận định. “Việc làm chậm nhịp độ nâng lãi suất ở thời điểm này là có thể hiểu được”.

Do dữ liệu kinh tế về tuyển dụng và lạm phát được công bố mới đây mạnh hơn so với dự báo của nhiều chuyên gia, nên việc Fed ngừng nâng lãi suất trong tuần này trở nên dễ giải thích hơn, theo ông Maki.

Các dự báo kinh tế được công bố ngày 14/6 cho thấy 12 trên 18 quan chức Fed cho rằng họ cần phải nâng lãi suất lên trong khoảng 5,5%-5,75% trong năm nay – hoặc cao hơn – nếu như nền kinh tế hoạt động giống như kỳ vọng của họ. Điều này cũng có nghĩa rằng Fed sẽ phải nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm thêm 2 lần ở bất kỳ cuộc họp nào trong số 4 cuộc họp cuối năm nay.

Có 4 quan chức khác cho rằng lãi suất chỉ cần phải tăng thêm 0,25 điểm phần trăm. 2 quan chức cho rằng lãi suất có thể được duy trì ở mức hiện tại trong phần còn lại của năm nay.

Trong tháng 3, hầu hết quan chức Fed dự báo rằng sẽ không có đợt nâng lãi suất nào sau khi đã nâng lên trong khoảng hiện tại.

Khó nâng lãi suất trong tương lai?

Ông Powell đã thành công trong việc duy trì sự đoàn kết của Ủy ban Chính sách tiền tệ từ khi lạm phát tăng đột ngột hai năm trước, chỉ có một tiếng nói phản đối duy nhất kể từ khi Ngân hàng Trung ương Mỹ bắt đầu rút lại các biện pháp kích thích trong giai đoạn kết thúc năm 2021. Quyết định được đưa ra vào ngày 14/6 cũng nhận được sự nhất trí.

Dự báo của giới chức Fed về 2 đợt nâng lãi suất nữa trong năm nay – cao hơn so với kỳ vọng của nhiều chiến lược gia về lãi suất – là một cách để trung hoà giữa một bên là các quan chức muốn nâng lãi suất trong tuần này và bên còn lại là những người muốn chờ đợi thêm, trong đó có cả ông Powell, theo nhận định của bà Swonk.

“Đây là cách cuối cùng mà ông Powell có được sự đồng thuận”, bà nói. “Hiện tại, ông ấy rõ ràng là ôn hoà hơn các đồng nghiệp của mình, nhưng bằng cách đảm bảo về một đợt nâng lãi suất trong tháng 7, ông ấy đã giúp cho mọi người đồng lòng”.

Tuy nhiên, ông Powell không nêu rõ điều gì sẽ khiến Fed nâng lãi suất trong tháng tới. Một số nhà phân tích cho rằng quyết định tạm ngừng nâng lãi suất hôm 14/6 sẽ sớm được chứng minh là một sai lầm.

3.png
Các dự báo về mục tiêu lãi suất trong các năm tới (Ảnh: WSJ)

“Lần tới nâng lãi suất sẽ khó khăn hơn là họ nghĩ”, Vincent Reinhart, Kinh tế trưởng đến từ BNY Mellon, nói. “Dữ liệu có thể sẽ mơ hồ hơn đôi chút. Họ giải thích rằng họ sẽ hiểu tình hình tốt hơn trong 6 tuần nữa, nhưng thực tế là không phải như vậy. Có khả năng họ càng bối rối hơn sau 6 tuần nữa”.

Nền kinh tế Mỹ mới chỉ có dấu hiệu hạ nhiệt đôi chút trong những tháng gần đây. Tỷ lệ người lao động tự nguyện bỏ việc làm của họ đã trở lại với mức gần sát giai đoạn trước đại dịch, cho thấy thị trường lao động đã hạ nhiệt đôi chút.

Tuy nhiên, hoạt động tuyển dụng và lương vẫn tăng, có thể khiến lạm phát duy trì ở mức cao. Thước đo mà Fed tin dùng để đo lạm phát, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), đã tăng 4,4% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, giảm từ mức 5,4% trong tháng 1. CPI lõi, loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, vẫn ở mức cao, tăng 4,7% trong tháng 4, 4,6% trong tháng 3 và 4,7% trong tháng 2 và tháng 1 năm nay. Trong khi đó, mục tiêu của Fed là lạm phát 2%.

Theo Wall Street Journal