Tổng thống Trump và nữ nghị sỹ Ilhan Omar (bang Minnesota) (Ảnh: Dailt Beast) |
Trong loạt tweet trên, ông Trump nói với 4 nữ nghị sỹ da màu của đảng Dân chủ rằng họ nên "trở về" nơi mà họ xuất thân - "những nơi tràn ngập tội phạm" - dù cho 3 trong số 4 nữ nghị sỹ này được sinh ra trên đất Mỹ. Những người chỉ trích ông Trump nhân cơ hội nhảy vào. Nhưng theo cách nào đó, cả 4 nhà lập pháp này - Alexandria Ocasio-Cortez, Ilhan Omar, Rashida Tlaib và Ayanna Pressley - thực sự thuộc về một quốc gia khác.
Nước Mỹ luôn tồn tại hai mặt song song. Ở một nước Mỹ, người ta cảm thấy sốc với các đoạn tweet phân biệt chủng tộc của ông Trump. Nhưng ở một nước Mỹ khác, người ta im lặng. Một mặt, người nhiều người ra mặt phản đối việc Tổng thống nói rằng người nhập cư châu Phi, Haiti và Salvador là đến từ những nơi "tệ hại". Mặt khác, nhiều người gật đồng đồng ý. Một mặt, người ta tỏ ra phẫn nộ khi giới chức chính quyền Trump chia tách trẻ em khỏi tay cha mẹ chúng và giữ chúng trong nhiều tuần ở các khu trại tạm giam. Mặt khác, người ta im lặng. Và có một cộng đồng người dân Mỹ cực lực lên án ông Trump vì ông từng nói những kẻ phát xít mới là "những người rất tốt". Nhưng có những người chỉ nhún vai bỏ qua.
Nhiều người cho rằng bình luận mà ông Trump đưa ra về người nhập cư cho thấy ông chả hiểu gì về nước Mỹ. Những người này cho rằng Mỹ được tạo dựng trên nền tảng hỗn hợp nhiều chủng tộc và nền tảng văn hóa khác nhau, và người nhập cư giúp cho đất nước mạnh mẽ hơn.
Nhưng cũng có nhiều người cho rằng các đoạn tweet mà ông Trump đưa ra mới đây cho thấy ông hiểu rõ nước Mỹ hơn là những người chỉ trích ông lầm tưởng.
Hai mặt của nước Mỹ luôn cùng tồn tại song song. Một là nước Mỹ được đại diện bởi biểu tượng Nữ thần Tự Do - luôn mở cửa với những người nhập cư khốn khó. Nhưng cũng có một nước Mỹ khác từng quét sạch người bản địa, bắt người châu Phi làm nô lệ, đuổi hết người nhập cư Trung Quốc trong thế kỷ 19 và tống những công dân Mỹ gốc Nhật vào các trại tập trung.
Và từ vị trí ở Nhà Trắng, đoạn tweet mới đây của ông Trump đã chạm tới mặt thứ hai của nước Mỹ.
Đã từng có nhiều nhà bình luận cho rằng Mỹ đang trên bờ vực của một cuộc Nội chiến thứ hai. Sự kiện này gợi nhớ đến một cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của 600.000 người Mỹ. Một nhà bình luận khác mới đây nói rằng Mỹ đang trên bờ vực một "cuộc nội chiến chính trị".
Bình luận trên khiến nhiều người Mỹ nhớ tới khoảng thời gian nhiều thập kỷ trước khi cuộc Nội chiến bùng nổ. Vào thời điểm đó, nước Mỹ cũng bị chia thành hai thái cực, các phe phái chính trị không thể đạt được thỏa thuận về một vấn đề - nô lệ. Giới lập pháp lúc bấy giờ còn mang cả súng ngắn khi tới Hạ viện và Thượng viện. Cuộc nội chiến lúc đó được mô tả như "một cuộc xung đột không thể kìm nén" - nước Mỹ hoặc sẽ trở thành một quốc gia ủng hộ chế độ nô lệ hoặc một quốc gia lao động tự do. Không có chỗ cho phe phái thứ ba.
Thời kỳ đó cũng là khoảng thời gian mà người ta chứng kiến sự trỗi dậy của đảng có tư tưởng chống người nhập cư đầu tiên của Mỹ, có tên "Đảng người Mỹ". Đảng này cáo buộc người nhập cư Ireland và Đức làm tăng tỷ lệ nghèo đói và tội phạm gia tăng ở Mỹ, bởi vậy mà các cuộc biểu tình tràn ngập khắp nước Mỹ trong giai đoạn 1840-1850.
"Các thành viên của đảng này thường xuất thân từ tầng lớp lao động, có tư tưởng chống những người có chức quyền" - Amy Briggs viết cho tạp chí National Geographic - "Họ tìm cách hạn chế người nhập cư và ảnh hưởng của Công giáo, và họ tuyên truyền các điểm xấu của nhóm người nhập cư Đức, Ireland để reo rắc sự thù nhận nhằm vào nhóm người này".
Các đoạn tweet của ông Trump mới đây cho thấy nước Mỹ giờ đang trong giai đoạn hướng tới một "cuộc xung đột không thể kìm nén" khác. Mỹ không thể vừa là một quốc gia tự hào vì tiếp nhận người nhập và đa dạng tôn giáo, vừa là một quốc gia đang nhốt người nhập cư trong các trại tạm giam.
Như Tổng thống Abraham Lincoln từng nói: "Đất nước chúng ta sẽ trở thành một thực thể như thế này hoặc sẽ hoàn toàn khác đi". Hay như một học giả từng nói rằng, Mỹ có thể trở thành một "nền dân chủ có lòng trắc ẩn, đa tôn giáo, đa sắc tộc"; hoặc sẽ trở thành một nền dân chủ "rỗng ruột", nơi mà một nhóm thiểu số thống trị phần còn lại.
Sự phẫn nộ nhằm vào các đoạn tweet của ông Trump rồi sẽ phai nhạt dần. Nhưng lựa chọn mà ông đưa ra cho người dân Mỹ sẽ vẫn còn đó trong nhiều năm sau.
Theo CNN