Đài Loan có thể mất thêm một đồng minh ngoại giao vào tay Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đài Loan có thể sắp mất thêm một đồng minh, sau khi ứng viên phe đối lập ở Honduras Xiomara Castro tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.
Ứng viên Xiomara Castro tuyên bố sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan nếu đắc cử (Ảnh: Bloomberg)
Ứng viên Xiomara Castro tuyên bố sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan nếu đắc cử (Ảnh: Bloomberg)

Dẫn trước 20 điểm so với đối thủ của bà, Nasry Asfura đến từ Đảng Quốc gia cầm quyền, và chỉ khoảng một nửa số phiếu được đếm, ứng viên Castro đến từ đảng Tự do và Tái thiết đã tuyên bố chiến thắng. Các lá phiếu hiện vẫn đang được đếm và kết quả chính thức chưa được công bố.

Bà Xiomara Castro, 62 tuổi – vợ của cựu Tổng thống Manuel Zelaya – có thể trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Honduras. Trong số những cam kết đáng chú ý, bà Castro nói bà sẽ “lập tức mở ra quan hệ ngoại giao và thương mại với Trung Quốc” nếu đắc cử.

Bắc Kinh – vốn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời – luôn tìm cách cô lập hòn đảo tự trị này trên trường thế giới, bao gồm cả việc lôi kéo các đồng minh ngoại giao. Một số quốc gia Trung Mỹ mới đây đã chuyển sang thiết lập quan hệ với Trung Quốc thay vì Đài Loan, mà gần đây nhất là El Salvador vào năm 2018.

Nếu chiến thắng của bà Castro được xác nhận chính thức và bà không thay đổi cam kết, Đài Loan sẽ chỉ còn lại 14 đồng minh ngoại giao. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến thành tựu của Đài Loan, khi giành được sự ủng hộ của châu Âu trong việc tham gia vào các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – sự ủng hộ mà Bắc Kinh xem là vi phạm nguyên tắc “một Trung Quốc” của họ.

Ngày 30/11, Đài Loan nói rằng họ sẽ tôn trọng kết quả bầu cử Honduras và quyết định của chính phủ mới ở Tegucigalpa về quan hệ ngoại giao.

“Chúng tôi ủng hộ Honduras tổ chức bầu cử theo cách tự do, dân chủ và minh bạch” – phát ngôn viên cơ quan ngoại giao Đài Loan Joanne Ou nói – “Dù là ai đắc cử, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục làm việc với chính phủ mới để tăng cường quan hệ song phương dựa trên cơ sở lâu dài, thân thiện, đôi bên cùng có lợi và thực tiễn.”

Nhấn mạnh rằng hai bên đã có mối quan hệ lâu dài, bà Ou nói rằng Đài Bắc đã theo dõi sát sao diễn biến ở Honduras và tăng cường liên lạc với cả đảng cầm quyền cũng như đảng đối lập ở nước này “để chứng minh rằng chúng tôi là một đối tác đáng tin cậy”.

Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan Joseph Wu nói với các nhà lập pháp trong hôm đầu tuần này rằng ông tự tin là sẽ không có sự thay đổi trong quan hệ ngoại giao với Honduras.

Đài Loan và Honduras đã kỷ niệm 80 năm quan hệ ngoại giao chính thức vào tháng 4 năm nay. Sau khi bà Castro tuyên bố sẽ cắt đứt quan hệ với Đài Loan nếu bà đắc cử, Đài Bắc đã cảnh báo Honduras không nên nghe theo những lời hứa hẹn “hào nhoáng và giả dối” của Bắc Kinh.

Mỹ cũng nhập cuộc, kêu gọi bất cứ ai đắc cử Tổng thống Honduras duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Tuần trước, một phái đoàn Mỹ tới thăm Honduras cũng nói rõ với các ứng viên dẫn đầu rằng Washington muốn thấy mối quan hệ Honduras-Đài Loan được giữ vững; Reuters dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trong tuần trước nói rằng “hành vi bắt nạt” sẽ không thể giúp Mỹ có thêm được bất cứ người bạn nào. Ông cũng cáo buộc Washington theo đuổi “bá quyền” ở Trung Mỹ, chỉ ra sự dính líu của Mỹ trong các cuộc đảo chính và nhiều âm mưu khác ở khu vực này suốt nhiều năm liền.

Bắc Kinh hy vọng sẽ mở ra quan hệ với Honduras như cách để mở rộng tầm ảnh hưởng của họ ở sân sau của Mỹ, cũng là cách để họ gây sức ép ngoại giao với Đài Loan – đặc biệt là trong bối cảnh có thêm nhiều nước châu Âu muốn thắt chặt quan hệ với Đài Loan.

Đài Loan hiện đang nhận được sự ủng hộ của nhiều nước châu Âu như Pháp, Đức, Hà Lan, CH Séc và các nước Baltics trong nỗ lực tham gia các cơ quan của LHQ như WHO và Interpol. Bắc Kinh cho rằng Đài Loan không có quyền gia nhập LHQ bởi phải là một nước mới có được tư cách thành viên.

Thêm nữa, Thủ tướng đắc cử của Đức, ông Olaf Scholz, hồi tuần trước đã công bố một thỏa thuận cho liên minh sắp tới, trong đó bao gồm chính sách về Đài Loan – rằng hiện trạng trên eo biển Đài Loan chỉ có thể được thay đổi một cách hòa bình và với sự đồng thuận của hai bên.